Rubio thề đặt lợi ích quốc gia ‘trên hết’ với tư cách Ngoại trưởng của ông Trump

Thượng nghị sĩ Florida, Marco Rubio, điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 15/1/2025 về chức vụ Ngoại trưởng mà Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử ông.

Thượng nghị sĩ Florida, Marco Rubio, cam kết sẽ thực thi tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống đắc cử Donald Trump với tư cách là ngoại trưởng, tuyên bố trong phiên điều trần để được Quốc hội phê chuẩn hôm 15/1 rằng tân chính quyền sẽ mở ra một con đường mới bằng cách đặt lợi ích của Hoa Kỳ “trên hết tất cả”.

“Đặt lợi ích cốt lõi của quốc gia lên trên hết không phải là chủ nghĩa biệt lập”, ông Rubio nói với Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, theo lời tuyên bố mở đầu mà AP có được. “Là lẽ thường tình khi nhận thức rằng một chính sách đối ngoại tập trung vào lợi ích quốc gia của chúng ta không phải là một di tích lỗi thời”.

“Trật tự toàn cầu sau chiến tranh không chỉ lỗi thời; mà giờ đây nó còn là vũ khí được sử dụng để chống lại chúng ta”, ông Rubio nói.

Đây là một phát súng mở đầu đáng chú ý của ông Rubio, người sinh ra ở Miami trong gia đình di dân Cuba và nếu được phê chuẩn, ông sẽ trở thành người gốc Latin đầu tiên giữ chức vụ ngoại giao hàng đầu của Mỹ.

Phiên điều trần này mở ra một chương mới trong sự nghiệp chính trị của đảng viên Cộng hòa Florida 53 tuổi, người có mối quan hệ với ông Trump đã phát triển trong thập niên qua. Từng là đối thủ của nhau trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, hai người đã trở thành đồng minh thân thiết khi ông Trump vận động tranh cử nhiệm kỳ thứ hai vào Tòa Bạch Ốc năm ngoái.

Ông Rubio lần đầu tiên đến Washington trong khuôn khổ làn sóng “tea party” vào năm 2010 và từng ủng hộ việc cho phép những di dân bất hợp pháp vào Mỹ có con đường trở thành công dân. Nhưng giống như những người Cộng hòa khác, quan điểm của ông Rubio về vấn đề di dân đã chuyển sang lập trường cứng rắn của ông Trump, người đã cam kết sẽ theo đuổi mạnh mẽ việc trục xuất sau khi nhậm chức vào ngày 20/1.

Không giống như nhiều nhân vật khác được ông Trump lựa chọn vào Nội các, ông Rubio được kỳ vọng sẽ dễ dàng giành được sự chuẩn thuận của Quốc hội, nhận được sự ủng hộ không chỉ từ đảng Cộng hòa mà còn từ đảng Dân chủ, những người tán đồng rằng ông là một lựa chọn “có trách nhiệm” để đại diện cho Hoa Kỳ ở nước ngoài. Nhiều người kỳ vọng ông sẽ là một trong những lựa chọn Nội các đầu tiên của ông Trump được chấp thuận.

Thượng nghị sĩ Dân chủ Brian Schatz, người từng phục vụ cùng ông Rubio trong Ủy ban Đối ngoại, cho biết ông rất hy vọng rằng ông Marco Rubio sẽ khước từ cách tiếp cận theo chủ nghĩa cô lập của những đồng minh khác của ông Trump.

“Tôi nghĩ Marco là một người hiếu chiến, nhưng ông ấy cũng là một người theo chủ nghĩa quốc tế, và tôi nghĩ thách thức đối với ông ấy sẽ là duy trì truyền thống lưỡng đảng lâu đời về việc nước Mỹ không thể thiếu trong các vấn đề thế giới”, nhà lập pháp Hawaii nói với AP. “Và có những người trong thế giới ông Trump muốn chúng ta tránh xa việc trở thành những nhà lãnh đạo của thế giới tự do. Và tôi hy vọng rằng sự nhạy bén của ông Marco đối với sức mạnh của nước Mỹ sẽ chiến thắng”.

Cách tiếp cận của ông Rubio đối với các vấn đề đối ngoại dựa trên nhiều năm phục vụ của ông trong Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Tình báo Thượng viện. Trong các bài phát biểu và bài viết của mình, ông đã đưa ra những cảnh báo ngày càng nghiêm khắc về các mối đe dọa quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng đối với Hoa Kỳ, đặc biệt là từ Trung Quốc, mà ông cho rằng đã được hưởng lợi từ một “trật tự thế giới toàn cầu” mà ông mô tả là lỗi thời.

Trung Quốc, ông Rubio nói với ủy ban, đã “nói láo, gian lận, xâm nhập và ăn cắp để đạt được vị thế siêu cường toàn cầu, với cái giá phải trả là chúng ta”.

Nếu được xác nhận, ông Rubio sẽ trở thành người lãnh đạo chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ — mặc dù vai trò của ông chắc chắn sẽ vẫn là thứ yếu so với ông Trump, người thích sân khấu toàn cầu và thường xuyên sử dụng diễn đàn để bắt nạt các đồng minh của Hoa Kỳ.

Ngay cả trước khi nhậm chức, ông Trump đã khuấy động sự tức giận ở các thủ đô nước ngoài bằng cách đe dọa chiếm Kênh đào Panama và Greenland và ám chỉ rằng ông sẽ gây sức ép buộc Canada trở thành tiểu bang thứ 51 của Mỹ.

Bằng cách giành thêm một nhiệm kỳ nữa, ông Trump đã giành được “sự ủy thác không thể nhầm lẫn từ các cử tri”, ông Rubio nói.

“Họ muốn một nước Mỹ hùng mạnh. Tham gia vào thế giới. Nhưng được hướng dẫn bởi một mục tiêu rõ ràng, đó là thúc đẩy hòa bình ở nước ngoài, an ninh và thịnh vượng trong nước”.

Quyết định của chính quyền Biden nhằm hủy bỏ việc chỉ định Cuba là quốc gia tài trợ cho khủng bố khi chỉ còn vài ngày nữa là hết nhiệm kỳ có thể sẽ khiến ông Rubio khó chịu, người từ lâu đã ủng hộ các lệnh trừng phạt cứng rắn đối với hòn đảo do cộng sản cai trị này.

Văn phòng của ông Rubio không trả lời nhiều câu hỏi vào ngày 14/1 về phản ứng của ông đối với động thái này, mà nhiều người tin rằng gần như chắc chắn sẽ bị chính quyền Trump đảo ngược.

Các bộ trưởng ngoại giao đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính sách đối ngoại của đất nước kể từ khi thành lập, bắt đầu từ người đầu tiên, Thomas Jefferson, người đã phục vụ ở vị trí Nội các cao nhất dưới thời Tổng thống George Washington.

Kể từ đó, ông Jefferson, cũng như những người kế nhiệm ông vào thế kỷ 19 là James Madison, James Monroe, John Quincy Adams, Martin Van Buren và James Buchanan, đều đã được bầu làm tổng thống.

Các bộ trưởng ngoại giao gần đây ít thành công hơn trong tham vọng chính trị của họ, bao gồm John Kerry, người đã thua cuộc bầu cử tổng thống năm 2004 trước Tổng thống George W. Bush trước khi trở thành nhà ngoại giao hàng đầu, và Hillary Clinton, người đã thua cuộc bầu cử năm 2016 trước ông Trump.

Các bộ trưởng ngoại giao thành công nhất được biết đến vì sự gần gũi của họ với tổng thống họ phục vụ, đáng chú ý là James Baker dưới thời George H.W. Bush, Condoleezza Rice dưới thời George W. Bush và, ở một mức độ nào đó, Clinton dưới thời Barack Obama.

Giống như bà Clinton, ông Rubio từng là đối thủ chính trị của tổng thống đắc cử và được họ đề cử. Tuy nhiên, mối quan hệ Clinton-Obama trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2008 không hề thù địch như mối quan hệ giữa ông Trump và ông Rubio trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2016, vốn được đánh dấu bằng những lời xúc phạm cá nhân.

Ông Trump có mối quan hệ cay đắng với ngoại trưởng đầu tiên của mình, Rex Tillerson. Ông Trump đã cách chức ông này thông qua một bài đăng trên mạng xã hội chưa đầy hai năm sau khi nhậm chức.