Công ty Samsung Display của Hàn Quốc có kế hoạch đầu tư 1,8 tỷ USD để mở một nhà máy ở tỉnh Bắc Ninh, cho việc sản xuất màn hình OLED cho ô tô và thiết bị công nghệ, theo truyền thông Việt Nam.
Một bản tin của VnExpress cho biết rằng tỉnh Bắc Ninh và Samsung Display đã ký một biên bản nghi nhớ phát triển dự án màn hình linh kiện điện tử hôm 22/9. Theo tờ báo này, việc ký kết phát triển dự án nằm trong khuôn khổ hội nghị công bố quy hoạt và xúc tiến đầu tư năm 2024 của tỉnh, vốn có sự tham dự của Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Cũng đưa tin về việc này, báo Nhà Đầu Tư cho biết Bắc Ninh ký kết thỏa thuận 1,8 tỷ USD với Samsung Display trong loạt dự án trị giá nhiều tỷ đô la trong nhiều lĩnh vực hôm 22/9.
Theo VnExpress, dự án của Samsung Display sẽ nằm tại khu công nghiệp Yên Phong của tỉnh Bắc Ninh, được xem là thủ phủ công nghiệp của miền Bắc Việt Nam. Tập đoàn của Hàn Quốc đã đầu tư vào tỉnh này từ năm 2008.
Samsung Display là một đơn vị của Samsung Electronics, công ty hàng đầu của tập đoàn Samsung.
Samsung hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, trong đó, theo VnExpress, vốn đầu tư vào Bắc Ninh chiếm khoảng một nửa.
Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung tại Việt Nam Choi Joo Ho cho biết khi gặp Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào tháng trước, tập đoàn Samsung đã thành lập 6 nhà máy sản xuất, một trung tâm nghiên cứu và phát triển, với tổng vốn đầu tư lũy kế là 22,4 tỷ đô la.
Trong thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một trong những trung tâm sản xuất hấp dẫn nhất đối với các công ty điện tử.
Đại diện phòng Thương mại và Công nhiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, Kim Hyong-mo, nói với Nikkei hồi đầu năm nay rằng có sự cạnh tranh giữa Hàn Quốc và Trung Quốc tại Việt Nam. Theo ông Kim, các công ty Trung Quốc đang lấn lướt các công ty Hàn Quốc khi Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam. Trong năm 2023, Hàn Quốc đứng thứ 5 sau Singapore, Nhật Bản, Hong Kong và Trung Quốc về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Tuy nhiên trong thời gian qua, Việt Nam đã để tuột mất những khoản đầu tư trị giá hàng tỷ USD từ các hãng đa quốc gia khác vì thiếu các biện phát khuyến khích đầu tư phù hợp. Trong số những dự án mà Việt Nam bỏ lỡ có đề xuất đầu tư 3,3 tỷ USD của Intel và hãng sản xuất chip hàng đầu của Mỹ sau đó đã chuyển dự án sang Ba Lan.
Theo Reuters, các công ty đa quốc gia đang theo dõi kế hoạch thành lập quỹ ưu đãi đầu tư của Việt Nam sau khi quốc hội nước này hồi năm ngoái thông qua mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu do OECD đề xuất là 15%, mà thực tế là nâng mức thuế mà các công ty phải nộp.