Giáo sư Philip Thorton dạy tại đại học Edinburgh, tác giả cuộc nghiên cứu, nói rằng nhu cầu về gia súc sẽ tăng gần gấp đôi trong khu vực dưới sa mạc Sahara tại Phi châu và nam Á tính cho đến năm 2050.
Nguyên do là vì dân số tăng nhanh, lợi tức cũng tăng, và các thành phố phát triển mạnh.
Ông cho biết dân cư tại các quốc gia đang phát triển sống bằng nghề chăn nuôi gia súc có thể được lợi vì nhu cầu về thịt gia tăng. Nhưng đồng thời ông cho biết công nghiệp hóa việc chăn nuôi gia súc cũng có thể gây khó khăn cho giới nghèo.
Ông nói: "Một trong những mối nguy là những người chăn nuôi gia súc này sẽ bị gạt ra ngoài lề và nếu như họ không thể tham gia vào thị trường thì rõ ràng là họ sẽ không ở trong tư thế có lợi từ sự kiện nhu cầu gia tăng."
Trong khoảng thời gian giữa những năm 1980 và 2002, tổng số lượng thịt do các quốc gia đang phát triển sản xuất đã tăng từ 45 đến 134 triệu tấn. Trong khi đó thì tại các quốc gia đã phát triển, mức sản xuất và tiêu thụ đã ngang bằng với nhau.
Đây không phải là khác biệt duy nhất. Theo giáo sư Thorton, mục súc đóng một vai trò quan trọng trong nhiều quốc gia đang phát triển mà không đâu bằng. Ông cho biết: "Nó không chỉ là phương tiện sản xuất hay kiếm sống của những người chăn nuôi mục súc, nhưng còn có nhiều khía cạnh văn hóa, xã hội liên quan đến việc chăn nuôi gia súc nữa."
Ông cho biết tại nhiều nơi ở châu Phi, đặc biệt, các liên hệ xã hội một phần được đánh giá qua số mục súc sở hữu. Lấy thí dụ, mức độ quan trọng trong xã hội của con người được đo bằng con số mục súc sở hữu, hay người ta có thể cho đi con bò, con dê làm quà ra mắt để làm quen.
Thế nhưng sẽ có nhiều điều chưa lường trước được khi mà việc sản xuất và tiêu thụ thịt gia súc thay đổi. Nhưng ông nói thêm là bắt buộc sẽ phải thay đổi. Theo dự trù đến năm 2050 sẽ có 9 tỉ người sống trên thế giới và cần được nuôi ăn, bất kể là đất và nước trên thế giới chỉ có hạn. Một trong những chọn lựa có thể có để đối phó với nạn thiếu hụt lương thực, theo giáo sư Thornton, có thể là thịt nhân tạo.
Ông giải thích: "Hiện giờ đang có rất nhiều công trình khảo cứu về ý tưởng sản xuất thịt nhân tạo. Nói cách khác, tức là thịt được chế tạo từ phòng thí nghiệm hay xưởng máy, thực sự hoàn toàn không liên quan đến động vật sống."
Điều này, theo ông, sẽ có những ý nghĩa rất lớn đối với gia súc trong thế giới đã phát triển lẫn đang phát triển.
Khí hậu biến đổi cũng có thể có hệ quả quan trọng. Những công nghệ mới có thể được cần đến để đối phó với hệ quả mà khí hậu biến đổi gây nên cho việc chăn nuôi gia súc. Điều đáng nói hơn nữa là sản xuất thịt theo lối dây chuyền đã gây nên gần 20% khí thải nhà kính do con người tạo nên, và những áp lực đòi ngăn chặn khí thải gây hiệu ứng nhà kính chỉ có tăng lên mà thôi.
Chăn nuôi gia súc chiếm đến 30% đất đai không bị băng giá bao phủ trên địa cầu và trị giá ít nhất chừng 1400 tỉ đô la. Sản phẩm chế biến từ thịt gia súc cũng chiếm một phần quan trọng trong lượng lương thực tiêu thụ của con người, nó chiếm chừng 17% mức calorie tiêu thụ trên toàn cầu.
Phúc trình của giáo sư Thornton là một phần trong một loạt gồm 21 công trình nghiên cứu được Hiệp Hội Hoàng Gia Anh Quốc xuất bản.
Một cuộc nghiên cứu mới để xem làm cách gì để nuôi sống dân số toàn cầu đang tăng mạnh nói rằng trong những năm sắp tới thịt nhân tạo sẽ thay thế cho việc tiêu thụ thịt gia súc. Một khoa học gia người Anh đã cho công bố kết quả cuộc nghiên cứu của ông hôm thứ Hai nói rằng mối quan hệ lâu bền từ 12 ngàn năm nay giữa con người và gia súc đang nhanh chóng thay đổi, nhưng tại các quốc gia đang phát triển, gia súc vẫn còn là một phần quan yếu của đời sống.