Reuters: Sinopec của TQ tạm dừng các dự án với Nga, Bắc Kinh lo về các lệnh trừng phạt

Trụ sở hãng Sinopec ở Bắc Kinh.

Tập đoàn quốc doanh Sinopec của Trung Quốc mới đây gác lại các cuộc đàm phán về một khoản đầu tư lớn vào hoạt động hóa dầu và lập liên doanh về khí đốt ở Nga, các nguồn tin cho Reuters biết.

Bản tin độc quyền về vấn đề này của Reuters viết rằng động thái kể trên cho thấy Sinopec đang tuân theo khuyến cáo của chính phủ Trung Quốc về việc phải thận trọng vào lúc ngày càng có thêm các lệnh trừng phạt giáng vào Nga do họ xâm lược Ukraine.

Sinopec, tên đầy đủ là Tập đoàn Dầu khí và Hóa chất Trung Quốc, vừa đình chỉ các cuộc thảo luận về khoản đầu tư lên tới 500 triệu đô la vào một nhà máy hóa chất khí đốt mới ở Nga, một trong những nguồn tin cho biết trong bản tin độc quyền của Reuters.

Việc hãng lọc dầu lớn nhất châu Á dừng khoản đầu tư tiềm tàng vào một nhà máy hóa chất khí đốt và liên doanh về bán khí đốt của Nga ở Trung Quốc cho thấy rõ rằng ngay cả Trung Quốc, là đối tác ngoại giao quan trọng nhất của Nga, cũng lo ngại về những rủi ro khó lường từ các lệnh trừng phạt nặng nề do phương Tây đứng đầu.

Bắc Kinh đã nhiều lần lên tiếng phản đối các lệnh trừng phạt, đồng thời cũng khẳng định sẽ duy trì trao đổi kinh tế và thương mại bình thường với Nga, cũng như không chịu lên án hành động của Moscow ở Ukraine hay gọi đó là một cuộc xâm lược.

Nhưng ở hậu trường, chính quyền Bắc Kinh đang khuyến cáo các công ty Trung Quốc chớ có vi phạm các lệnh trừng phạt – Bắc Kinh đang buộc các công ty phải thận trọng khi đầu tư vào Nga, là nước cung cấp dầu lớn thứ hai và là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ ba cho Trung Quốc.

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine cách đây một tháng, 3 doanh nghiệp nhà nước khổng lồ của Trung Quốc trong ngành năng lượng - Sinopec, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), và Tập đoàn Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) – đều đã và đang đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt đối với các khoản đầu tư hàng tỷ đô la của họ vào Nga, các nguồn tin trực tiếp nắm về vấn đề này cho Reuters biết.

"Các công ty sẽ nhất nhất tuân theo chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong cuộc khủng hoảng này", một giám đốc điều hành tại một công ty dầu khí nhà nước nói. "Không có chuyện các công ty tự chủ động thực hiện bất kỳ khoản đầu tư mới nào".

Bộ Ngoại giao Trung Quốc trong tháng này đã triệu tập các quan chức của 3 công ty năng lượng nêu trên đến họp để kiểm điểm lại các mối quan hệ kinh doanh của họ với các đối tác Nga và các hoạt động ở đó, hai nguồn tin nắm thông tin về cuộc họp cho Reuters biết. Một nguồn tin cho hay bộ đã đề nghị họ không thực hiện bất kỳ động thái hấp tấp nào khi mua tài sản của Nga.

Ba công ty này đã thành lập các tổ chuyên trách về các vấn đề liên quan đến Nga và đang lập cách phương án dự phòng cho trường hợp bị gián đoạn kinh doanh và cho cả khả năng bị các lệnh trừng phạt thứ cấp, các nguồn tin cho biết.

Các nguồn tin đề nghị giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề, bản tin độc quyền của Reuters viết.

(Reuters)