Quận 1 Tp.HCM xác nhận người dân bỏ về, từ chối vắc-xin Trung Quốc

Người dân từ chối tiêm vắc-xin của Sinopharm tại một điểm tiêm ở Quận 1 Tp.HCM, 13/8/2021.

Đại diện Quận 1 thành phố Hồ Chí Minh xác nhận vào chiều 13/8 rằng đã xảy ra việc một số người dân bỏ về tại một điểm tiêm chủng khi được biết loại vắc-xin tiêm cho họ là của hãng Trung Quốc Sinopharm, VTC News tường thuật.

Theo tìm hiểu của VOA, hồi trưa cùng ngày, một đoạn video dài 1 phút 20 giây lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, trong đó cho thấy cảnh đấu khẩu to tiếng giữa những người dân với cán bộ y tế về loại vắc-xin ngừa COVID-19 được cung cấp.

“Ở đây chúng tôi chích ngừa Vero Cell của hãng Sinopharm”, một nam cán bộ y tế nói trong đoạn video.

Ngay lập tức, có tiếng người dân hỏi lại: “Vero Cell là của nước nào?”. Đồng thời, một số người dân khác nói chen vào “Của Trung Quốc thì nói là Trung Quốc”, trong khi đó, cán bộ y tế lúng túng nói gì đó không nghe rõ được.

Bắt đầu từ thời điểm này trong đoạn video, có những người dân nói: “Thôi đi về”, và bước ra khỏi địa điểm tiêm chủng. Một người đàn ông nói: “Biết bao nhiêu mạng người ở đây, đâu phải một mạng của ông đâu mà”.

Vẫn theo đoạn video, trong khi người dân bỏ đi, nam cán bộ y tế nói qua loa cầm tay: “Giờ có thuốc chích là may rồi, giờ muốn đòi hỏi gì nữa?”

Cán bộ vừa dứt lời, người đàn ông lúc trước quay lại, lớn tiếng: “Đây mà mày chích mà chết mày chịu không?”. Tiếp lời người này, nhiều người khác bày tỏ tức giận về phát ngôn “có thuốc chích là may rồi” của cán bộ y tế.

Từ đây, đoạn video cho thấy một số người đi ra khỏi điểm tiêm chủng, trong khi vẫn có những người khác ngồi lại.

Theo quan sát của VOA, đoạn video được hàng nghìn người lan tỏa trên mạng xã hội, thu hút hàng nghìn lời bình luận.

Chiếm phần đáng kể trong các ý kiến là những lời chỉ trích thái độ bị xem là “mất dạy” của người cán bộ y tế, bày tỏ không tin tưởng vào vắc-xin do hãng Trung Quốc sản xuất, và khen ngợi những người đã bỏ về, không tiêm vắc-xin này.

Nhiều người nhân dịp này nhắc lại lời đề nghị rằng các cán bộ nhà nước cần tiêm vắc-xin Trung Quốc trước làm gương để người dân tin tưởng, làm theo.

VTC: Tuyên giáo Tp.HCM xác nhận người dân Quận 1 bỏ về, không tiêm vắc-xin của Sinopharm, 13/8/2021.

Trong số những lời bình luận, cũng có một số người cho rằng nhà chức trách cần công bố rõ thông tin về các loại vắc-xin khác nhau và việc chọn vắc-xin nào là quyền của người dân. Một số khác đưa ra quan điểm rằng tiêm vắc-xin Trung Quốc giữa lúc đại dịch COVID-19 ở cao điểm có thể xem là “trong những cái xấu, chọn cái ít xấu nhất”.

Xác nhận về đoạn video kể trên, đại diện Ban Tuyên giáo Thành uỷ Tp.HCM cho biết rằng căn cứ vào thông tin của Ủy ban Nhân dân Quận 1, đó là sự việc “có thật”, VTC News đưa tin vào chiều 13/8.

Ban Tuyên giáo Tp.HCM nói: “Sáng nay, quận 1 tổ chức tiêm vắc-xin tại điểm tiêm số 1, Huyền Trân Công Chúa. Vắc-xin được tiêm là AstraZeneca. Tuy nhiên, đến 9h thì tiêm hết loại vắc-xin này, sau đó quận tổ chức tuyên truyền người dân tiêm vắc-xin Sinopharm thì có một số người dân bỏ về như clip”, theo tường thuật của VTC News.

VOA cố gắng liên lạc với đại diện chính quyền Quận 1 để hỏi thêm thông tin nhưng không kết nối được.

Như VOA đã đưa tin, hôm 11/8, Bộ Y tế Việt Nam chính thức đồng ý bằng văn bản cho Tp.HCM sử dụng 1 triệu liều vắc-xin Vero Cell đã nhập khẩu từ Trung Quốc để tiêm cho người dân.

Cho đến nay, vẫn có nhiều người dân ở Tp.HCM và các tỉnh thành khác không muốn tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc, bất chấp tình trạng khan hiếm vắc-xin.

Các dữ liệu của Bộ Y tế Việt Nam cho thấy tính đến thời điểm này, đất nước đã tiếp nhận tổng cộng khoảng 19 triệu liều vắc-xin phòng COVID-19 các loại, gồm 11,5 triệu liều AstraZeneca, hơn 5 triệu liều Moderna, 746.000 liều Pfizer, 1,5 triệu liều Sinopharm và 12.000 liều Sputnik V.

Tính đến ngày 13/8, cả nước đã tiêm chủng hơn 13,2 triệu liều, trong đó tiêm một mũi là hơn 12 triệu người, tiêm mũi hai là gần 1,2 triệu người.

Số người tử vong vì dịch ở Việt Nam lên đến 5.088 vào chiều tối 13/8, trên tổng số gần 256.000 ca dương tính, kể từ đầu đại dịch, theo Bộ Y tế.