Vài ngày trước chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) và hơn chục tổ chức nhân quyền khác kêu gọi ông đề cập tình trạng vi phạm nghiêm trọng về tự do báo chí và quyền được thông tin ở nước này.
“Là một trong những đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, Hoa Kỳ cần nêu các vi phạm có hệ thống về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin do chế độ này gây ra. Chúng tôi kêu gọi Tổng thống Biden tăng cường áp lực lên chính quyền Việt Nam để trả tự do cho tất cả 41 nhà báo và những người bảo vệ quyền tự do báo chí bị giam giữ ở nước này”, ông Christophe Deloire, Tổng thư ký RSF, cho biết trong một thông cáo.
Mặc dù quyền tự do báo chí được quy định trong Điều 25 Hiến pháp Việt Nam, chế độ này đã tăng cường đàn áp các nhà báo và những người bảo vệ tự do báo chí trong những năm gần đây, vẫn theo tuyên bố của RSF.
Trong số “các bản án tù khắc nghiệt đã được tuyên một cách có hệ thống”, RSF nhắc đến trường hợp nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, người đoạt Giải thưởng Tự do Báo chí RSF 2019, và đang thụ án 9 năm tù với cáo buộc “Tuyên truyền chống nhà nước”.
RSF và các tổ chức nhân quyền viết thư đến Nhà Trắng để bày tỏ mối quan ngại sâu sắc của họ về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trước khi ông Biden đến thăm Việt Nam vào ngày 10/9 để tăng cường mối quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Một quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước sẽ góp phần bảo vệ Việt Nam. Tuy nhiên, để mối quan hệ hợp tác này mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân hai nước, thì hai quốc gia cần phải chia sẻ một số giá trị chung tối thiểu. Chẳng hạn như sự tôn trọng tuyệt đối đối với dân chủ và nhân quyền”, bức thư chung viết. “Trong nhiều năm, Việt Nam đã lợi dụng các điều luật để bỏ tù những người bất đồng chính kiến và hạn chế đáng kể quyền tự do báo chí, cũng như quyền tự do ngôn luận và quyền thông tin”.
RSF lên án chế độ nhà tù ở Việt Nam, nơi các nhà báo bị bỏ tù “gần như bị ngược đãi và không được chăm sóc y tế một cách có hệ thống”.
Tổ chức này nhắc lại thông tin ngày 2/8/2022, nhà bình luận chính trị Đỗ Công Đương chết trong trại giam ở tuổi 58 do bị “ngược đãi” kể từ khi bị bắt. Gần đây nhất, vào tháng 8/2023, gia đình nhà báo tự do Lê Hữu Minh Tuấn, người bị kết án 11 năm tù năm 2021, tiết lộ rằng ông đang bị nhiễm ghẻ nặng.
Your browser doesn’t support HTML5
Thư chung kiến nghị Nhà Trắng nên gây áp lực các nhà lãnh đạo Việt Nam chấm dứt hành vi đàn áp chính trị đối với tất cả những cá nhân chỉ vì họ thực hiện quyền tự do ngôn luận; sửa đổi các điều luật mang tính chất đàn áp, bao gồm, nhưng không giới hạn, các Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự và Luật An ninh mạng; chấm dứt hành vi đàn áp xuyên quốc gia và trả tự do cho tất cả tù nhân của lương tâm.
Bà Carolyn Nash, Giám đốc Vận động Châu Á của Tổ chức Ân xá Quốc tế Hoa Kỳ, hôm 8/9 viết trên tạp chí The Diplomat rằng Tổng thống Biden “không nên bỏ qua bỏ cuộc khủng hoảng nhân quyền ở Việt Nam”, nói thêm rằng việc chính quyền Việt Nam “hình sự hóa quyền tự do ngôn luận là trái ngược với cả các giá trị của chính quyền Biden, trái ngược với việc hỗ trợ hoạt động vì khí hậu và quyền của người lao động”.
Trước đó, hôm 1/9, trong các thư khác nhau gửi Nhà Trắng, hơn 60 gia đình các tù nhân lương tâm, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và các tổ chức quốc tế khác hối thúc ông Biden nêu vấn đề nhân quyền với giới lãnh đạo Việt Nam.
Trong một phản hồi cho VOA hôm 7/9 về các bức thư này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ viết: “Chúng tôi luôn kêu gọi chính phủ Việt Nam đảm bảo hành động của mình phù hợp với tất cả các luật liên quan, với các quy định về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam cũng như với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình”.
“Hoa Kỳ thường xuyên hợp tác với Chính phủ Việt Nam ở mọi cấp độ về các vấn đề nhân quyền và pháp quyền và sẽ tiếp tục làm như vậy. Thông điệp của chúng tôi nhất quán và dựa trên niềm tin mãnh liệt rằng các quốc gia thành công nhất là những quốc gia tôn trọng và bảo vệ nhân quyền cũng như các quyền tự do cơ bản”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa phản hồi ngay yêu cầu bình luận của VOA.
Chính quyền Việt Nam luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai “vi phạm pháp luật”.
Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ ba trên thế giới về số lượng các nhà báo và người bảo vệ tự do báo chí bị giam cầm, với ít nhất 41 người bị tù. Việt Nam đứng thứ 178 trên 180 trong Chỉ số Tự do Báo chí của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) năm 2023, vị trí thấp nhất kể từ khi chỉ số này được công bố vào năm 2002.