Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày thứ Ba cáo buộc phương Tây cố tình tạo ra một trạng huống được thiết kế nhằm dẫn dụ nước này tham chiến và phớt lờ những lo ngại về an ninh của Nga liên quan đến Ukraine.
Trong những phát biểu trực tiếp công khai đầu tiên về cuộc khủng hoảng kéo dài gần sáu tuần, ông Putin không tỏ dấu hiệu sẽ lùi bước khỏi các đòi hỏi an ninh mà phương Tây đã gọi là không đi tới đâu và là một cái cớ khả dĩ để tiến hành một cuộc xâm lược, điều mà Moscow phủ nhận.
"Bây giờ thì rõ là các lo ngại căn bản về an ninh của nga đã bị phớt lờ,” ông Putin nói trong cuộc họp báo với thủ tướng Hungary đang thăm Nga, một trong số các nhà lãnh đạo NATO đang cố gắng giao thiệp với ông trong khi cuộc khủng hoảng gia tăng cường độ.
Ông Putin đã mô tả một trạng huống tiềm năng trong tương lai, trong đó Ukraine được gia nhập NATO và sau đó tìm cách tái chiếm bán đảo Crimea, vùng lãnh thổ mà Nga chiếm giữ vào năm 2014.
"Hãy tưởng tượng Ukraine là thành viên NATO và bắt đầu các hoạt động quân sự này. Chúng ta sẽ phải giao chiến với khối NATO à? Có ai nghĩ về điều đó chưa? Rõ ràng là chưa," ông nói.
Nga đã điều hơn 100.000 binh sĩ đến biên giới Ukraine và các nước phương Tây nói họ lo ngại ông Putin có thể đang lên kế hoạch xâm lược. Nga phủ nhận điều này nhưng nói họ có thể thực hiện các hành động quân sự không nêu cụ thể là gì trừ phi các yêu cầu an ninh của họ được đáp ứng. Các nước phương Tây nói rằng bất cứ cuộc xâm lược nào cũng sẽ đưa tới các chế tài nhắm vào Moscow.
Phát biểu của ông Putin hôm thứ Ba phản ánh một thế giới quan mà trong đó Nga cần phải tự vệ trước một nước Mỹ hiếu chiến và thù địch, theo Reuters. Ông Putin nói quan tâm chính của Washington không phải là an ninh của Ukraine mà là kiềm chế Nga.
"Theo cách hiểu này, bản thân Ukraine chỉ là một công cụ để đạt được mục tiêu này," ông nói.
"Điều này có thể được thực hiện bằng nhiều cách khác nhau, bằng cách dẫn dụ chúng tôi vào một cuộc xung đột vũ trang nào đó, và với sự giúp đỡ của các đồng minh của họ ở Châu Âu, buộc chúng tôi phải chịu các chế tài khắc nghiệt mà họ đang nói đến hiện nay ở Mỹ."
Thủ tướng Hungary Viktor Orban, người thường xuyên tranh cãi với các nhà lãnh đạo Tây Âu về nền dân chủ ở nước mình, cho biết sau cuộc hội đàm với ông Putin rằng có chỗ cho thỏa hiệp.
"Hôm nay tôi tin rằng những khác biệt hiện thời về lập trường có thể được dung hòa và có thể kí một thỏa thuận bảo đảm hòa bình, bảo đảm an ninh của Nga và cũng có thể chấp nhận được đối với các nước thành viên NATO.”