Quan chức Nhật: Bắc Triều Tiên khiêu khích là ‘tự sát’

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản phụ trách vấn đề bắt cóc, Keiji Furuya.

Một quan chức cao cấp của chính phủ Nhật Bản nói rằng một hành động khiêu khích quân sự của Bắc Triều Tiên, đặc biệt là sau thỏa thuận gần đây giữa Toyko và Bình Nhưỡng về vấn đề công dân Nhật Bản bị bắt cóc, sẽ là "tự sát."

Bộ trưởng Nội các Nhật Bản phụ trách vấn đề bắt cóc, Keiji Furuya, hôm Chủ nhật cảnh báo trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với ban tiếng Hàn của VOA rằng, Bắc Triều Tiên không còn cơ hội nào. "Nếu Bình Nhưỡng hành động ác ý như trước đây, chế độ này sẽ mất cơ hội cuối cùng của họ," ông Furuya nói.

Số phận của thiện ý

Cuối tháng trước, Bình Nhưỡng đồng ý thành lập một ủy ban tiến hành điều tra nội bộ về số phận của những công dân Nhật Bản bị bắt cóc trong những năm 1970 và 1980. Ủy ban cũng sẽ xem xét số phận của những công dân Nhật Bản khác ở miền Bắc, bao gồm những người đi cùng vợ chồng người Triều Tiên của họ đến nước này trong những năm 1950, cũng như tìm kiếm hài cốt của những người Nhật chết ở đó trong những ngày cuối cùng của Thế chiến II.

Chính phủ Bắc Triều Tiên dự kiến sẽ truyền đạt thông tin chi tiết từ ủy ban cho phía Nhật Bản trong tuần này. Theo ông Furuya, Tokyo vẫn chưa biết về thành phần, cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của ủy ban.
Trong suốt cuộc phỏng vấn với đài VOA, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của sự chân thành từ phía Bắc Triều Tiên trong việc làm trọn vẹn nghị trình đã thoả thuận.

Chuyến thăm của ông Abe

Ông Furuya cho biết Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe không có kế hoạch đến thăm Bắc Triều Tiên, mặc dù Thủ tướng cho biết ông sẵn lòng gặp nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un để giải quyết vấn đề bắt cóc.

"Hội nghị thượng đỉnh diễn ra khi gần kết thúc việc thực thi được thống nhất," ông Furuya cho biết. "Những điều kiện tiên quyết là Bắc Triều Tiên duy trì một thái độ chân thành và ủy ban của họ đưa ra được những kết quả hữu hình một cách kịp thời."

Lập trường của chính phủ Nhật không thay đổi là chính sách Bắc Triều Tiên của họ mang tính toàn diện, trong đó bao gồm không chỉ vấn đề người bị bắt cóc mà còn là vũ khí hạt nhân và thử nghiệm phi đạn. Hai vấn đề sau cũng có tầm quan thiết yếu đối với Mỹ và Hàn Quốc.

"Sự hợp tác giữa Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là vô cùng quan trọng đối với Tokyo," ông Furuya nói. Chính phủ Nhật Bản đã thông báo cho Washington và Seoul trước và sau các cuộc đàm phán với Bình Nhưỡng hồi tháng trước.