Siết chặt hạn chế truyền thông tại Thổ Nhĩ Kỳ

  • Dorian Jones

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gül

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gül đã ký ban hành một đạo luật mới gây nhiều tranh cãi về các biện pháp kiểm soát Internet, bất chấp những chỉ trích và và lo ngại tại quốc nội cũng như quốc tế về việc giảm bớt các quyền tự do báo chí.

Trang web Vagus.tv bao gồm các nhà báo chuyên nghiệp và các công dân làm báo. Theo người sáng lập trang web này, Serdar Akinan, những trang web như vậy đã trở thành ngày càng được ưa chuộng, đặc biệt là trong mấy tháng mới đây, vì nhiều cáo buộc về tình trạng tham nhũng ở cấp bậc cao của chính phủ. Nhưng ông Akinan nói rằng việc tường thuật về tham nhũng cũng biến chính Vagus trở thành tin tức. Ông nói:

“Chúng tôi bắt đầu đăng một số cáo buộc tham nhũng có liên quan đến Thủ tướng Recep Tayyip Erdoğan. Nhưng bất thình lình, một đêm, khoảng hai tuần lễ trước đây, họ ra lệnh đóng trang web của chúng tôi. Và trong vòng 12 ngày, trang web chúng tôi vẫn đóng cửa, nhưng sau khi tôi trở thành một vấn đề tại Thổ Nhĩ Kỳ, họ bị buộc phải mở cửa trang web này.”

Trong một bài phát biểu tại quốc hội, ông Kemal Kilicdaroglu, người lãnh đạo đảng Cộng hòa Nhân dân là phe đối lập chính đã đòi cho biết tại sao trang web Vagus bị đóng cửa. Áp lực đó có vẻ hữu hiệu và giới hữu trách mở lại trang web này, và không đưa ra mấy lời giải thích lý do tại sao trang web này bị đóng cửa rồi cho mở lại.

Đây không phải là lần đầu tiên mà ông Akinan tranh cãi với chính phủ. Đã có thời ông là một nhà báo nổi tiếng thuộc báo chí dòng chính, làm việc với vai trò chủ biên tại một trong những kênh truyền hình hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng ông tuyên bố rằng, ông đã trở thành một người nổi bật là theo đuổi một chính sách báo chí thiên vị trong đó có việc tường thuật về Thủ tướng Erdoğan.

“Hai năm trước đây, tôi là chủ biên của kênh truyền hình Sky Turk News Channel, và bởi vì chính sách truyền tin của tôi, tôi đã bị rất nhiều áp lực. Tôi biết rằng chính phủ, nhất là Thủ tướng Erdoğan, đã thúc đẩy rất mạnh việc cách chức tôi, và một ngày kia họ đã sa thải tôi. Tôi cũng viết một mục cho nhật báo Aksam, và tôi bị báo ấy đuổi việc. Và Vagus đã được khai sinh như vậy.”

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại Hoa Kỳ, trong phúc trình mới đây của họ về các cuộc tấn công nhắm vào báo chí hồi năm ngoái, đã nêu bật điều họ cho là chính sách rộng rãi tại Thổ Nhĩ Kỳ, ấy là sa thải các nhà báo chỉ trích chính phủ. Những lo ngại tương tự được Liên hiệp châu Âu phản ánh trong phúc trình mới nhất của họ về nỗ lực xin gia nhập Liên hiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Những cáo buộc mà chính phủ bác bỏ khẳng định rằng tự do báo chí đã được cải thiện dưới chế độ cai trị của họ.

Việc sáng lập trang web Vagus.tv của ông Akinan đã ngẫu nhiên trùng hợp với làn sóng chống chính phủ hồi mùa hè năm ngoái, được gọi là những cuộc biểu tình Gezi Park. Trong bối cảnh báo chí dòng chính bị nhiều người nghi ngờ bị áp lực của chính phủ để làm giảm nhẹ tình hình bất ổn, những trang tin tức như Vagus có thể lấp đầy chỗ trống. Nhưng điều đó tỏ ra là một thành quả vừa ngọt bùi vừa cay đắng.

“Vagus, sau những cuộc biểu tình tại Geizi Park, đã đạt được hai triệu người ghé thăm mỗi tháng, là một con số khá lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ. Và tôi đi hỏi tất cả các công ty quảng cáo, thì họ nói rằng đây là một con số khá tốt và bình thường thì lẽ ra ông phải có được số tiền này cho quảng cáo, nhưng chúng tôi không thể đưa cho ông bởi vì trang web của ông có một số tin tức, và rằng Thủ tướng không hài lòng về ông và tên ông được ghi trong sổ đen.”

Và có phần chắc rằng những chuyện đó sẽ trở thành tệ hơn cho ông Akinan.

Hồi đầu tháng này, hàng ngàn người biểu tình phản đối hành động của chính phủ mở rộng quyền kiểm soát Internet. Đạo luật được chấp thuận với đa số áp đảo này đem lại cho Đảng AK đương quyền đóng cửa các trang web bị cho là đe dọa tới sự riêng tư cá nhân, mà không cần lệnh của tòa án. Ông Akinan thừa nhận rằng đạo luật mới có thể buộc ông phải bỏ công việc của mình. Ông nói:

"Trước khi có đạo luật đó.. các thẩm phán quyết định nội dung xấu hay tốt. Giờ đây thì các viên chức của guồng máy thư lại do chính Thủ tướng chỉ định làm công việc đó. Không còn công lý cho các nhà báo. Vợ tôi và tôi, chúng tôi định rời khỏi Istanbul, chúng tôi sẽ mở một nông trại sản xuất nông sản hữu cơ và sẽ sống như vậy.”

Các quan sát viên cảnh báo rằng chính phủ Ankara có phần chắc sẽ phải đối diện với áp lực quốc nội cũng như quốc tế liên quan tới quyền tự do Internet và báo chí.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Gül bày tỏ sự quan ngại về tình hình tự do báo chí bị thu hẹp tại Thổ Nhĩ Kỳ, và nói rằng báo chí có quyền đứng dậy chống lại những “hành động sai trái.” Ông so sánh hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ trên thế giới với hình ảnh của một tia sáng đã từng tỏa ra rực rỡ trước đây nhưng nay đang phai mờ dần.