Nên xem ‘Ranh giới’ để thấy họ bạc bẽo thế nào

Một hình ảnh trích xuất trong phóng sự mang tên "Ranh Giới" của VTV1. (Hình: Trích xuất từ trang YouTube của VTVCab Tin Tức)

VTV1 – Kênh Tin tức của VTV (Đài Truyền hình Việt Nam) vừa phát “Ranh giới” – phóng sự dài 50 phút, ghi lại một phần hoạt động của Khu K1 thuộc Bệnh viện Hùng Vương ở TP.HCM. Theo sắp xếp của Bệnh viện Hùng Vương, K1 là “tầng thứ tư” trong mô hình điều trị năm tầng. “Tầng thứ tư” là nơi tiếp nhận những bệnh nhân vừa bị nhiễm COVID-19 trở nặng, vừa mắc các bệnh khác, nhân viên y tế vừa phải điều trị COVID-19, vừa phải giải quyết những vấn đề sức khỏe liên quan đến chuyên khoa của họ.

Khu K1 của Bệnh viện Hùng Vương chuyên tiếp nhận những sản phụ bị nhiễm COVID-19 và sức khỏe suy sụp cả do mang thai lẫn mắc dịch. Từ 30/5/2021 đến 1/9/2021, nơi này tiếp nhận 861 bệnh nhân, 5/861 người thiệt mang nhưng có 804 sản phụ vẫn “mẹ tròn, con vuông”, do rơi vào tình trạng nguy kịch 57 người còn lại phải chuyển sang “tầng 5” (chăm sóc đặc biệt)... Tính đến 1/9/2021, riêng Bệnh viện Hùng Vương có 125 nhân viên y tế nhiễm dịch. Sau ba tuần điều trị và cách ly, họ đã trở lại vị trí của họ...

Cho dù khán giả của VTV đang tranh luận về việc thực hiện “Ranh giới” có vi phạm một số trong số các quyền nhân thân hay không? Cả cơ sở y tế lẫn báo giới có thể gạt bỏ sự riêng tư của bệnh nhân, thân nhân người bệnh, đặc biệt là những cá nhân đang trong giai đoạn cận tử hay không?.. Song ít nhất “Ranh giới” vẫn có giá trị. Giá trị của “Ranh giới” nằm ở chỗ giúp người ta nhận ra, hiểu hơn, nhân viên y tế vất vả thế nào, phải hi sinh ra sao, đặc biệt là dù có hơn một năm để học từ thiên hạ, để chuẩn bị cho tình huống COVID-19 bùng phát, lan rộng tại Việt Nam nhưng các cơ sở y tế thiếu đủ thứ: Từ nhân lực, dược phẩm, đến trang bị, thiết bị hỗ trợ cứu mạng con người (1)!

***

Vào thời điểm VTV phát “Ranh giới”, ông Nguyễn Trường Sơn (Thứ trưởng Y tế, lãnh đạo Bộ phận Thường trực Đặc biệt để chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM) gửi một văn bản, đề nghị Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM gia tăng sự hỗ trợ cho nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến và sử dụng tình nguyện viên. Theo đó, nhân viên y tế liên tục phải làm việc từ 8 tiếng đến 10 tiếng/ngày và không có khoảng thời gian nào trống để tạm nghỉ ngơi. Thậm chí do thiếu nhân sự, không ít người phải trực cấp cứu 12 tiếng/ngày! Ngoài cứu chữa, không có người hỗ trợ, nhân viên y tế phải làm việc tiếp để hoàn tất các thủ tục liên quan đến sổ sách, hồ sơ.

Ở thời điểm này, mỗi nhân viên y tế phải phục vụ từ 140 đến 150 bệnh nhân nhiễm COVID-19 nhưng gánh nặng mà họ phải mang không chỉ chừng đó. Các suất ăn dành cho nhân viên y tế chỉ có 120.000 đồng/ngày nhưng không dễ ăn, không phải ai cũng ăn được và nếu chẳng may bị nhiễm COVID-19, phải cách ly để điều trị, tiền ăn chi cho họ sẽ lập tức giảm xuống 80.000 đồng/ngày – ngang với những bệnh nhân khác! Nhân viên y tế còn là đối tượng bị quân đội, công an canh gác bên ngoài bệnh viện hoạch họe, khám xét khi họ có việc phải ra ngoài. Tình trạng này tệ đến mức, ông Sơn phải đề nghị chấn chỉnh ngay để không gây áp lực lên đời sống tinh thần của nhân viên y tế (2)!

***

Cứ đối chiếu giữa “Ranh giới” với văn bản mà ông Sơn vừa gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của TP.HCM sẽ thấy hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương tại Việt Nam bạc bẽo và bất nhân thế nào. Sự phi nhân ấy không chỉ chừng đó, cũng không chỉ bây giờ - giữa đại dịch mới có và chỉ riêng với nhân viên y tế. Chẳng riêng các chuyên gia, một số viên chức hữu trách đã cảnh báo từ lâu về sự bất cập của mạng lưới y tế: Thiếu bệnh viện. Bệnh viện thiếu trang bị, thiết bị khám bệnh, chữa bệnh. Thiếu cả nhân lực trong lĩnh vực y tế - tỉ lệ bác sĩ/10.000 dân và điều dưỡng/bác sĩ của Việt Nam thấp hơn các quốc gia phát triển từ bốn đến chín lần (3)...

Tuy nhiên đầu tư cho các lĩnh vực liên quan đến phúc lợi công cộng vẫn thế, vẫn... nhỏ giọt. Cuối năm ngoái – gần một năm sau khi đại dịch đã lan rộng trên toàn cầu, gần một năm sau khi đã có vô số bài học về vai trò của hệ thống y tế trong đại dịch đối với bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cá nhân, sự ổn định của cộng đồng – phân bổ ngân sách cho cả ba lĩnh vực là y tế, dân số, gia đình (20.611 tỉ) vẫn chưa bằng ¼ ngân sách dành cho... an ninh, trật tự an toàn xã hội (86.030 tỉ). Xem “Ranh giới”, ai cũng có thể thấy Khu K1 thiếu đủ thứ. Thậm chí khi Khu K1 được biến thành “tầng 4” trong tháp điều trị COVID-19 ở Bệnh viện Hùng Vương, người ta mới khoan tường để... đặt hệ thống dẫn oxy lỏng!

Tại sao lại như thế? Câu trả lời là sức khỏe, sinh mạnh của công dân, của một dân tộc không quan trọng bằng răn đe, phòng ngừa... lật đổ... chính quyền nhân dân. Công quỹ có hạn, thành ra đã dốc tiền cho công an sắm các loại phương tiện cá nhân, chuyên xa nhằm vô hiệu hóa bạo động thì còn tiền đâu để mua những thiết bị dù rẻ hơn nhiều như máy trợ thở, monitor theo dõi thể trạng bệnh nhân, trang bị bảo vệ cá nhân, khẩu trang y tế đúng quy cách!.. Công quỹ có hạn, thành ra đã dốc tiền vào việc tuyển chon, huấn luyện, sắm ngữa – nuôi ngựa để thành lập những đơn vị như Trung đoàn Kỵ binh thì còn tiền đâu để chi cho đào tạo nhân viên y tế. Bệnh viện đã thiếu, đào tạo thêm là... thừa!

Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có tình trạng, khi COVID-19 lan rộng, nhân viên y tế trở thành đối tượng bị cưỡng bức lao động. Đến giờ đã có hơn hơn 2.000 nhân viên y tế bị lây nhiễm COVID-19, ba người đã thiệt mạng, số còn lại kiệt sức vì làm việc liên tục mà không được nghỉ ngơi, tâm lý bị chấn thương khi phải liên tục đối diện với nghịch cảnh... nhưng Bộ Y tế vừa mới ban hành một văn bản, dọa sẽ tước chứng chỉ hành nghề nếu nhân viên y tế... tự ý bỏ việc giữa đại dịch (4)!

Chú thích

(1) https://www.youtube.com/watch?v=CCSVLv6_v8U&ab_channel=VTVcabTintức

(2) https://zingnews.vn/nhan-vien-y-te-tai-benh-vien-da-chien-tphcm-can-ho-tro-khan-cap-post1260409.html

(3) https://nhandan.vn/tieu-diem/de-xuat-dua-chi-tieu-bac-si-va-dieu-duong-vao-bo-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-375804/

(4) https://vnexpress.net/bo-y-te-lo-y-bac-si-bo-viec-4352043.html