Tân Chủ tịch nước (CTN) với Bộ Công an
Trong diễn tiến mới nhất, sáng ngày 4/7/2024, tại Hà Nội, Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương (ĐUCATƯ), Bộ trưởng (BT) Công an đã chủ trì hội nghị ĐUCATƯ. Đây là tổ chức Đảng trong ngành công an, có vai trò chủ chốt, chỉ đạo và giám sát mọi hoạt động của lực lượng công an theo đúng đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Phát biểu khai mạc, Bí thư Lương Tam Quang cho biết, Bộ Chính trị (BCT) đã đồng ý phân công tân Chủ tịch nước (CTN) Tô Lâm tiếp tục tham gia Đảng ủy Công an Trung ương (ĐUCATƯ) và Ban Thường vụ của Đảng ủy, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc nguyên thủ quốc gia là thuộc cấp của một Bộ trưởng, chỉ là ủy viên Trung ương Đảng, không phải là lần đầu tiên bộc lộ sự tréo ngoe trong cấu trúc quyền lực của ĐCSVN!
BT Quang cũng thông báo với hội nghị nội dung phát biểu của Tổng Bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng, không dự cuộc họp được nên đã chuyển toàn văn bài nói đến hội nghị, trong đó ông chúc mừng những người dự họp trên cương vị mới, gồm CTN Tô Lâm; tân BT Lương Tam Quang và Chánh Văn phòng TƯĐ Nguyễn Duy Ngọc (nguyên Thứ trưởng Công an) (1). Vậy là, CTN Tô Lâm tuy ngồi trên ‘Tứ trụ’ nhưng vẫn sẽ nắm rất chắc Bộ Công an (BCA) ở bên dưới qua ba kênh: ông là Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh (theo Hiến pháp); là Ủy viên Ban thường vụ ĐUCATƯ (BCT vừa phân công) và kênh thứ ba, BT Quang là dân Hưng Yên, được cho là ‘đệ tử ruột’ của Tô Đại tướng từ những năm tháng sát cánh cùng nhau trong Bộ. ‘Việc ông Tô Lâm duy trì ảnh hưởng tại BCA sẽ là một trong những yếu tố then chốt quyết định liệu ông có thể trở thành TBT hay không,’ bà Ishizuka từ Viện Kinh tế Phát triển JETRO (Nhật Bản) nhận định như vậy với BBC (2).
Còn nhớ tại Hội nghị TƯ-9, Tô Lâm đã triển khai kế hoạch vận động để Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc, lúc bấy giờ cả hai mới là hàm Thứ trưởng, được bầu bổ sung vào BCT. Nhưng kế hoạch không thành. Tuy nhiên, Lương Tam Quang, dù chỉ mới là Ủy viên TƯĐ sau đó vẫn được Quốc hội phê chuẩn giữ chức BT Công an, còn Nguyễn Duy Ngọc, được BCT phân công giữ chức Chánh Văn phòng TƯĐ. Trên lý thuyết, quyền lực Tô Lâm không phải là vô đối mà được cân bằng và kiểm soát bởi các cơ quan khác trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Nhưng qua những đợt ‘xáo bài’ trên thực tế, các lần ‘đánh lấn’ của Tô Lâm đều thành công mỹ mãn (3).
Giữ đất nước trong vòng sợ hãi?
Sáng 1/7/2024, tại 63 tỉnh thành trên cả nước đã rầm rộ làm Lễ đồng loạt ra mắt lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) cơ sở. Truyền thông trong nước đánh giá đây là sự kiện quan trọng, được lãnh đạo và nhân dân quan tâm (4). Tuy nhiên, trong một thảo luận tại Quốc hội gần bốn năm về trước, khi dự thảo luật nói trên cũng do Tô Lâm lúc bấy giờ là BTCA đệ trình, đã có những ý kiến trái chiều về chủ trương này. Tại phiên thảo luận về dự án ‘Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở’ liên tiếp nhận được những đánh giá thẳng thắn xoay quanh việc có cần thiết phải ban hành luật này hay không và những lo ngại liên quan đến vấn đề phình bộ máy biên chế trong các lực lượng công an.
Hồi đó, Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Phó Tư lệnh Quân khu 2, ĐBQH tỉnh Hà Giang đã đặt câu hỏi: ‘Liệu có cần thêm một lực lượng nữa không khi lực lượng công an đã quá đông? Bây giờ một tỉnh ít nhất phải từ 3.000 công an, tỉnh to tới 4.000, hơn 4.000 công an chính quy. Lực lượng đông như thế, giờ lại thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ để nắm được tình hình, xử lý tình hình hay sao?’ (5). Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), lúc bấy giờ còn là quan chức Quốc hội cho rằng, khi 126 nghìn lực lượng công an bán chuyên trách được hợp thức hóa, thì ông lo ngại công an chính quy sẽ ‘lười biếng’, dồn hết công việc cho lực lượng bán chuyên làm. Đặc biệt đại biểu Nhưỡng tiếp tục lo ngại tình trạng phình bộ máy, ‘phình cả động mạch, cả tĩnh mạch’. Ông Nhưỡng đề nghị hết sức cân nhắc, bởi nếu ban hành luật mà luật bị ‘bật trở lại’, không có hiệu quả trong thực tiễn, nghĩa là có lỗi với nhân dân.
‘Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT cơ sở’ nói trên là một trong ba dự luật mà BT Tô Lâm từng đệ trình lên Quốc hội trước khi rời nhiệm sở. Hai dự án sau là ‘Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ’ và ‘Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ’. Nhà báo Huy Đức trước khi bị bắt khẩn cấp đã kể lại trên Facebook cá nhân về sự kiện này. Theo nhà báo hiện đang trong trại giam, nếu tư duy ‘quy đồng’ [theo kiểu mọi người đều là tội phạm] thì có lẽ, có ngày chúng ta phải ăn bốc, vì đũa cũng là vũ khí nguy hiểm’. Huy Đức thuật lại bình luận của một giáo sư luật, khi ông này theo dõi những sửa đổi trong Luật quản lý và sử dụng vũ khí... Thực tiễn cho thấy, không phải cứ lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn. Chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như hiện nay… như bà Trương Mỹ Lan từng chuyển hàng nghìn tỷ tiền mặt ra khỏi ngân hàng, hay bạo loạn có hàng trăm người tham gia ở Tây Nguyên mà BCA đã không phát hiện được từ trong trứng nước. Đáng tiếc, Facebook này của Huy Đức nay đã bị đóng, đành đọc ‘lỗ mỗ’ trên đường dẫn của báo ‘Công an Nhân dân’ (6)
Tô Lâm và TBT Nguyễn Phú Trọng
Quyền lực của tân CTN trong mối tương quan với TBT Trọng có lẽ là một trong những ẩn số lớn của cuộc chiến cung đình trên thượng tầng Ba Đình. Ngay cả giới thạo tin trong nước vẫn bị chia tách thành hai xu hướng ngược nhau. Trend thứ nhất cho rằng, Tô Lâm chỉ là phương tiện Nguyễn Phú Trọng dùng cho công cuộc ‘đốt lò’. Trend thứ hai thì lập luận ngược lại, cựu BTCA đã ‘tương kế tựu kế’, bề ngoài làm như là ‘tuân chỉ’, thực hiện lệnh của TBT, nhưng ‘nhất cử lưỡng tiện’, Tô Lâm ‘đôn đáo’ công việc ấy còn là để loại bỏ tất cả các đối thủ tiềm tàng cản trở bước tiến trên con đường trở thành người đứng đầu ĐCSVN vào thời điểm thích hợp. Một chuyên gia nghiên cứu về Việt Nam, Giáo sư Zachary đánh giá: ‘Việc ông Huệ bị mất chức đã khiến chuyện Bộ trưởng Công an Tô Lâm trở thành Tổng bí thư càng có thêm khả năng hơn bao giờ hết’. (7)
Tuy nhiên, cơ cấu quyền lực hiện tại của ĐCSVN cho thấy TBT vẫn là vị trí quyền lực cao nhất, có khả năng ảnh hưởng lớn đến các quyết định chính sách và bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo chủ chốt. Trong khi đó, tân CTN, mặc dù có vai trò quan trọng về mặt đối ngoại và biểu tượng quốc gia, nhưng thường phụ thuộc nhiều vào sự đồng thuận trong BCT và BBT, nơi mà TBT có tiếng nói quyết định. Mối tương quan quyền lực giữa tân CTN với một TBT cao tuổi và bị bạo bệnh có thể sẽ thay đổi tùy theo các yếu tố chính trị, sự ủng hộ trong nội bộ, cũng như các quyết định cá nhân của các thành viên khác trong TƯ và BCT. TBT Nguyễn Phú Trọng trên cương vị Đảng trưởng qua ba nhiệm kỳ và hiện vẫn có ảnh hưởng lớn trong Đảng. Tô Lâm không dễ gì tiếm quyền như một số nhà phân tích đánh giá. Mới đây, ông Trọng lại bố trí Đại tướng quân đội Lương Cường đứng đầu BBT âu cũng là một cách ‘cân bằng và đối trọng’ giữa các lực lượng vũ trang với nhau.
Và dù có tăng cường đàn áp và bắt bớ, tân CTN Tô Lâm vẫn khó trở thành nhà độc tài. Nắm giữ vị trí thứ ba trong ‘Bộ tứ’, Tô Lâm hiện đang đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan cả về đối nội lẫn đối ngoại. Theo những rò rỉ từ nội bộ, một mặt, tân CTN muốn các phe phái tạm hưu chiến để chuẩn bị cho Đại hội 14, đảm bảo sự đồng thuận và đoàn kết trong nội bộ Đảng và Chính phủ để các bên cùng xốc lại lực lượng. Nhưng sau những chiến dịch ‘đốt lò’ kinh thiên động địa vừa qua thì đây không còn là nhiệm vụ dễ dàng. Mặt khác, tân CTN lại cũng phải tập trung làm tốt nhiệm vụ tham mưu trong BCT, đề xuất với TBT Nguyễn Phú Trọng nhiều chủ trương quan điểm, định hướng lớn về công tác nội chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp.
Theo nguồn nội bộ không muốn tiết lộ danh tính, tân CTN Tô Lâm đang lên kế hoạch cho một số hoạt động đối ngoại để ra mắt quốc tế. Có tin Tô Lâm sẽ sang Lào ngày 9/7 và đi Campuchia ngày 10/7 tới. Nếu đúng như thế thì đây là quyết định tập thể của BCT và nằm trong định hướng đối ngoại lớn của ĐCSVN. Yếu tố bất ngờ chưa biết được là tân CTN sẽ có mũi đột phá nào trong bang giao với các cường quốc? Theo giới thạo tin, đột phá theo hướng nào cũng đều khó khăn, dù đó là sang Mỹ hay thăm Trung Quốc. Cũng ngày 4/7/2024, Thường trực Ban Bí thư (TTBBT) Lương Cường đã làm việc với Ban Đối ngoại Trung ương (ĐNTƯ) về tình hình thực hiện nhiệm vụ từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 13 đến nay (8). Truyền thông chính thống không cho biết cuộc họp bàn cụ thể những gì, nhưng thăm Campuchia trong bối cảnh cha con nhà Hun Sen ‘đang quậy’ hết cỡ cũng là thách thức cho tân CTN.
***
Quyền lực – Câu chuyện ngàn xưa ấy bao giờ cũng mới. Ở Việt Nam, TBT Trọng từng đề cập đến vấn để kiểm soát quyền lực ít nhất là từ tháng 4 năm 2016. Nhưng cuộc ‘nhốt quyền lực’ của ông Trọng dường như đã không đem lại nhiều kết quả như mong muốn. Theo các số liệu chính thức, Đảng đã cho 7 trong số 18 ủy viên BCT, tức là gần 40% ban lãnh đạo chóp bu khóa 13, cùng hàng trăm ủy viên trung ương, tướng lĩnh, cán bộ cao cấp ở trung ương và các địa phương ‘bay chức’; trong số này nhiều người không chỉ bị mất chức mà còn vào tù. Theo tác giả Tùng Phong, dưới bề mặt phẳng lặng của cái ao tù chính trị nhàm chán ở Ba Đình, những cơn sóng ngầm, lật đổ phía sau hậu trường, thanh trừng đấu đá không kém phần tàn khốc vẫn luôn diễn ra. Vị trí CTN chưa bao giờ bất ổn như thời gian qua. Điều này mang nhiều ý nghĩa. Có thể, công cuộc ‘đốt lò’ quả thực không có vùng cấm. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy các cuộc đấu đá nội bộ vẫn chưa dừng và rất có thể sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát (9). Trong bối cảnh ấy, quyền lực của Tô Lâm cũng chỉ là tương đối và đến phút này vẫn khó tiên lượng một cách chắc chắn, quan hệ giữa Tô Đại tướng với TBT ‘cơm có lành, canh có ngọt’ cho tận phút chót của ‘vở diễn?’
Tham khảo:
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/ckkky02p617o
(3) /a/trung-uong-9-buoc-ngoat-hay-ngo-cut-/7617585.html
(5) https://cafef.vn/moi-tinh-co-tu-3000-4000-cong-an-chinh-quy-co-qua-nhieu-20201117134516697.chn