Qua đời 60 năm, Stalin vẫn gây tranh cãi ở Gruzia

Sau nhiều lần kiến nghị và biểu tình, bức tượng Stalin ở thành phố Gori sẽ được dựng lại vào ngày 21 tháng 12, ngày sinh nhật của Stalin.

Josef Stalin cai trị Liên Xô trong 30 năm với bàn tay sắt, giết chết đến 20 triệu người qua những vụ hành quyết, lưu đày và bỏ đói.

Nhưng tại thành phố Gori ở Gruzia, cách thủ đô Tbisili một tiếng đồng hồ lái xe, Stalin là đứa con cưng, có cái tên nguyên thủy là Iosif Dzhugashvili.

Trên con đường Stalin ở Gori, viện bảo tàng Stalin vẫn bảo quản mái nhà tranh, nơi Stalin đã sống trong 4 năm đầu đời.

Stalin là điểm du lịch số một của Gori, theo lời bà Khatia Gogrichiani, nhân viên phòng Du lịch của thành phố:

“Stalin là con người lịch sử, một lãnh tụ vĩ đại. Du khách đến đây vì quan tâm đến Stalin, đến tư cách của ông.”

Đứa con tai tiếng

Nhưng 60 năm sau cái chết của nhân vật nổi tiếng nhất Gruzia, đứa con mang nhiều tiếng xấu của vùng đất này một lần nữa đã tạo ra một cuộc tranh cãi.

Cách đây ba năm, tình cảm người dân Gori giành cho Stalin bị va chạm nặng.

Lợi dụng trời tối, chính quyền thân phương Tây của Tổng thống Mikheil Saakashvili đã cho di chuyển bức tượng lớn của Stalin ở quảng trường chính của Gori đi nơi khác.

Phóng viên của VOA lần tìm ra bức tượng đang nằm trong một khu công nghiệp bỏ hoang. Bức tượng 6 mét của Stalin nằm sấp trong một nhà kho không mái che.

Anh Jugi Xidasheli, một fan của Stalin cũng mò được đến đây. Anh nói:

“Con người Stalin rất thân thiết với chúng tôi, với tất cả mọi người ở Gori. Ai cũng có quyền nêu ý kiến nhưng Stalin đã sinh ra tại đây. Đây là thành phố của ông, quê nhà của ông. Dứt khoát phải có một bức tượng của Stalin tại Gori.”

Dựng lại tượng

Sau những lời phản đối và chiến dịch ký kiến nghị, hội đồng thành phố Gori bây giờ đồng ý dựng lại tượng Stalin.

Trước ngày sinh nhật Stalin 21 tháng 12, bức tượng sẽ được đặt lại tại một chỗ xứng đáng, có cây cối và đài phun nước bao quanh ở viện bảo tàng Stalin.

Bà Ketino Akhobadze làm tại viện bảo tàng này từ năm 1978. Bà nói rằng bà chưa từng bao giờ thấy du khách nước ngoài đổ về Gori đông như bây giờ:

“Họ đến từ Ba Lan, Mỹ, Nam Tư, Colombia, Brazil, Nhật Bản, Trung Quốc. Hầu như nước nào cũng có.”

Nhưng nhiều người Gruzia khác không nghĩ đến ích lợi cho ngành du lịch.

Các nhà sử học nói rằng có đến 700.000 người Gruzia chết trong thời kỳ Stalin, phân nửa do hành quyết ngay tại chỗ hoặc bị đày đi Siberia, phân nửa chết trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai.

Ông Alexander Rondeli, chuyên viên nghiên cứu quan hệ quốc tế nói rằng nhiều người trong gia đình bên mẹ của ông đã chết trong thời kỳ Stalin.

Lãnh tụ khôn ngoan?

Ông Rondeli nói: “Nếu bạn hỏi tôi muốn gì thì tôi sẽ trả lời tôi muốn đập nát cái viện bảo tàng đó đi, nhưng nhiều người ở đây lại bảo đó là một khuôn mặt lịch sử.”

Trong cuộc thăm dò năm nay, hai phần ba người Gruzia gọi Stalin là một “lãnh tụ khôn ngoan.”

Vào ngày 27 tháng 10, cử tri Gruzia sẽ chọn một tổng thống mới.

Phe đối lập tố giác Thủ tướng Bidzina Ivanishvili làm ngơ để cho các bức tượng của Stalin xuất hiện khắp nơi.

Nhưng ông Ivanishvili nói với đài VOA rằng tố giác này là dối trá và phục vụ mục tiêu chính trị:

“Sự thật là tôi không ủng hộ chuyện khôi phục tượng Stalin.”

Dù có hay không có bức tượng lớn, du khách nước ngoài thăm viện bảo tàng nói rằng những món trưng bày trong đó dường như đã quên đi những ngày Liên Xô nằm dưới bàn tay cai trị của Stalin.

Du khách Jorge Martin người Tây Ban Nha nói rằng ông thất vọng khi thấy viện bảo tàng có tính cách “sùng bái lãnh tụ.”

“Tôi nghĩ nên công bằng hơn một chút. Ông ta đánh bại Phát xít châu Âu nhưng ông ta cũng giết nhiều triệu người. Do đó, phần trình bày trong viện bảo tàng nên cân bằng hơn, thay vì chỉ trình bày ông ta như là một siêu anh hùng lúc trước.”

Sau cuộc bầu cử tổng thống, thách thức đối với chính quyền mới của Gruzia là hiện đại hóa viện bảo tàng Stalin, để cho các nạn nhân của ông góp mặt và có tiếng nói trong đó.

Josef Stalin và Gruzia