Sĩ quan Đông Nam Á lên chiến hạm Nhật tham quan Biển Đông

Một máy bay trực thăng đáp xuống tàu sân bay trực thăng Izumo, tại căn cứ Yokosuka, phía nam Tokyo, Nhật Bản ngày 6/12/2016.

Sĩ quan quân đội các nước Đông Nam Á được tàu sân bay trực thăng Izumo của Nhật đưa đi tham quan Biển Đông trong chuyến hải hành 4 ngày, một dấu hiệu mới cho thấy Nhật đang tăng cường nỗ lực chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc.

Sĩ quan 10 nước thành viên ASEAN lên tàu Nhật tại Singapore ngày 19/6, Bộ Quốc phòng Nhật cho biết.

Các phái đoàn quân đội khác của ASEAN sẽ tham dự một sự kiện 3 ngày bắt đầu từ 20/6 tại Nhật Bản, quan sát các cuộc thao dượt cứu nạn của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF).

“Đây là lần đầu tiên chúng tôi làm việc này,” một giới chức cấp bộ cho biết tại một cuộc họp báo ở Tokyo.

Các sự kiện này cho thấy một mức độ hợp tác chưa từng có trước đây giữa các giới chức quân sự và phòng vệ dân sự nhằm đẩy mạnh quan hệ với nước ngoài.

Động thái này cũng đánh dấu sự thúc đẩy có phối hợp, tập trung vào ngoại giao quân sự của Thủ tướng Shinzo Abe.

Nhật Bản lo ngại rằng Trung Quốc đang củng cố kiểm soát tại Biển Đông với việc xây dựng các căn cứ trên đảo, bán vũ khí, và viện trợ phát triển. Vào khoảng 5.000 tỉ đô la hàng hóa qua lại thủy lộ chiến lược này mỗi năm, hầu hết đi và đến các cảng của Nhật Bản.

Giữa lúc Nhật Bản tìm kiếm vai trò an ninh lớn hơn trong vùng, trong khuôn khổ liên minh với Hoa Kỳ, chính quyền của Thủ tướng Abe tin rằng Nhật có lợi thế hơn Hoa Kỳ trong việc lôi kéo các nước Đông Nam Á ra khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.

Nhật Bản có thể giúp tăng cường khả năng cứu trợ thảm họa của các nước và có thể củng cố vị thế của Nhật như một nước đồng hành châu Á, theo lời hai giới chức chính phủ Nhật nói với Reuters với điều kiện ẩn danh.

Sau cuộc đảo chánh tại Thái Lan năm 2014, chính phủ Mỹ hạn chế giao tiếp với chế độ ở đây, trong khi quan hệ ngoại giao với Philippines trở nên căng thẳng kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm ngoái và tìm cách giảm thiểu điều mà ông gọi là sự lệ thuộc vào Hoa Kỳ.

Một khía cạnh khác của chính sách ngoại giao quân sự mới áp dụng của Nhật chính là sự hợp tác quân sự-công nghiệp. Vào năm 2014, ông Abe chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài một thập niên và cho phép Nhật cung cấp công nghệ vũ khí để lôi kéo các mối quan hệ quân sự chặt chẽ hơn.

Tuần trước, Nhật Bản vừa tổ chức một cuộc hội thảo công nghệ quốc phòng với các đại diện của Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore.