Việt Nam ngày càng trở nên phụ thuộc hơn vào Trung Quốc trong khi ảnh hưởng của Mỹ giảm dần
Trung Quốc thay thế Mỹ để trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và làm cho mong muốn ‘thoát Trung’ của quốc gia Đông Nam Á ngày càng khó khăn.
Mỹ là những nhà nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam trong 15 năm qua cho đến khi Trung Quốc chiếm lĩnh vị trí này vào năm ngoái, theo số liệu thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) được Bloomberg trích dẫn.
Gần đây một số chính sách của Hoa Kỳ có tính chất bảo hộ nhiều hơn và vì vậy cho nên có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam.Lê Đăng Doanh, TS kinh tế
Sự thay đổi này bắt đầu vào năm 2017 khi xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33.5% so với năm trước đó trong khi xuất khẩu sang Mỹ chỉ tăng 20%, theo số liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.
Việt Nam dựa vào Mỹ để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, một nước láng giềng có nhiều ảnh hưởng đến Việt Nam trong nhiều mặt, bao gồm cả kinh tế và chính trị. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump có chủ trương hướng nội bằng việc theo đuổi chính sách bảo hộ thương mại mà ông gọi là “Nước Mỹ trên hết”, Trung Quốc đã nổi lên để lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng cách tăng cường thương mại và đầu tư ở khu vực Đông Nam Á.
Hai chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Phạm Chí Dũng nhận định với VOA rằng chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Trump là một yếu tố chính ảnh hưởng đến sự sụt giảm tầm ảnh hưởng về kinh tế thương mại đối với Việt Nam và tạo điều kiện cho Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Gần đây một số chính sách của Hoa Kỳ có tính chất bảo hộ nhiều hơn và vì vậy cho nên có thể sẽ dẫn đến một số khó khăn nhất định cho xuất khẩu của Việt Nam,” theo TS Doanh, cựu viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.
Ngay sau khi lên nhậm chức tổng thống vào tháng 1/2017, ông Trump lập tức rút Mỹ ra khỏi hiệp định đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó Việt Nam được cho là nước hưởng lợi nhiều nhất, mà theo ông nói để bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ. Trong những tháng gần đây vị tổng thống này đã áp dụng tăng các mức thuế đối với nhiều mặt hàng như nhôm, thép, tôm và cá – là những mặt hàng mà Việt Nam xuất nhiều sang Mỹ. Ông Trump cũng đưa Việt Nam vào danh sách 16 nước có thể gây hại cho kinh tế Mỹ. Việt Nam đứng thứ 5 với mức thặng dư thương mại 38.3 tỷ USD trong cán cân thương mại với Mỹ.
“Nguyên tắc của Trump là công bằng và đối ứng trong kim ngạch xuất nhập khẩu với Việt Nam," theo TS Dũng. "Vậy có thể nói thị trường Mỹ đang đóng cửa dần đối với Việt Nam. Trước mắt nếu tăng thuế lên từ 200-300% đối với thép và nhôm và tăng gấp 4 lần đối với tôm và cá basa thì có thể nói là thép, nhôm và cá basa (của Việt Nam) không còn cửa vào thị trường Mỹ nữa.”
Tiến sỹ kinh tế Phạm Chí Dũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2018 sẽ giảm đáng kể so với 2017.
Trong 2 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ đạt 6 tỷ USD trong khi sang Trung Quốc đạt 9.4 tỷ USD, theo Tổng cục Thống kê.
Ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc
Kim ngạch buôn bán với Việt Nam không là gì so với con số 600 tỷ USD/năm giữa Trung Quốc và Mỹ. Trung Quốc có thể lấy vai trò tư thế nước lớn để áp đặt và khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc.Phạm Chí Dũng, TS kinh tế
Việc “Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành thị trường có kim ngạch buôn bán lớn nhất với Việt Nam chẳng phải là điều hay ho”, theo TS Phạm Chí Dũng, cũng là một nhà báo độc lập. Theo phân tích của vị TS này, trong 1/4 thập kỷ qua Việt Nam mỗi năm nhập siêu từ Trung Quốc khoảng 50 tỷ USD, gồm cả hàng tiểu ngạch, và mức nhập siêu sẽ lớn hơn nữa khi nước láng giềng phương Bắc trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.
“Việt Nam đã phụ thuộc vào Trung Quốc từ lâu rồi và Việt Nam sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc ở nhiều mặt hàng hơn nữa,” theo TS Dũng, cũng là một nhà báo độc lập.
Bloomberg cảnh báo với kim ngạch xuất khẩu gần tương đương 100% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2017, việc quá phụ thuộc vào một thị trường xuất khẩu có thể đặt ra rủi ro cho kinh tế Việt Nam.
Điều này đặc biệt nguy hiểm khi thị trường đó là Trung Quốc.
“Với vai trò tư thế của một nước lớn chuyện kim ngạch buôn bán với Việt Nam không là gì so với con số 600 tỷ USD/năm giữa Trung Quốc và Mỹ. Cho nên Trung Quốc có thể lấy vai trò tư thế nước lớn để áp đặt và khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc,” theo nhận định của TS Dũng.
TS Phạm Chí Dũng nêu một trong nhiều ví dụ cho thấy việc khống chế hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc. Đó là tình trạng dồn ứ của các xe tải chở trái cây qua cửa khẩu Móng Cái sang tiêu thụ ở Trung Quốc gần đây do việc “đánh thuế hoặc một động tác gì đó về mặt hải quan” của phía Trung Quốc.
Việc Việt Nam gần đây phải 2 lần dừng các dự án thăm dò dầu khí với đối tác Repsol của Tây Ban Nha tại mỏ Cá Rồng Đỏ trên biển Đông dưới sức ép của Bắc Kinh, theo TS Dũng, cho thấy việc Trung Quốc có thể ảnh hưởng và khống chế Việt Nam.
TS cho rằng Trung Quốc “đã không có thiện chí trong vấn đề dầu khí thì nó là một chứng minh cho thấy trong (con dao) cán cân xuất nhập khẩu của Việt Nam thì Trung Quốc nắm đằng chuôi.”
TS Lê Đăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cũng có nhận định tương tự và cho rằng Việt Nam cần đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu để tránh phụ thuộc vào các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Chúng tôi nhắm mục đích tăng cường xuất khẩu tới các thị trường khác,” người đứng đầu Vụ chính sách thương mại đa biên của Bộ Công thương, Lương Hoàng Thái, cho Bloomberg biết.
Việt Nam cũng đang tìm cách tham gia vào các hiệp định thương mại tự do để tăng cường khả năng tiếp cận vào các thị trường mới nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc.
Việt Nam là một trong 11 quốc gia tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mới được ký kết hôm 8/3 trong khi vẫn theo đuổi hiệp định thương mại tự do với châu Âu (EVFTA). Tuy nhiên theo nhận định của nhiều nhà quan sát, việc xúc tiến EVFTA đã bị dừng lại do vấn đề nhân quyền của Việt Nam.
Your browser doesn’t support HTML5