Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vừa cấp 2,5 triệu đôla cho trường đại học danh tiếng Harvard để chuyển chương trình giảng dạy về chính sách công của trường này tại Việt Nam thành một trường đại học độc lập, phi lợi nhuận, chi nhánh của trường đại học tại Mỹ ở TP HCM.
Trường đại học mới, có tên Fulbright University Vietnam, được mở rộng ra từ chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright hiện tại, vốn là một chương trình thạc sĩ về chính sách công do trường đại học Harvard lập ra vào năm 1994 cùng với Trường đại học Kinh tế TP.HCM. Một phần kinh phí của chương trình học bổng Fulbright là do Phòng Giáo dục và Văn hóa của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tài trợ.
Trường đại học mới của Harvard, sẽ được xây dựng tại Khu Công nghệ cao TP HCM và dự kiến khai trương vào tháng 9/2016, bao gồm 3 trường là trường Quản lý và Chính sách công, trường Kỹ thuật và Khoa học Ứng dụng và trường Fulbright đào tạo các chương trình cử nhân khoa học xã hội và nhân văn.
Tờ The Crimson trích lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Elaine Clayton cho biết chương trình thạc sĩ về Quản lý và Chính sách công dự kiến sẽ bắt đầu cho sinh viên ghi danh vào học kỳ Mùa Thu năm 2016.
Trường đại học của Harvard đã được Việt Nam cấp phép vào năm ngoái nhưng các nhà quản lý vẫn đang tìm kiếm kinh phí cho dự án này. Mục tiêu gây quỹ là 100 triệu đô-la và sẽ tuyển sinh 2.000 sinh viên trong 5 năm đầu tiên. Tính cho đến lúc, đã có 40 triệu đô-la cam kết tài trợ cho trường.
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ nói trường đại học mới của Harvard tại Việt Nam là một bước phát triển quan trọng trong mối quan hệ ngoại giao và hợp tác giáo dục giữa hai nước. Chương trình học bổng Fulbright được lập ra một năm trước khi Hoa Kỳ và Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ vào năm 1995.
Trong chuyến thăm Việt Nam hôm 6/8, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cũng nói việc có được trường đại học Fulbright Việt Nam là một điều phi thường và ông cam kết sẽ hỗ trợ hết lòng để biến điều này sớm thành hiện thực.
Theo The Crimson, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Your browser doesn’t support HTML5