Một nhóm khoa học gia quốc tế đang làm việc tại khu vực Karamoja hẻo lánh của Uganda đã phát hiện bộ xương sọ đã hóa thạch của loài vượn đã có cách đây 20 triệu năm, được xem là loài vượn cổ nhất từ trước tới nay.
Nhà cổ sinh vật học người Anh Martin Pickford, đang làm việc cho một dự án do Pháp tài trợ, nói rằng phân tích sơ bộ cho thấy sọ này thuộc về một chủng loại linh trưởng biết trèo cây, ăn thực vật, sống ở thời đại Miocene, là thời đại địa chất cách nay từ 24 đến 5 triệu năm.
Ông Pickford nói con vượn này thuộc giống đực và chết khi được khoảng 10 tuổi.
Ông nói giống vượn này có tên khoa học là Ugandapithecus Major, có bà con thật xa với giống vượn khổng lồ ngày nay.
Tên Ugandapithecus Major đã được đặt ra từ năm 1950 nhưng sọ hóa thạch vừa tìm thấy là thí dụ duy nhất của một sọ đầy đủ.
Ông Pickford nói sọ vừa tìm thấy ở Karamoja có số tuổi 15 triệu năm trước bất kỳ sọ nào ông và đồng nghiệp tìm thấy, kể từ khi họ làm việc lại khu vực khô khan và ít người ở này vào năm 1985.
Nhóm khoa học gia này nói mặc dù kích cỡ của sọ này cho thấy nó chưa đủ lớn để phát triển ngôn ngữ, nhưng nó sẽ giúp ích rất nhiều cho việc tìm hiểu sự tiến hóa của bộ óc con người.