Liên doanh dầu khí Việt-Nga Vietsovpetro hôm 21/5 công bố quyết định bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo mới đối với chức Tổng Giám đốc và Chánh kế toán khi hai nhân sự đang nắm giữ các chức vụ này bất ngờ xin từ chức hai ngày trước đó vì “lý do sức khỏe” và “theo nguyện vọng cá nhân”.
Truyền thông trong nước xem đây là một sự kiện “biến động” khi 2 sếp lớn của ngành dầu khí bất ngờ “được thôi chức” trong cùng một ngày.
Trong khi đó, một chuyên gia phân tích chính sách của Việt Nam nhận định với VOA rằng đây có thể là bước khởi đầu của việc xử lý hai quan chức bị tố cáo đã nhận hàng chục tỷ đồng ngoài lãi suất trong chuỗi án tham nhũng liên quan đến Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và ngân hàng OceanBank.
Công thức “Kế toán 70%, giám đốc 30%”
Theo quyết định bổ nhiệm mà PVN công bố ngày 21/5, ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tập đoàn sẽ giữ chức Tổng giám đốc Vietsovpetro thay cho ông Từ Thành Nghĩa, người đã gửi đơn xin “thôi chức” vào ngày 18/5. Ngoài ra, ông Võ Quang Huy cũng được chấp thuận cho thôi chức “chánh kế toán” theo nguyện vọng cá nhân và cả hai ông đều được điều đi “nhận nhiệm vụ” ở văn phòng đại diện PVN phía Nam.
Cựu Tổng giám đốc Từ Thành Nghĩa và cựu Chánh kế toán Võ Quang Huy là 2 trong số 3 quan chức lãnh đạo Vietsovpetro đã bị các bị cáo trong vụ án OceanBank chỉ đích danh đã nhận hàng chục tỷ đồng ngoài lãi suất qua hình thức “chăm sóc khách hàng” bằng quà và tiền.
Tại phiên tòa ngày 5/9/2017 xét xử đại án OceanBank, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, cựu TGĐ OceanBank, khai đã đưa quà và tiền cho kế toán trưởng Võ Quang Huy và TGĐ Vietsovpetro Nguyễn Hữu Tuyến “khoảng 8 – 10 lần, có lần tặng một chục ngàn USD, 2 chục ngàn USD hoặc 300 triệu đồng”, theo Tuổi Trẻ.
Việc chi tiền ngoài lãi suất cho các lãnh đạo Vietsovpetro được bị cáo Nguyễn Minh Thu, phó TGĐ OceanBank cho biết: “Theo thỏa thuận thì phải đưa cho kế toán Vietsovpetro 70%, giám đốc Vietsovpetro 30%”.
Theo lời khai của nữ cựu quan chức OceanBank, sau khi ông Tuyến nghỉ hưu, bà tiếp tục chi khoản tiền “chăm sóc khách hàng” theo định kỳ này cho ông Từ Thành Nghĩa, TGĐ Vietsovpetro kế nhiệm ông Tuyến.
Tuy nhiên tại phiên tòa 5/9/2017, cả 3 lãnh đạo Vietsovpetro đều phủ nhận lời khai của các bị cáo Oceanbank, bất chấp câu hỏi của Hội đồng Xét xử rằng “Nếu không nhận tiền thì tại sao rất nhiều bị cáo lại khai giống nhau như vậy?”
“Vấn đề sức khỏe”
Ông Từ Thành Nghĩa được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Vietsovpetro từ ngày 1/7/2013 – 30/6/2018.
Trong đơn xin “thôi chức” gửi vào ngày 18/5, khi chỉ còn hơn 1 tháng là hết nhiệm kỳ, ông Nghĩa nói “đã dành hết tâm lực, trí tuệ và trách nhiệm để thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức rất lớn đối với Tập đoàn Dầu khí và Liên doanh Việt-Nga Vietsovpetro”, theo Vietnam Finance.
Về lý do từ chức, TGĐ liên doanh dầu khí cho biết: “Ở vị trí người đứng đầu doanh nghiệp lớn có áp lực công việc thường trực cao, tuy đã rất cố gắng giữ gìn và rèn luyện, nhưng tôi đã gặp một số vấn đề về sức khỏe đang phải điều trị như: huyết áp cao, rối loạn tiền đình, rối loạn tiêu hóa (do phải mổ lấy sỏi mật năm 2017)”.
Trong khi đó, lý do xin thôi việc của Chánh kế toán Liên doanh dầu khí Võ Quang Huy chỉ được cho biết là “theo nguyện vọng cá nhân”.
Dầu khí: Mảnh đất màu mỡ của tham nhũng
8 tháng sau khi bị tố giác nhận tiền tỷ, lý do xin từ chức đồng loạt của các lãnh đạo Vietsovpetro có vẻ như không đủ thuyết phục những người theo dõi tình hình thời sự và các nhà phân tích.
Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, một chuyên gia phân tích chính sách công ở Hà Nội, nhận định đây có thể là một bước tiếp diễn trong chuỗi xử án các đại án tham nhũng, một trong những ưu tiên hàng đầu trong chương trình hành động năm 2018 của chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu.
Hàng chục quan chức và hàng trăm người có liên quan khác đến hai đại án PVN-OceanBank đã bị đem ra xét xử và bị tuyên các án tù nặng, kể cả án tử hình và chung thân.
“Trước kia phần lớn nằm ở phía lãnh đạo tập đoàn, chưa nói gì đến Vietsovpetro cả, vì Vietsovpetro hơi ‘nhạy cảm’. Vietsovpetro là liên doanh dầu khí giữa Việt Nam và Liên Xô cũ, mà bây giờ Nga tiếp quản nên người ta chưa nói gì nhiều. Nhưng gần đây thì nó đã lan truyền sang Vietsovpetro rồi”, TS. Phạm Quý Thọ nói.
Theo cáo trạng của tòa án, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 31/11/2014, OceanBank đã chi tổng số tiền 1.576 tỷ đồng lãi ngoài cho các khách hàng, trong đó có 3 khách hàng lớn là Liên doanh Việt – Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) và Tổng Công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP). Cụ thể, VSP nhận 24,27 tỷ đồng, BSR nhận 19,36 tỷ đồng và PVEP nhận 76,78 tỷ đồng.
TS. Phạm Quý Thọ dự đoán việc 2 lãnh đạo Vietsovpetro “thôi việc” có thể chỉ là bước khởi đầu cho “quy trình” xử lý các quan chức bị tố cáo nhận hàng chục tỷ đồng trong số tiền hơn 1.500 tỷ chi lãi ngoài bị cho là đã “mất sạch”.
Dầu khí, đất đai… là những mảnh đất “màu mỡ” của tham nhũng. Với đặc tính lợi nhuận cao khi “chỉ cần khoan lên rồi đem bán”, theo TS. Thọ, việc kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực dầu khí ở Việt Nam là rất khó.
“Nếu [đem ra] xử, thì bất cứ ở đâu có nguồn lực vật chất mà có các quan chức quản lý, thì kiểu gì cũng có tham nhũng, chỉ là ở mức độ nào đó thôi, chứ làm sao kiểm soát được hết tham nhũng trong thời gian vừa rồi với một thế chế như thế này”, TS. Thọ nói.
Theo đánh giá của chuyên gia về chính sách công tại Việt Nam, chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư tuy có vẻ như đang ngày càng “phức tạp” và mở rộng nhiều chiều, nhưng nếu chỉ tính riêng các đại án tham nhũng đã được liệt kê, cũng rất khó để người đứng đầu đảng Cộng sản có thể xử lý hết trong nhiệm kỳ này.
“Ngoài ra, ‘chống’ rồi còn phải ‘xây’ như thế nào để hết tham nhũng hoặc minh bạch hơn thì đấy là những câu hỏi rất lớn để các lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Nhà nước phải tiếp tục làm”, TS. Phạm Quý Thọ nói.
Your browser doesn’t support HTML5