Bà Clinton đã làm nên lịch sử. Bà có kinh nghiệm đối nội và đối ngoại. Và bà đã được sự ủng hộ của đối thủ trong các cuộc bầu cử sơ bộ.
Giờ đây, liệu bà có thể vượt qua tỷ lệ đánh gía tiêu cực cao kỷ lục đối với một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ hay chăng?
Chỉ có 38% người Mỹ ưa thích bà Clinton, tỉ lệ thấp nhất trong 24 năm phụng sự quốc gia của bà, theo một cuộc thăm dò của Viện Gallup thực hiện trong tuần trước đại hội đảng Dân chủ.
Trong một cuộc thăm dò mới đây của báo Washington Post và hãng tin ABC, 54% những người được thăm dò nói họ có ấn tượng không mấy tốt đẹp đối với bà Clinton, so với 39% cho rằng bà chân thành và đáng tin.
Một phần của ấn tượng này là do những tranh cãi chung quanh việc bà sử dụng máy chủ email tư trong thời gian làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 2009 đến 2013.
Sử gia Allan Lichtman của Trường đại học American nói “Vấn đề chính của bà Clinton là vượt qua khoảng cách về tín nhiệm.” Ông nhắc đến một cuộc thăm dò khác của Washington Post-ABC cho thấy “56% người Mỹ cho rằng bà phải bị truy tố về vấn đề sử dụng máy chủ tư để gởi và nhận email. Việc này hoàn toàn khác thường.”
Lòng tin cậy là một vấn đề đối với biểu tượng của cả hai đảng chính.
Một cuộc thăm dò của báo New York Times và hãng tin CBS vào tháng 5 vừa qua cho thấy gần hai phần ba cử tri Mỹ tỏ ra nghi ngờ cả ông Trump lẫn bà Clinton về mặt này. Đáp câu hỏi rằng ứng viên có “chân thành và đáng tin ” hay không, 64% những người được hỏi trả lời là “không” khi đánh giá về hai ứng cử viên này.
Trang Wonkblog của Washington Post trong tuần này nói rằng dù cả hai ứng cử viên đều có mức độ không tin cậy cao, nhưng có khác biệt.
Trang blog của báo Washington Post viết những cường điệu và những thiếu sót của bà Clinton “có khuynh hướng tự vệ” trước những tai tiếng và cáo buộc. Trong khi những cường điều của ông Trump mang tính tấn công và tự đề cao bản thân nhiều hơn, như việc khoa trương những thành công trong kinh doanh hay nêu lên “những cáo buộc chống lại các đối thủ chính trị của ông và những nhóm thiểu số.” Trang Wonblog cho biết dịch vụ kiểm tra dữ kiện Politifact, khi đánh giá 203 lời tuyên bố của ông Trump và 226 lời tuyên bố của bà Clinton, phát hiện không đến 1 phần 3 các tuyên bố của bà Clinton là ‘sai’ hay tồi tệ, 71% các tuyên bố của ông Trump cũng như thế.
Cần phải chứng tỏ nhiệt tình
Đối với bà Clinton, không phải chỉ có những tranh cãi về email của bà. Các nhà phân tích nói bà phải chống chọi với ấn tượng cho rằng bà vô cảm hay không thể liên hệ với những vấn đề ảnh hưởng đến người Mỹ.
Ông Gary Nordlinger, cố vấn chính trị nói “Bà Hillary được xem như một người lạnh lùng, có tính toán và không có tính chính trực cao. Bà phải chứng tỏ bà có nhiệt tâm, nhiệt huyết, và đáng tin.”
Các diễn giả tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Dân chủ trong đó cựu Tổng thống Bill Clinton chồng bà, đều nhắm đề cao đến khía cạnh cá nhân của bà Clinton, nhắc lại những ngày bà giúp cho các cử tri người Mỹ gốc Mexico ghi danh đi bầu, cổ súy giáo dục cho trẻ em, và trong vai trò làm mẹ.
Ông Robert Weiner, chiến lược gia của đảng Dân chủ nói bà Clinton phải chứng tỏ cho cử tri thấy nhiều hơn về khía cạnh này trong cuộc vận động tranh cử tổng thống đến ngày 8/11 này.
Ông Weiner nói “Bà phải tỏ ra thật hơn.” “Bà phải nói bằng cảm xúc rằng những vấn đề ấy ảnh hưởng đến bà thế nào và bà biết việc này ảnh hưởng đến các gia đình Mỹ như thế nào.”
Ông Weiner là một cựu phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc thời Tổng thống Bill Clinton nói trong khi cựu đệ nhất phu nhân, cựu Thượng nghị sĩ và cựu Ngoại trưởng có thể thiếu sự lôi cuốn mà một số ứng cử viên trong quá khứ từng có, nhưng bà bù lại thiếu sót này bằng khả năng giải quyết vấn đề của bà.
Tấn công bằng các thông điệp
Ông Nordlinger, giáo sư đại học George Washington cho rằng trong cuộc tranh cử tổng thống mà doanh nhân Donald Trump đã đánh bại 16 ứng cử viên Cộng hòa khác để được đề cử là ứng cử viên của đảng, thì bà Clinton khó mà an toàn nếu muốn thắng phiếu.
Và ứng cử viên được đề cử của đảng Cộng hòa chắc chắn sẽ tiếp tục tấn công mãnh liệt vào bà Clinton bằng cách mô tả bà là không thật thà hay tệ hại.
Giáo sư Stephen Wayne tác giả cuốn “Con đường đến Tòa Bạch Ốc: Chính trị trong cuộc bầu cử Tổng thống” nói bà Clinton cũng phải sắc bén trong các cuộc phản công.
Các nhà phân tích cho rằng bà Clinton cũng phải chú trọng đến những thông điệp của mình.
Sử gia Lichtman trường đại học America nói “Bà Clinton có vẻ xa cách, ít kết nối với cử tri. Bà cần phải tìm ra phương thức kết nối với cử tri và đưa ra các thông điệp rõ rệt.”
Kêu gọi cử tri đi bầu
Các nhà phân tích nói trên tất cả là bà Clinton và chiến dịch tranh cử của bà phải làm thế nào thúc đẩy cử tri đi bầu để có thể giúp đảng Dân chủ chiếm được Tòa Bạch Ốc.