Trong một cuộc điều trần tại Quốc hội hôm thứ Ba, Thượng nghị sĩ Robert Menendez thuộc Đảng Dân chủ nói ông sẽ tự kiềm chế, không thúc đẩy một dự luật của ông để áp đặt các biện pháp chế tài phụ trội đối với Iran về chương trình hạt nhân của nước này, cho tới ngày 24 tháng 3 - một hạn chót tạm thời trong cuộc đàm phán quốc tế với Iran. Tổng thống Barack Obama đã yêu cầu Quốc hội không biểu quyết về các biện pháp chế tài phụ trội, mà nhiều nhà lập pháp đảng Cộng hòa đang muốn thực hiện. Ông nói một cuộc biểu quyết như vậy có thể phương hại tới các cuộc thương thuyết với Iran tại một thời điểm có tính cách quyết định.
Thượng nghị sĩ Robert Menendez nói ông tự hào là người dẫn đầu các nỗ lực lưỡng đảng để áp đặt các biện pháp chế tài cứng rắn hơn nữa đối với Iran để khẳng định rõ rằng sẽ có hậu quả nếu các cuộc đàm phán quốc tế thất bại. Ông là người đã cùng nhà lập pháp đảng Cộng hòa, là Thượng nghị sĩ Mark Kirk, bảo trợ "Đạo luật về một nước Iran không có vũ khí hạt nhân." Tuy nhiên, ông Menendez hôm thứ ba đã làm nhiều người ngạc nhiên khi ông đưa ra loan báo này tại cuộc điều trần về vấn đề Iran của Ủy ban Ngân hàng Thượng viện.
"Sáng hôm nay, nhiều đồng nghiệp của tôi trong đảng Dân chủ, và cá nhân tôi, đã gửi một bức thư cho Tổng thống để nói với ông rằng chúng tôi sẽ không ủng hộ việc thông qua tu chính án Kirk-Menendez tại Thượng viện cho tới sau ngày 24 Tháng Ba, và chỉ trong điều kiện không có thoả thuận chính trị khung, bởi vì như bức thư đã nói, chúng tôi vẫn hy vọng ngoại giao sẽ thành công trong việc đảo ngược khả năng của Iran có thể phát triển vũ khí hạt nhân."
Thượng nghị sĩ Menendez xác định rõ rằng ông vẫn nghi ngờ thực tâm của Iran muốn đạt được thỏa thuận.
Cũng tại buổi điều trần, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Bob Corker, đương kim Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói rằng việc Thượng nghị sĩ Menendez thay đổi ý kiến là một việc vô cùng quan trọng.
"Nếu chúng tôi muốn cùng lên tiếng để chứng tỏ quyết tâm đối với Iran, thì có khả năng chúng tôi sẽ không biểu quyết về các biện pháp chế tài đối với Iran tại diễn đàn Thượng viện cho tới sau ngày 24 tháng 3."
Thay mặt cho chính phủ của Tổng Thống Obama, Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken một lần nữa mạnh mẽ kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ tạm hoãn bất kỳ cuộc biểu quyết nào được hoạch định để áp đặt các biện pháp chế tài phụ trội đối với Iran. Ông Blinken nói ông hiểu là Quốc hội có ý tốt, nhưng một cuộc biểu quyết tại thời điểm này có thể mang lại những hậu quả tai hại.
"Theo phán đoán có suy xét và quan điểm mạnh mẽ của chúng tôi, thì các biện pháp chế tài mới vào thời điểm này là không cần thiết và không giúp ích gì cho việc gia tăng triển vọng thành công của cuộc thương thuyết. Làm như vậy có thể phương hại một cách vô phương cứu chữa cho chính sách ngoại giao của chúng ta, gây khó khăn hơn cho triển vọng đạt được thoả thuận, và làm sụp đổ những biện pháp chế tài mà rất nhiều người tại quốc hội đã cật lực làm việc để thiết lập."
Ông Blinken nói một cuộc biểu quyết về các biện pháp chế tài phụ trội có thể làm cho các đồng minh của Mỹ nghĩ rằng Washington không nghiêm túc trong nỗ lực đạt được thỏa thuận với Iran, và như thế tạo cơ hội cho các thành phần bảo thủ ở Iran có cớ để rút khỏi cuộc đàm phán.
Tổng thống Obama đe dọa sẽ phủ quyết bất kỳ dự luật của Quốc hội áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt đối với Iran vào lúc này, và mặc dù Đảng Cộng hòa đang nắm đa số ở cả Hạ viện lẫn Thượng viện Mỹ, họ vẫn cần đến sự hậu thuẫn đáng kể từ các nhà lập pháp đảng Dân Chủ để có thể lật ngược phủ quyết của tổng Thống.
Trong khoảng 18 tháng qua, Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Anh, Nga và Trung Quốc đã thương thuyết với Iran để đòi nước này chứng minh rằng họ không có một chương trình nhằm sản xuất vũ khí hạt nhân. Tất cả các bên đã đồng loạt tăng cường các nỗ lực để đạt được một thỏa thuận chính trị trước cuối tháng Ba, trong khi các chi tiết về kỹ thuật sẽ được chung kết trước ngày 1 tháng 7 sắp tới.