Thính giả Phu Huynh hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Tôi đang sống và làm việc ở một cơ quan hành chính tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh, và đã mắc phải chứng bệnh khoảng 4 năm nay, với triệu chứng như sau:
- Vào cuộc họp cơ quan là tôi bị hồi hộp, run, trong lúc tôi phát biểu tiếng nói bị run, thậm chí bị nghẹn ở cổ, không nói được,
- Khi tiếp xúc đám đông hay có người lạ nhìn thì tôi bị run tay không thể cầm viết để viết được. Lúc đó rất hồi hộp, tim đập rất nhanh,
Tôi đi khám ở Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, thì bác sĩ nói tim bình thường. Khám ở Bênh viện Chợ Rẫy thì bác sĩ nói không phát hiện bệnh. Khám ở Bệnh viện Nhân Dân 115, thì bác sĩ kết luận tôi bị rối loạn thần kinh chức năng, và cho thuốc uống, nhưng không hết.
Xin hỏi Bác sĩ tôi bị bệnh gì? Bệnh của tôi có điều trị hết không và nên điều trị ở đâu? Tôi lo nhất là bi run tay không viết được.
Chân thành cảm ơn.”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền:
Your browser doesn’t support HTML5
Tôi xin trả lời câu hỏi về chứng lo âu lúc phải tiếp xúc với người khác, nói một cách khác là trong một tình huống xã hội. Tôi không phải bác sĩ chuyên khoa về bịnh tâm thần; tôi xin nhắc lại là chúng ta không thể có ý kiến riêng cho một trường hợp cá biệt. Sau đây tôi xin bàn một số điểm về bịnh “Rối loạn lo âu xã hội,” dịch từ Social Anxiety Disorder, viết tắt là SAD (tiếng Anh “sad”=buồn), hay "sợ xã hội" (sợ giao tiếp xã hội) (“social phobia)”. Ở Mỹ 4-10% người lớn có thể mắc chứng này, nếu tính trong một giai đoạn 12 tháng. Không can thiệp có thể đưa đến bịnh trầm cảm, lạm dụng thuốc hay các bịnh tâm thần khác.
Theo định nghĩa, người bịnh SAD cảm thấy rất lo âu khi họ tiếp xúc với người khác không phải là người thân thuộc, vì họ e sợ rằng nếu họ nói hay làm một việc nào (động thái), họ sẽ bị chê bai, phê bình làm họ phải xấu hổ. Mức lo âu này mạnh đến mức mà họ không thể làm một số việc đáng lẽ cần làm. Ví dụ có những người không dám đi dự các party, hay dự buổi họp, đến bắt chuyện với người lạ, hay đi lên gặp ông chủ. Đấy là những trường hợp lo âu xã hội chung hay tổng quát (generalized SAD). Một số trường hợp bịnh chỉ giới hạn vào tình huống mà họ phải nói, trả lời trong lớp học, xuất hiện trước một buổi tiệc, phát biểu ý kiến trước công chúng. Đấy là những trường hợp SAD giới hạn, không tổng quát (non-generalized SAD (DSM4); nay “performance only SAD” (DSM5)) . Người bịnh ngại "biểu diễn" hay làm một việc gì, trổ tài trước nhiều người, nên còn gọi là "performance anxiety" ( "lo âu lúc biểu diễn").
Một số trẻ em mắc chứng loại này và hay bị phạt oan. Chúng không nói được lúc gặp người ngoài gia đình. Ví dụ bố mẹ dắt đi thăm nhà bạn bè, biểu em chào thì em nhất định ngậm miệng. Vào lớp cô thầy hỏi thì nhất định không trả lời, nhưng viết hay vẽ để diễn tả thì vẫn tốt. Các em có thể bị kết tội bướng bỉnh, cứng đầu, có khi bị đánh đập. Thật ra chúng không muốn như vậy, nhưng mắc bịnh lo âu (anxiety disorder), biểu hiện bằng chứng gọi là "bịnh câm chọn lọc", không nói được trong một số tình huống xã hội chọn lọc (selective mutism).
Trong cách nói thông thường , chúng ta thường mô tả những người này là rụt rè (shy, timid), hoặc những người tránh tiếp xúc với người khác (sợ bị chọc, nhạy cảm quá mức với những nhận xét không tích cực từ người khác, nói chung là "nhát"- từ chuyên môn là "avoidant personality disorder"= rối loạn cá tính [tìm cách ] lẩn tránh). Ở đứa trẻ "nhát" có khuynh hướng thu mình lại lúc phải gặp người lạ hay những hoàn cảnh không quen thuộc (khi vào nhà người lạ, gặp bạn mới (từ y khoa: “behavioral inhibition” = ức chế về tập tính, hành vi).
Bịnh SAD xuất hiện vào tuổi 15-16, nhưng có khi sớm hơn lúc 5-6 tuổi. Nếu xuất hiện trễ , sau 30 tuổi, thường triệu chứng đầu tiên gây ra do một hoàn cảnh mới, ví dụ bịnh nhân từ trước vẫn rụt rè hay "không muốn phô trương", nhưng bây giờ do công việc phải đứng nói trước buổi họp hay đám đông, và gặp vấn đề, không làm được. Theo dõi ngoài đời, người ta thấy, 10 năm sau khi bắt đầu trị liệu (thuốc hoặc tâm lý), có chừng 1/3 là khỏi bịnh hẳn (thấp hơn kết quả các khảo cứu lâm sàng).
Nguyên nhân sinh bịnh : vừa có yếu tố di truyền, vừa có ảnh hưởng hoàn cảnh như thời thơ ấu bị khổ sở, ảnh hưởng cha mẹ, bạn bè. Vd : bị bạo hành, hiếp đáp lúc thơ ấu (child abuse); cha mẹ khó khăn, ưa chỉ trích, cha mẹ cũng lo âu nhiều; bị trừng phạt nặng trong quá khứ vì một chuyện không đáng kể (như nói chuyện trong lớp).
Chữa trị:
Hai cách chữa trị SAD có hiệu quả tương đương với nhau trong các khảo cứu:
Thuốc men
Các thuốc chống trầm cảm, thường là loại “thuốc ức chế có chọn lọc tái thu hồi serotonin” (SSRI, serotonin selective reuptake inhibitor) (tác dụng trên mức serotonin là một chất dẫn truyền thần kinh [neurotransmitter] ở các liên hợp sợi thần kinh, nơi các tế bào thần kinh liên kết với nhau [synapses ] )Ví dụ paroxetine (Paxil, Seroxat), sertraline (Zoloft).
Phản ứng phụ của SSRI: Rối loạn tính dục, ngái ngủ, lên cân, mất ngủ, lo âu, chóng mặt, nhức đầu, khô miệng, buồn nôn, rung tay, bón, đau bụng. Riêng đối với lứa 18-24 tuổi, SSRI có thể gia tăng nguy cơ tự tử.
Các thuốc SSRI có thể bắt đầu tác dụng sau 6 tuần, và tác dụng tới mức tối hảo sau 12-16 tuần. Có thể chữa trị bằng thuốc từ 6-12 tháng để tránh bịnh tái lại, hoặc phải dùng thuốc lâu hơn.
BS có thể cọng thêm một loại thuốc an thần benzodiazepine như clonazepam (Klonopin).(Không dùng benzodiazepine này nếu bị bịnh gan nặng, khó thở, có ý tưởng tự tử)
Biến chứng: nhức mỏi cơ thể,ho, khó thở, chán chường, buồn bã, nóng sốt, ăn không ngon, mất khoái cảm, thú vị; rối loạn tính dục, có thể lên đến 50% trường hợp)
Lúc biên toa SSRI cho bịnh nhân uống thuốc, bác sĩ có thể khuyến khích bịnh nhân thử tìm đến những nơi hay tình huống mà trước đây làm mình sợ, để thử xem (test-out) thuốc hiệu nghiệm không, và cũng để chứng minh cho bản thân biết là cái sợ của mình vô căn cứ. Bác sĩ có thể bắt đầu bằng liều thấp và tăng dần lên liều cao hơn nếu không thấy tác dụng.
Trị liệu tâm lý bằng "cognitive behavioral therapy" (CBT): thay đổi nhận thức, hiểu biết và tập tính, hành vi (behavior) của bịnh nhân. Bịnh nhân SAD đánh giá sai lạc về cách mình giao tiếp trong xã hội, cho rằng người ta nghĩ tiêu cực (xấu) về mình và gán cho thái độ của người khác một tầm quan trọng quá đáng. Một lời nói, một cử chỉ vô hại, “vô thưởng vô phạt “(neutral) có thể được bịnh nhân xem như là lời trách móc, quở mắng có ảnh hưởng nhiều đến mình. Cái sợ này làm cho bịnh nhân rụt rè thêm, thu mình lại, lại càng làm cho bịnh nhân mất cơ hội để thấy là không có gì đáng lo sợ, tạo nên vòng lẩn quẩn. Tâm lý gia giúp cho người bịnh hiểu thêm về nhận định sai của mình, đồng thời khuyến khích bịnh nhân thay đổi sự "co cụm, rút lui" của mình để giải tỏa , cắt đứt cái vòng lẩn quẩn càng ngày càng giữ bịnh nhân bị vây hãm trong mối lo.
Giản dị hơn, chúng ta có thể tự học hỏi, tìm hiểu và tự giúp lấy mình ý thức về nỗi lo sợ của mình, và ý thức được cái sợ của mình là vô căn cứ. Các tôn giáo cũng giúp chúng ta bớt bị cảm xúc điều khiển và chủ động loại bỏ sợ sệt làm mình mất bình tĩnh. Trong một khảo cứu khoa học, theo Matt Bradshaw, tác dụng của kinh cầu nguyện tùy theo liên hệ giữa người cầu nguyện với đấng được cầu xin. Những người tin vào Chúa (hay Trời, Phật) như một đấng hiền từ che chở cho mình (“secure attachment to God”), cầu nguyện có thể làm giảm sự lo âu. Tuy nhiên, đối với những người quan niệm đấng tối cao như là một bề trên nghiêm khắc, trừng phạt và không để ý đến thân phận của mình (“avoidant, insecure, anxious attachment to God”), cầu nguyện (có lẽ như một hình thức van nài) có thể làm cho họ lo âu và tâm trí họ xáo trộn thêm. Phương pháp chánh niệm quen thuộc với người Việt giúp ý thức về giây phút hiện tại cũng là một phương tiện hữu hiệu giải toả tình trạng lo âu. Phương pháp này (mindfulness) được nhắc đến và thực hành nhiều ở Mỹ (“experiencing the present moment”).
Riêng về chứng run tay không viết được vì sợ, lo âu, bác sĩ có thể nghĩ đến loại thuốc beta blocker (ức chế tác dụng beta-adrenergic trên hệ thần kinh tự dưỡng, làm tim bớt đập mạnh, bớt run) như propranolol, uống chừng 30-60 phút trước khi phải thực hiện động thái làm mình lo, run sợ. Nên thử trước. Không được dùng propranolol cho người từng có biến chứng với thuốc, bịnh tim, bịnh suyễn, dị ứng.
Xin nhắc lại, các nhận xét trên đây chỉ có tính cách thông tin. Thính giả cần hội ý với bác sĩ của mình.
Chúc bịnh nhân may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 30 tháng 7 năm 2018
Reference:
1)Murray B. Stein Pharmacotherapy for social anxiety disorder in adults
https://www.uptodate.com/contents/pharmacotherapy-for-social-anxiety-disorder-in-adults?search=social%20anxiety%20treatment&source=search_result&selectedTitle=1~150&usage_type=default&display_rank=1
2) https://www.mindful.org/10-mindful-attitudes-decrease-anxiety/
3)The effect of prayer on depression and anxiety: maintenance of positive influence one year after prayer intervention.
Boelens PA1, Reeves RR, Replogle WH, Koenig HG.
https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/22641932
4)Anxiety and Amen: Prayer Doesn’t Ease Symptoms of Anxiety-Related Disorders for Everyone, Baylor Study Finds
https://www.baylor.edu/mediacommunications/news.php?action=story&story=145373
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.