Tập đoàn T&T của Việt Nam vừa đạt được một thoả thuận với Quỹ đầu tư trực tiếp Nga trong việc cung cấp vaccine Sputnik V do Nga sản xuất cho quốc gia Đông Nam Á.
Hãng thông tấn Nga RIA dẫn lời đại sứ Việt Nam tại Moscow, Đặng Minh Khôi, cho biết về việc đạt được thoả thuận này hôm 27/9, theo Reuters.
Cùng thời gian này đã diễn ra cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp phía Nga, Sergey Lavrov, tại Moscow hôm 27/9. Theo báo Thế giới và Việt Nam, ông Sơn, hiện đang thăm Nga trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên với tư cách bộ trưởng, dự kiến tập trung thảo luận các biện pháp cụ thể trong hợp tác phòng chống và kiểm soát dịch COVID-19, bao gồm cả việc cung cấp vaccine Sputnik V cho Việt Nam cũng như việc chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine này cho quốc gia Đông Nam Á.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin cách đây hơn 1 tuần, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã bày tỏ mong muốn được nhận thêm vaccine của Nga và hối thúc chính phủ nước này chuyển giao công nghệ sản xuất Sputnick V cho Việt Nam.
XEM THÊM: Việt Nam phê duyệt khẩn cấp vaccine của Nga sau khi nhận 'quà' từ TT PutinChính phủ Việt Nam hồi tháng 7 đồng ý với đề xuất của Bộ Y tế giới thiệu Tập đoàn T&T với Quỹ đầu tư trực tiếp Liên bang Nga (RDIF) để đàm phán mua 40 triệu liều vaccine Sputnik V bằng nguồn kinh phí hợp pháp do tập đoàn này huy động, tức không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 của Việt Nam.
Trước đó vài ngày, công ty dược của Việt Nam, Vabiotech, thông báo kế hoạch bắt đầu sản xuất thương mại vaccine Sputnik V của Nga trong những ngày tới, bằng việc sử dụng các nguyên liệu bán thành phẩm nhập từ Nga, theo một người phát ngôn của công ty được Reuters trích dẫn cho biết hôm 24/9. Vào tháng 7, Vabiotech xuất xưởng lô vaccine gồm 30.000 liều Sputnik V đầu tiên gia công tại Việt Nam và 1/3 trong số này được chuyển tới Nga để kiểm định chất lượng trong 30 ngày.
Theo Đại sứ Khôi nói với Thế giới & Việt Nam, Vabiotech đã nhận được giấy dứng nhận đạt yêu cầu của Viện Gamaleya, nơi sáng chế ra Sputnik V. Dự kiến công ty này sẽ sản xuất 5 triệu liều mỗi tháng và vaccine này sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng toàn dân.
Tập đoàn T&T và Vabiotech là hai công ty được nhà nước Việt Nam chỉ định cung cấp nguồn vaccine từ Nga, trong đó T&T được giao nhiệm vụ mua 40 triệu liều vaccine Nga trong khi Vabiotech nhận chuyển giao công nghệ đóng chai sản xuất Sputnik V ở Việt Nam.
Sputnik V là vaccine chống COVID-19 thứ 2 được Việt Nam cấp phép sử dụng trong nước sau AstraZenaca của Anh.
Báo Sputnik vào tháng trước trích dẫn lời của Đại sứ Khôi cho biết rằng ông đã thành lập một tổ công tác đặc biệt chuyên trách việc tăng cường hợp tác với Nga trong lĩnh vực phòng chống COVID-19 và tích cực tìm kiếm nguồn vaccine.
Việt Nam trong những tháng qua đã tích cực tìm kiếm nguồn vaccine để cải thiện tỷ lệ tiêm chủng trong nước, vốn đang nằm trong nhóm thấp nhất của khu vực.
Chủ tịch Phúc, trong chuyến công du tới Mỹ tuần trước đã tới thăm trụ sở của Pfizer ở New York và nhận được cam kết từ công ty này sẽ cung cấp đủ 31 triệu liều vaccine sản xuất theo công nghệ mRNA cho Việt Nam trong năm nay.
Đầu tháng này, Chủ tịch quốc hội Vương Đình Huệ đã đi thăm châu Âu và liền sau đó các quốc gia EU, gồm Đức, Ý, Pháp, Hà Lan, đã công bố hiến tặng hàng triệu liều vaccine chống COVID-19 cho Việt Nam.