Trân Văn
Tuy Công an thành phố Hà Nội đã chính thức bác bỏ thông tin người phụ nữ say rượu lái chiếc Kia Seltos đụng vào một xe hai bánh gắn máy đang đậu sát vỉa hè vào đêm 5/3/2024 là “cháu Bộ trưởng Công an” (1) nhưng trận bão dư luận trên mạng xã hội vẫn còn nguyên...
Có rất nhiều video clip ghi lại vụ va chạm này. Theo đó, người phụ nữ vừa kể đã đâm vào một thanh niên đang đứng sát lề phía trước nhà số 38 đường Trần Cung, phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm. Tuy va chạm không quá mạnh nhưng người phụ nữ không ra khỏi xe, không hỏi han, không xin lỗi. Khi thanh niên bước lại, hỏi người phụ nữ sao cô lại lái xe như thế thì cô bắt đầu lăng mạ nạn nhân, thậm chí đòi đánh nạn nhân vì là... “cháu Bộ trưởng Công an”... Thái độ của người phụ nữ khiến thiên hạ phẫn nộ và đoạn đường xảy ra vụ va chạm đông nghẹt người. Nhiều người dùng điện thoại di động ghi lại những gì họ chứng kiến...
Sau khi xem các video clip, một số người như ông Chu Hồng Quý tóm tắt: Người vi phạm xúc phạm và đe dọa nạn nhân. Cảnh sát không bắt người vi phạm khai báo mà tập trung tra vấn nạn nhân. Không lập biên bản hiện trường tai nạn. Không thực hiện kiểm tra nồng độ cồn khi thấy dấu hiệu say xỉn. Dân chúng bất bình, bao vây. Khi có sức ép từ quần chúng mới tiến hành đo nồng độ cồn nhưng lại rất ‘nhân văn’ khi cho người vi phạm thổi qua lớp khẩu trang (2). Cũng bởi cách thức tiếp nhận - xử lý vụ việc của công an hết sức khác thường nên mới có những người bình như Chánh Trung: Không có mớ camera chạy bằng cơm thì anh nạn nhân kia cầm chắc thành thủ phạm chứ đùa (3).
Có người như Hạnh Nhân tường thuật chi tiết hơn: Việc nữ tài xế bảo là cháu của tướng Tô Lâm rồi lớn tiếng, có những hành động gây khó chịu đã làm nhiều người chặn đầu xe yêu cầu test nồng độ cồn đối với nữ tài xế ngay tại nơi xảy ra sự việc. Trên Tiktok, theo dõi luồng livestream của nick ‘Mẹ Bom là sinh viên’ với hơn 30.000 theo dõi thì phải tới hơn một giờ sáng nữ tài xế mới thổi ống đo và cho ra kết quả “0,573ml khí thở”. Cũng theo Hạnh Nhân: Trước đó, thấy biểu hiện của nữ tài xế không bình thường nam thanh niên có nói “chị đi đi” nhưng chị này yêu cầu gọi công an đến. Khi lực lượng chức năng đến thì lại chỉ lấy lời khai của nam thanh niên. Nam thanh niên yêu cầu test nồng độ cồn của nữ tài xế thì CSGT không test. Nữ tài xế được mời vào xe của CSGT an tọa từ 23h - 00h30. Sướng thật! Bảo sao cứ đòi mời công an đến cho dù bản thân không được tỉnh táo. Không những vậy còn xin ý kiến tới một tiếng rưỡi mới xong. Con cháu nhà quan có khác, khác biệt hẳn chứ dân đen thì đã đè mặt xuống đường tra lắc bạc rồi (4)!
Trên trang Giới thạo tin, xem xong video clip, Minh Hiền đùa: Dân mình đến đông như trẩy hội! Tuy nhiên nhận định này bị Lê Lâm phản bác: Không phải! Đó là sự đoàn kết, chiến đấu để bảo vệ lẽ phải! Trang Lang Thang cũng phản bác Minh Hiền: Cần phải đồng lòng như thế để bảo vệ người vô tội! Theo Khanh Le thì phản ứng của đám đông là một điều may mắn, bởi có những người tốt nên công an không thể ỉm đi “lấy lời khai của mỗi bạn trai còn lờ đi “con trời đánh va vào người ta”. Đào Sỹ Lợi nhận xét: Chỉ khi đám đông bất bình thì mới có công bằng. Còn đợi... ‘công bằng kia’ thì chỉ khốn khổ thôi! Hạ Văn Quý hoan hô “sự tuyệt vời” của “sức mạnh nhân dân” (5)...
***
Phản ứng của giới hữu trách không chỉ bất thường ở hiện trường mà còn thể hiện ở những ngày sau đó. Trên Facebook, kênh VOV giao thông bảo rằng người phụ nữ khiến dư luận dậy sóng đã... “nhận vơ là cháu Bộ trưởng Bộ Công an” song những Facebooker theo dõi kênh này qua mạng xã hội không tán thành. Có vài chục người tán thành với nhận định của Phạm Cao Cường: Nhìn kiểu làm việc thì có cơ là thật. Chẳng qua không dám nhận thôi! Tương tự, có hàng chục người đồng tình với Nguyễn Duy Mạnh: Không phải cháu mà được ngồi trong xe tận ba tiếng rồi mới thổi, lại còn thổi qua khẩu trang! Hay nhất trí với Vũ Hồng Hiện: Dân không ép thì ve sầu thoát xác rồi (6)!..
Tuy công an thành phố Hà Nội biện giải rằng việc đưa người phụ nữ tự xưng là “cháu của Bộ trưởng Công an” vào trong xe của CSGT chỉ nhằm “tránh tình trạng xô xát không đáng có vì người nhà của nam thanh niên đi xe máy ra hiện trường rất đông” và “thông tin người phụ nữ là người nhà của ai đó nên được chúng tôi bảo vệ là không chính xác”, đồng thời khẳng định “đang lập hồ sơ xử lý người phụ nữ lái xe ô tô theo đúng quy định, không có bao che gì cả”, song dường như công chúng không tin. Facebooker Nhân vật Sự kiện kháo trong group Xa lộ thông tin – Anh em Hải Phòng: Chị ‘đại’ có tên là Tô Lan Hương nhưng khi đưa tin, báo chí viết tắt và viết ngược lại là L.H.T (7)!
Trong group Viet Conservative & Classical Liberal, Cong Ngo cũng bảo như thế: Ai bảo Việt Nam không có nhân quyền là không biết gì cả. Việt Nam rất cẩn thận, rất nhân văn và đầy nhân quyền, nên chị Tô Lan Hương có nồng độ cồn cao vẫn lái xe, va chạm với người khác đang đứng bên đường không xin lỗi lại còn đòi đánh người nhưng khi đến, công an cẩn thận cho vào xe ngồi ba tiếng, ưu tiên đeo khẩu trang khi thổi, thổi ngắn và để xa vẫn vượt khung. Chưa kể lên xe ngồi với cảnh sát còn được dùng điện thoại quay người ở dưới, còn dân ở dưới quay chị thì các anh cứ bảo “Tắt đi”. Báo chí không những viết tắt tên chị mà còn viết ngược tên trước họ sau thành L.H.T cho cẩn thận (8).
Không thể kiểm chứng những thông tin như người phụ nữ say rượu lái xe, va chạm rồi lăng mạ, đòi đánh nạn nhân có đúng là cháu ông Tô Lâm như cô đã tự nhận hay không, hoặc L.H.T có phải là Tô Hương Lan,... nhưng rõ ràng cách thức tiếp nhận – xử lý vụ này của công an đã tạo thành trận bão dư luận. Trận bão ấy không chỉ ảnh hưởng bất lợi đến uy tín của ông Tô Lâm mà còn làm suy giảm niềm tin của công chúng đối với công an. Chẳng lẽ việc tạo ra những trận bão dư luận kiểu này cũng như việc gây ra những tác động chẳng hay ho chút nào cho uy tín của lãnh đạo ngành công an nói riêng và ngành công an nói chung cũng là một loại... “biện pháp nghiệp vụ”?
Chú thích
(5) https://www.facebook.com/watch/?v=253273621178768
(6) https://www.facebook.com/groups/3162559347396823/posts/3728628647456554/
(7) https://www.facebook.com/groups/3162559347396823/posts/3728628647456554/
(8) https://www.facebook.com/groups/VCCL1/posts/2200495043620287/