Quan hệ Mỹ-Trung: Môi hở răng lạnh?

Quan hệ Mỹ-Trung có thể được tóm tắt bằng hai chữ “cần” và “ghét”. Mỹ và Trung Quốc cần nhau về mọi mặt, từ kinh tế - thương mại tới chính trị, nhưng Mỹ và Trung Quốc cũng luôn hậm hực với nhau, tranh giành ảnh hưởng trên thế giới với tư cách là hai siêu cường có đường lối phát triển và đối ngoại khác hẳn nhau. Hai vế “cần” và “ghét” này tùy từng thời điểm và vấn đề cụ thể mà biến báo, có lúc vế này lấn át vế kia. Tuy nhiên, về toàn cục, trong khoảng 30 năm qua, kể từ khi Trung Quốc đổi mới, thì vế “ghét” chưa bao giờ bùng phát mạnh tới mức hai nước trở thành thù địch, vì thế quan hệ giữa hai nước vẫn được đặc chưng bởi vế “cần”. Và điều này sẽ còn tiếp diễn trong trung hạn, tức là khoảng 5 tới 10 năm nữa, trừ khi có những chuyển biến mạnh mẽ về chính trị nội bộ của Trung Quốc và biến nước này trở nên cực đoan mù quáng.

“Cặp đôi hoàn hảo” về kinh tế, tài chính, và thương mại

Trong quan hệ kinh tế và thương mại, Trung Quốc và Mỹ hiện là hai đối tác quan trọng bậc nhất của nhau. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Mỹ (sau Canada và Mexico, 2 quốc gia láng giềng) và có tăng trưởng nhanh nhất trong giai đoạn 2001-2011 (471%). Tổng giá trị xuất khẩu năm 2011 từ Mỹ sang Trung Quốc đạt 103.9 tỷ USD.

Theo chiều ngược lại, Mỹ đang cần một lượng lớn hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong năm 2011, tổng giá trị nhập khẩu đạt 399.3 tỷ USD, tăng 9.4% so với năm 2010. Trong tổng giá trị nhập khẩu của Mỹ, hàng hóa và dịch vụ từ Trung Quốc chiếm 18.1% năm 2011, giảm nhẹ từ 19.1% năm 2010 và tăng đáng kể so với 8.2% năm 2009. Tỷ trọng các sản phẩm công nghệ cao cũng đã tăng trưởng nhanh đáng kể.

Nhìn từ phía Trung Quốc, Mỹ là bạn hàng quan trọng số 1 của Trung Quốc. Theo số liệu từ phía Trung Quốc[i] (có độ vênh nhất định so với số liệu từ phía Mỹ), năm 2010 Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ 283.3 tỷ USD, cao hơn nhiều so với đối tác thứ hai là Hồng Kông (218.3 tỷ USD), và gấp tới hơn 2 lần so với đối tác thứ 3 là Nhật Bản (121.1 tỷ USD). Thực ra, vì Hồng Kông giờ đây đã thuộc về Trung Quốc nên không ngoa khi nói rằng không phải chỉ có việc Mỹ là đối tác xuất khẩu số 1 của Trung Quốc, mà kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ xấp xỉ bằng kim ngạch xuất khẩu tới 4 nước kế tiếp cộng lại.

Không có Mỹ, thì Trung Quốc sẽ gặp khủng hoảng nghiêm trọng về thị trường hàng xuất khẩu. Trung Quốc cũng gặp khủng hoảng nặng về các hàng hóa nhập từ Mỹ - đặc biệt là các sản phẩm công nghệ cao – vốn là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu để giúp Trung Quốc sản xuất (nhiều khi là lắp ráp) thành các sản phẩm hoàn chỉnh và bán đi khắp thế giới. Ngược lại, không có Trung Quốc thì Mỹ cũng gặp khủng hoảng nghiêm trọng vì phần nhiều các công ty của Mỹ đặt các nhà máy xí nghiệp ở Trung Quốc (sản xuất thành thành phẩm rồi xuất khẩu ngược lại Mỹ như các sản phẩm của hãng Apple).

Bảng: Kinh Ngạch Thương Mại Mỹ - Trung 1980 – 2011 (Tỷ USD)

Năm Mỹ XK Tăng Mỹ NK Tăng Tổng kim ngạch Tăng
1980 3.8 - 1.1 - 4.9
1985 3.9 263.2% 3.9 254.5% 7.8 59.2%
1990 4.8 23.1% 15.2 289.7% 20 156.4%
1995 11.7 143.8% 45.6 200.0% 57.3 186.5%
2000 16.3 39.3% 100.1 119.5% 116.4 103.1%
2005 41.8 156.4% 243.5 143.3% 285.3 145.1%
2006 55.2 32.1% 287.8 18.2% 343 20.2%
2007 65.2 18.1% 321.5 11.7% 386.7 12.7%
2008 71.5 9.7% 337.8 5.1% 409.3 5.8%
2009 68.6 -4.1% 296.4 -12.3% 365 -10.8%
2010 91.9 34.0% 364.9 23.1% 456.8 25.2%
2011 103.9 13.1% 393.3 7.8% 497.2 8.8%
Nguồn: Congressional Research Service
China-U.S. Trade Issues. T5-2012

Trong quan hệ đầu tư, Trung Quốc hiện là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ. Theo dự đoán của Bộ Tài Chính Mỹ, tổng giá trị trái phiếu Chính phủ và các công ty tư doanh Mỹ do Trung Quốc nắm giữ đạt 1700 tỷ USD, trong đó khoảng 1300 tỷ USD (75%) là trái phiếu Chính phủ và các tổ chức đại diện Chính phủ (ví dụ như Freddie Mac và Fanny Mae). Thống kê cho thấy trong khoảng 10 năm qua, số nợ của chính phủ Mỹ mà Trung Quốc giữ liên tục tăng, trừ năm 2011 có giảm nhẹ đôi chút.

Do vậy, bất kỳ một động thái nào của Trung Quốc liên quan đến việc mua bán các giấy tờ này có thể gây ảnh hưởng hết sức lớn lên thị trường tài chính Mỹ và thế giới. Thực tế này khiến bất kỳ động thái chính sách hằn học nào của Mỹ hướng đến Trung Quốc cũng phải dè chừng đến sự trả đũa về tài chính về phía Trung Quốc. Trong cuộc khủng hoảng vừa qua, Mỹ đã phải hết sức mềm mỏng với Trung Quốc để đổi lại việc Trung Quốc không bán tháo các công cụ nợ do Mỹ phát hành. Đương nhiên việc bán tháo này, nếu xảy ra, cũng tai hại không nhỏ cho chính bản thân Trung Quốc và việc Mỹ liên tục nới lỏng định lượng liên tục trong mấy năm vừa rồi khiến Trung Quốc cũng chịu thiệt hại không nhỏ nhưng vẫn phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”.


Nhạy cảm tiền tệ

Có nhiều quan ngại việc đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc được định giá thấp gây nên thâm hụt thương mại lớn cho Mỹ và đây là một điểm khiến quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Tuy nhiên các phân tích dưới đây sẽ chỉ ra rằng trường hợp Trung Quốc tăng giá đồng tiền của mình sẽ không nhất thiết có lợi, ngay cả cho cả Mỹ. Vì thế, câu chuyện tiền tệ của Trung Quốc trong chính trị Mỹ nhiều khi bị thổi phồng thái quá.

Thứ nhất, để sản xuất hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu, Trung Quốc phải nhập khẩu hàng hóa từ các nước châu Á (đến 65% giá trị xuất khẩu). Nếu các nước này cũng tăng giá đồng tiền của mình, Trung Quốc sẽ phải nhập khẩu với giá cao hơn và như vậy cũng sẽ phải tăng giá hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ để bù đắp chi phí. Bản thân Mỹ cũng nhập hàng hóa đáng kể và sẽ phải gánh thêm chi phí do đồng tiền các nước này tăng giá. Và như vậy, thâm hụt thương mại của Mỹ không những không giảm mà còn nhiều khả năng sẽ tăng cao hơn nữa.

Thứ hai, Trung Quốc hiện đang là “chủ nợ” lớn nhất của Mỹ, bao gồm dự trữ ngoại tệ bằng đồng USD và các giấy tờ có giá của Chính phủ Mỹ. Nếu đồng Nhân Dân Tệ mất giá, Trung Quốc nhiều khả năng bán ra một phần lớn phần dự trữ này. Hệ quả là không những đồng USD mất giá mà còn gây tâm lý hoảng loạn và thúc đẩy các nhà đầu tư nước ngoài khác bán tháo các sản phẩm tài chính của Mỹ. Để đối phó lại động thái này, Mỹ sẽ phải tăng lãi suất, và nếu thế thì tăng trưởng của Mỹ sẽ bị tổn hại.

Thứ ba, từ bỏ chính sách tiền tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến các ngành công nhiệp xuất khẩu của Trung Quốc và gây ra việc sa thải nhân công trên diện rộng. Ảnh hưởng này sẽ càng trầm trọng hơn khi Trung Quốc trong nhiều năm đã sử dụng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn đang phải hứng chịu những ảnh hưởng không tốt từ cuộc khủng hoảng ở Châu Âu thì thêm một cú sốc nữa từ Trung Quốc là điều không mong đợi.

Cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, theo 1 báo cáo của nhóm Independent Task Forces, tài trợ bởi Council on Foreign Relations (CFR.org) thì trong giai đoạn từ giữa năm 2005 đến cuối năm 2006, khi Trung Quốc nới lỏng chính sách tiền tệ và “nâng” giá đồng Nhân Dân Tệ 6.5% so với đồng USD, thâm hụt thương mại của Mỹ không giảm mà thậm chí còn tăng. (Council on Foreign Relations: U.S.-China Relations: An Affirmative Agenda, A responsible Course, 2007, Tr.60).
(còn tiếp)

* Blog của Tiến sĩ Trần Vinh Dự là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.