Hôm 14/6, Quốc hội Việt Nam cho biết sẽ bầu ra các chức danh lãnh đạo chủ chốt như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ khóa mới vào kỳ họp thứ I của Quốc hội khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/7 tới.
Cổng thông tin Quốc hội hôm 14/6 dẫn lời ông Bùi Văn Cường, Tổng thư ký Quốc hội, cho biết kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XV sẽ dành 5 ngày, trong tổng số hơn 11 ngày làm việc, để làm công tác nhân sự, bầu ra các chức danh lãnh đạo của Việt Nam.
Việc bầu cử này sẽ diễn ra hai tháng sau kỳ tổng tuyển cử 23/5 và sau hơn ba tháng kể từ khi Quốc hội khóa XIV đã “kiện toàn” các chức danh này vào đầu tháng 4.
Truyền thông Việt Nam cho biết công tác nhân sự này là “một trong những nội dung quan trọng” của kỳ họp thứ I Quốc hội khóa XV.
Your browser doesn’t support HTML5
Vào cuối 3 và đầu tháng 4, khi Quốc hội khóa XIV gần mãn nhiệm kỳ, ông Vương Đình Huệ được bầu làm Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Xuân Phúc được bầu làm Chủ tịch nước, ông Phạm Minh Chính được bầu làm Thủ tướng Chính phủ, giống như thông tin mà một số người đã dự đoán trước đó trên mạng xã hội về cách sắp xếp nhân sự cho Đại hội Đảng XIII.
Trao đổi với VOA Tiếng Việt, ông Đặng Văn Phước, một cử tri ở Đắk Lắk, nói:
“Ở Việt Nam người ta thường gọi là “Đảng cử dân bầu”, và các chức danh từ trung ương như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ...đã được yên vị và đã được sắp đặt rồi”.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, ông Phạm Lê Vương Các, một người quan tâm đến tình hình bầu cử Việt Nam, nói:
“Theo nguyên tắc, các chức danh lãnh đạo mới phải do Quốc hội khóa mới bầu ra.”
“Các cuộc bầu cử này mang tính giả hiệu vì điều này người ta đã biết trước. Điều này cho thấy đây là một sự sắp xếp để chia ghế, chia quyền, chứ không phải là bầu cử đúng nghĩa.”
Your browser doesn’t support HTML5
Ông Bùi Văn Cường, đồng thời là Chánh Văn phòng Hội đồng bầu cử quốc gia, khẳng định cuộc bầu cử hôm 23/5 vừa qua đã “phát huy được tinh thần dân chủ, công khai, minh bạch trong từng bước triển khai công tác bầu cử, từ dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng cho đến công tác hiệp thương, lấy ý kiến cử tri, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, việc tổ chức vận động bầu cử cũng như việc bỏ phiếu, kiểm phiếu.”
Ông nói: “Với kết quả bầu được 499 đại biểu Quốc hội, cơ bản bầu đủ đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, khẳng định công tác nhân sự được chuẩn bị kỹ lưỡng, dân chủ, đúng quy định của pháp luật.”
Hội đồng bầu cử Quốc gia tổng hợp báo cáo của các địa phương cho biết tổng số cử tri cả nước là 69.523.133 người; tổng số cử tri tham gia bỏ phiếu là 69.243.604 người, đạt 99,60% số cử tri đi bầu.
Giới chức Việt Nam cho rằng dù cuộc bầu cử 23/5 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 bùng phát đợt thứ 4 với nhiều diễn biến phức tạp, “nhưng cuộc bầu cử đã được tổ chức an toàn.”