Quân đội Myanmar chặn Facebook

Tướng Min Aung Hlaing của quân đội Myanmar, người cầm đầu cuộc đảo chính quân sự hôm 1/2/2021. (Facebook-တပ္မေတာ္သတင္းမွန္ ျပန္ၾကားေရးအဖြဲ႕၊ ဇန္န၀ါရီလ၂၇၊ ၂၀၂၁)

Quân đội chiếm quyền ở Myanmar đã ra lệnh chặn Facebook hôm thứ Năm 4/2, đóng lại một kênh quan trọng đối với những người chống đối cuộc đảo chính quân sự, trong khi một số cuộc biểu tình lẻ tẻ đang bùng lên.

Tướng cầm quyền Min Aung Hlaing nhanh chóng củng cố quyền lực sau khi lật đổ nhà lãnh đạo dân cử Aung San Suu Kyi, giam giữ bà và các chính khách đồng minh hôm 1/2.

Đêm thứ Tư 3/2, Tướng Min Aung Hlaing nói với một nhóm nhà kinh doanh rằng ông có thể nắm quyền trong thêm 6 tháng nữa sau khi kết thúc tình trạng khẩn cấp kéo dài một năm, để tổ chức điều mà ông nói là ‘các cuộc bầu cử công bằng’.

Nhưng trong một hành động thách thức đối với các tướng lĩnh, hơn một chục nhà lập pháp đã được bầu lên trong cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 đã triệu tập một phiên họp quốc hội có tính biểu tượng tại khu vực nơi họ bị quản chế kể từ vụ đảo chính.

Một số cuộc biểu tình nhỏ đã diễn ra ở thành phố chính Yangon và các nơi khác, các nhà hoạt động cho biết ba người đã bị bắt giữ, trong khi các bác sĩ cũng đang tiến hành một chiến dịch bất tuân dân sự.

Nhưng tại một đất nước từng trải qua lịch sử đẫm máu về đàn áp biểu tình, không thấy quần chúng kéo nhau xuống đường để phản đối cuộc đảo chính.

Quân đội chiếm quyền hôm thứ Hai và tố cáo rằng có những điều bất thường trong cuộc bầu cử, làm chệch hướng tiến trình chuyển đổi sang dân chủ kéo dài và đầy khó khăn tại Myanmar.

Liên hiệp quốc và các chính phủ phương Tây lên án hành động này, họ kêu gọi chính quyền Myanmar hãy tôn trọng thắng lợi vang dội của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, chính đảng của bà Suu Kyi.

Phong trào chống đối tập đoàn quân sự nổi lên rất mạnh mẽ trên Facebook, nền tảng internet chính của Myanmar đã lót đường cho các hoạt động doanh thương cũng như hoạt động của chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông Myanmar cho biết Facebook sẽ bị chặn cho đến ngày Chủ nhật 7 tháng 2, vì người dùng “lan truyền tin giả và thông tin sai lệch, gây hiểu lầm”.

Tính năng nhắn tin WhatsApp của Facebook cũng bị chặn. Phân nửa dân số hơn 53 triệu người của Myanmar sử dụng Facebook.

Simon Migliano, Trưởng bộ phận Nghiên cứu của Top10VPN.com, cho biết nhu cầu về các dịch vụ VPN để lách lệnh chặn FB đã tăng 4.300%, khiến nhà cầm quyền Myanmar loan báo cũng sẽ chặn các máy chủ VPN. Tuy vậy, Facebook vẫn được truy cập lẻ tẻ và những người biểu tình ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai ở Myanmar, đã sử dụng FB để phát trực tuyến cuộc biểu tình đầu tiên trên đường phố kể từ sau cuộc đảo chính.

Nhân viên Bộ Nông Nghiệp mang băng đỏ ở thủ đô Naypyidaw ngày 4/2/2021, hưởng ứng lời kêu gọi trên mạng xã hội, phản đối cuộc đảo chính lật đổ lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi.


Một biểu ngữ in hàng chữ: “Nhân dân chống đối cuộc đảo chính quân sự”. Nhóm biểu tình gồm khoảng 20 người hô to: “Các nhà lãnh đạo của chúng tôi bị bắt, hãy thả họ ngay bây giờ, ngay bây giờ”.

Các nhóm sinh viên cho biết 3 người đã bị bắt sau cuộc biểu tình này. Reuters không liên lạc được với cảnh sát để yêu cầu bình luận.

Sau đó khoảng hơn chục người cũng đã tổ chức một cuộc biểu tình tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, trước khi giải tán nhanh chóng.

Phong trào bất tuân dân sự

Nhân viên y tế tại các bệnh viện chính phủ đã lãng công hôm thứ Tư, nhiều người khác đeo dải băng có màu đỏ của đảng NLD.

Đáp lại, hôm thứ Năm quân đội thông báo các bệnh viện quân đội sẽ cung cấp các dịch vụ điều trị.

Những hình ảnh được chia sẻ hôm thứ Tư cho thấy nhân viên làm việc tại Bộ Nông nghiệp cũng tham gia chiến dịch chống đảo chính. Các dấu hiệu khác thể hiện sự phẫn nộ của công chúng đã xuất hiện.

Trong hai đêm liên tiếp, cư dân Yangon và các thành phố khác đập son nồi, và bấm còi xe, hình ảnh được lan truyền rộng rãi trên Facebook.