Càng ngày càng có nhiều người tải xuống các nhu liệu ứng dụng – thường được gọi là apps – vào điện thoại di động của mình. Các nhu liệu apps này có thể được dùng để chơi game, hướng dẫn, lướt mạng, mua bán và nhiều, rất nhiều thứ khác. Nay, một dự án vừa được loan báo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây sẽ sử dụng một app để giúp giảm tình trạng nghèo khó và cải thiện giáo dục.
Dự án này có tên là AppBridge. Khái niệm là liên kết những nhà phát triển nhu liệu với các cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ NGO. Dự án thử nghiệm được đặt dưới sự chỉ đạo của một cộng đồng Diễn đàn Kinh tế Thế giới gọi là Young Global Leaders. Nhóm này gồm khoảng 700 người dưới 40 tuổi thuộc các lãnh vực doanh nghiệp, xã hội dân sự, chính quyền và học thuật.
Cô Margo Drakos là người sáng lập AppBridge.
Cô Drakos cho biết: “Có một cơ hội cực kỳ đặc biệt để có thể mang các công cụ huấn luyện kỹ năng công ăn việc làm hay giáo dục đơn giản đến với những người đã có sẵn máy điện thoại và thiếu thốn nhất. Có cơ hội cực kỳ đặc biệt giúp giáo dục và tiếp xúc với họ qua một thứ mà họ đã sẵn có trong tay.”
AppBridge thoạt tiên sẽ nhắm vào những người có các máy điện thoại di động có đặc điểm riêng, tức feature phone. Đây không phải là các máy điện thoại loại được gọi là smartphone như iPhone của hãng Apple. Tuy nhiên, các máy này vẫn có các đặc điểm ở trên mức điện thoại di động tiêu chuẩn chỉ có thể dùng để gọi hay nhận các cú điện thoại.
Cô Drakos nói: “Đây thực sự là nhằm cung cấp các công cụ đơn giản cho các cá nhân có feature phone qua SMS và có thể tăng tốc việc truy cập các smartphone hay tiếp cận với 3G.”
SMS là mẫu tự đầu cụm từ tiếng Anh Short Message Service là đặc điểm dùng để nhắn tin nhanh. 3G hay là viễn thông di động thế hệ thứ 3, giúp người dùng truy cập Internet, nhắn tin nhanh, gọi điện thoại kèm theo hình ảnh và nhiều thứ khác.
Cô Drakos nói tiếp: “Vậy là chúng tôi khởi sự khái niệm lập một chương trình trên mạng có tác dụng giúp các tổ chức địa phương và đối tác địa phương ở thực địa xác định các nhu cầu cụ thể của cộng đồng và trình nội dung mà họ cần để chuyển cho các cá nhân. Sau đó ghép các tổ chức địa phương ở thực địa với một cộng đồng toàn cầu gồm những nhà phát triển app di động đi kèm với các trường đại học.”
Các app ban đầu dự trù sẽ cung cấp huấn luyện kỹ năng.
Cô Drakos nói: “Trong một số trường hợp sẽ có các kỹ năng hướng nặng vào kỹ thuật, như học ngành ô tô, hay điện hay sửa ống nước đơn giản. Muốn nhận apap qua điện thoại và biết rằng đó không phải là thư rác và họ sẽ không phải trả lệ phí thêm vân vân. Do đó, sẽ có một phương sách phân phối cho họ để truy cập app này kèm theo với các đối tác địa phương ở thực địa.”
Apps cũng có thể được dùng để liên kết các nhà kinh doanh với các cơ quan vi tín dụng hoặc với các thị trường.
Cô Drakos nhận xét: “Trong một số trường hợp, phụ nữ không thể đi bán các sản phẩm của mình từ nhà trừ phi họ biết là cửa hàng moở cửa và các cửa hàng không mở cửa vào một giờ giấc nào đó nhất định. Như thế một thứ gì đơn giản và cơ bản tỷ như báo cho biết khi nào cửa hàng mở cửa để họ có thể rời nhà đi bán sản phẩm của mình.”
Cô Drakus không phải xuất thân là một nhà kinh doanh kỹ thuật. Trước đây, cô từng là một nghệ sĩ đại hồ cầm chuyên nghiệp, trình diễn trong các buổi hòa nhạc trên khắp thế giới.
AppBridge đang làm việc với các công ty viễn thông, các cơ sở giáo dục và các tổ chức phi lợi nhuận. Các phiên bản của một số app của AppBridge có thể có được vào tháng 3.
Một dự án thử nghiệm sắp được tiến hành nay mai để xem liệu có thể sử dụng điện thoại di động giúp trong việc giáo dục giới nghèo hay không. Theo ước tính, 3/4 người nghèo trên thế giới sử dụng điện thoại di động. Thông tín viên VOA Joe De Capua ghi nhận chi tiết trong bài tường thuật sau đây.