Quan hệ Việt - Mỹ sang kỷ nguyên mới, nhân quyền vẫn là trở ngại

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Hà Nội hôm 7/8/2015.

Ngoại trưởng Mỹ nhận xét quá trình hàn gắn giữa hai nước Việt - Mỹ đã trải qua một thời gian và "không dễ dàng cho cả đôi bên".

Tuyên bố của ông John Kerry được đưa ra tại Hà Nội hôm nay 7/8 trong bài diễn văn đánh dấu kỷ niệm 20 năm Việt - Mỹ bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Tại một diễn đàn xã hội dân sự, Ngoại trưởng Kerry lưu ý rằng đôi bên đã mất 2 thập niên để bình thường hóa quan hệ:

"Chúng ta đã mất 20 năm để chuyển từ hàn gắn sang xây dựng quan hệ. Hãy nghĩ về những gì chúng ta sẽ đạt được trong 20 năm sắp tới".

Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam bị cắt đứt 40 năm trước, khi cuộc chiến tranh kéo dài ở Việt Nam được chấm dứt.

Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ và Việt Nam đã tiến lên các mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ, với thương mại hai chiều đạt 36 tỷ đô la trong năm ngoái.

Cùng phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh bày tỏ tin tưởng quan hệ đôi bên sẽ được nâng lên một mức cao hơn nữa.

Nhân quyền Việt Nam

Dù có các mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với Việt Nam, Hoa Kỳ vẫn tiếp tục nêu các mối quan ngại về thành tích nhân quyền của Hà Nội.

Trong báo cáo nhân quyền thường niên công bố hồi tháng 6, Bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc tới các vấn đề nhân quyền của Việt Nam bao gồm "giới hạn chặt chẽ quyền chính trị của công dân" và "các vụ cuộc tấn công, bắt giữ và giam cầm tùy tiện của công an".

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh tiến bộ về nhân quyền và thượng tôn pháp luật "sẽ tạo nền tảng cho mối quan hệ đối tác sâu xa hơn và bền vững hơn giữa Hoa Kỳ với Việt Nam" và "nhất định sẽ phục vụ cho quyền lợi của chính Việt Nam".

Chúng ta đã mất 20 năm để chuyển từ hàn gắn sang xây dựng quan hệ. Hãy nghĩ về những gì chúng ta sẽ đạt được trong 20 năm sắp tới.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry.

Ông Kerry nói thêm rằng: "Đôi bên càng có thêm điểm chung, càng dễ thuyết phục nhân dân hai nước siết chặt hơn các mối liên hệ và hy sinh cho nhau".

Việt Nam lâu nay vẫn bác bỏ các cáo giác về vi phạm nhân quyền. Hà Nội nói còn những khác biệt về quan điểm trong vấn đề này và mong thu hẹp các cách biệt đó qua đối thoại ngoại giao.

Trong bài phát biểu tại Hà Nội hôm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ khẳng định:

"Mỗi một quốc gia và một nền văn hóa đều có đặc thù riêng và chúng tôi tôn trọng khác biệt trong các cấu trúc quản trị căn bản khác nhau nhưng quan điểm về quyền tự do của con người là điều được toàn cầu công nhận. Nó xuất phát từ nhu cầu căn bản của con người là có phẩm giá và được đối xử một cách tôn trọng".

Your browser doesn’t support HTML5

Bấm vào để nghe phần âm thanh


Trước khi Ngoại trưởng Kerry đặt chân tới Hà Nội, tổ chức bảo vệ nhân quyền Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Pháp đã gửi thỉnh nguyện thư tới nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ, yêu cầu thúc đẩy chính phủ Việt Nam cải thiện nhân quyền, phóng thích tất cả ký giả hay blogger đang bị giam cầm và ngưng sách nhiễu, tấn công các nhà báo công dân, những người cung cấp thông tin độc lập không theo "lề Đảng".

Trong cuộc phỏng vấn với Trà Mi VOA Việt ngữ hôm nay, RSF hoan nghênh phát biểu của ông Kerry về vấn đề nhân quyền Việt Nam, nhưng nhấn mạnh rằng cần phải có hành động cụ thể song hành với lời tuyên bố.

Ông Benjamin Ismail, trưởng đặc trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong RSF:

Ông Benjamin Ismail - Trưởng đặc trách khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của RSF.

"Phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ tại Hà Nội hôm nay là một khởi điểm tốt, nhưng RSF chúng tôi trông chờ những yêu sách cụ thể từ Mỹ trong vấn đề nhân quyền Việt Nam. Trong thư gửi Ngoại trưởng Kerry trước khi ông sang Việt Nam, chúng tôi nhấn mạnh rằng Hiệp định TPP là một đòn bẩy quan trọng cụ thể nhất hiện nay có thể giúp cải thiện nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là về quyền tự do bày tỏ quan điểm và tự do báo chí. Ông Kerry nên tận dụng TPP làm công cụ để yêu cầu nhà cầm quyền Hà Nội phải thật sự tôn trọng nhân quyền".

Phóng viên Không biên giới cho biết sẽ tiếp tục kêu gọi các nền dân chủ lớn trên thế giới như Hoa Kỳ và các nước EU lưu tâm hơn nữa và thúc đẩy mạnh mẽ hơn đối với vấn đề nhân quyền của Việt Nam.

Ông Benjamin Ismail:

"Điều chúng tôi cần thấy là hồi đáp của nhà cầm quyền và các bước cụ thể chứng tỏ cải thiện và tôn trọng nhân quyền".

Trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong RSF nói thực tế cho thấy các chính phủ độc tài trong khu vực vẫn có thể phát triển kinh tế và thắt chặt quan hệ đối tác với các nước mà không cần phải nới lỏng sự kiểm soát các quyền dân sự và chính trị của công dân là một kiểu phát triển phản nhân quyền. Ông Ismail khẳng định:

"Nhiệm vụ của các nước như Mỹ hay Pháp là phải chứng tỏ cho các chính phủ độc tài thấy rõ rằng kiểu phát triển này sẽ không được chấp nhận. Cần phải thay đổi thực tế này."

Hiệp định TPP

Cả Hoa Kỳ và Việt Nam đều đang tham gia các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại rộng lớn bao gồm 12 quốc gia.

Điều chúng tôi cần thấy là hồi đáp của nhà cầm quyền và các bước cụ thể chứng tỏ cải thiện và tôn trọng nhân quyền.
Ông Benjamin Ismail.

Ông Greg Poling, nhà phân tích Châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS nhận định: "Cho tới nay, Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP".

Ông nói Việt Nam không chỉ hưởng lợi vì được tiếp cận thị trường Mỹ, mà còn vì được tiếp cận với các thị trường của Canada và Nhật Bản.

Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, Ngoại trưởng Kerry cũng hội kiến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của đảng cộng sản Việt Nam.

Tháng 7 vừa qua, ông Trọng đã được Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tại Tòa Bạch Ốc.

Trong buổi xuất hiện chung với Tổng thống Obama dịp đó, ông Trọng đã phát biểu rằng: "Trong lịch sử hai nước đã có một chương khó khăn, cay đắng, nhưng chúng ta đã có thể vượt lên trên quá khứ để khắc phục những khác biệt, phát huy lợi ích chung và hướng tới tương lai".

Biển Đông

Ngoài thương mại, các vấn đề về an ninh hàng hải ở Biển Đông đã trở thành một trọng tâm chính trong quan hệ Việt - Mỹ. Trong chuyến thăm lần trước tới Hà Nội vào năm 2013, ông Kerry đã công bố rằng Hoa Kỳ sẽ cung cấp 5 tàu tuần tra cao tốc giúp Việt Nam cải thiện lực lượng tuần duyên.

Chuyến công du lần này của ông Kerry tới Việt Nam là chặng dừng chân cuối cùng trong chuyến thăm 5 nước ở Trung Đông và Nam Á.

Ngoại trưởng Mỹ đến Hà Nội từ Kuala Lumpur (Malaysia), nơi ông tham dự diễn đàn khu vực ASEAN.

An ninh hàng hải là một trong những vấn đề mà Ngoại trưởng các nước tham dự diễn đàn đã nêu lên, đặc biệt xoay quanh hoạt động xây đảo gây tranh cãi của Trung Quốc trong vùng biển mà các nước xung quanh cũng có tuyên bố chủ quyền.

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh duy trì tự do hàng hải và hàng không trong khu vực là điều "thiết yếu".

Ông Kerry phát biểu rằng "Mặc dù có cam đoan rằng những quyền tự do này sẽ được tôn trọng, trong những tháng gần đây chúng ta vẫn thấy có những cảnh báo và những hạn chế".

Ông kêu gọi các nước phải cam kết ngưng xây dựng và quân sự hóa các đảo trong khu vực để hạ giảm căng thẳng.

Your browser doesn’t support HTML5

Truyền hình vệ tinh VOA 7/8/2015