Singapore đang kêu gọi Trung Quốc xác định chính xác hơn những khu vực mà nước này tuyên bố chủ quyền ở Biển Ðông và kêu gọi các bên liên quan kiềm chế giữa lúc căng thẳng trong khu vực này đã gia tăng lên tới mức cao nhất trong những năm gần đây.
Trong một công bố chính thức hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Singapore nhận định rằng sự “nhập nhằng” hiện nay trong tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đang khiến các nước khác trong vùng biển này lo ngại.
Cục Đo đạc Bản đồ Trung Quốc hôm 18 tháng 1 đã chính thức cung cấp dịch vụ bản đồ trực tuyến trong đó bao gồm đường yêu sách chín đoạn đứt khúc ở vùng biển Nam Trung Hoa mà Việt Nam gọi là Biển Đông.
Theo yêu sách thường được gọi là “đường lưỡi bò” này, hơn 80% Biển Đông thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc chồng chéo với những tuyên bố nhận chủ quyền của nhiều nước khác kể cả Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng đã gia tăng trong vùng biển này sau khi Việt Nam và Philippines tố cáo các tàu hải giám và tàu đánh cá của Trung Quốc quấy nhiễu các tàu thăm dò dầu khí bên trong vùng lãnh hải thuộc đặc khu kinh tế của hai nước.
Singapore cho rằng các căng thẳng có thể được xoa dịu với việc hoàn tất các hướng dẫn thực thi bộ qui tắc về cách ứng xử của các bên trong tranh chấp ở Biển Đông.
Công bố được đưa ra giữa lúc Singapore đón tiếp một tàu tuần tiễu của hải quân Trung Quốc, tàu Hải Tuần 31.
Đây là lần đầu tiên một tàu hải quân lớn của Trung Quốc có chuyến thăm tới một nước Đông Nam Á.
Singapore nhấn mạnh rằng họ không tuyên bố chủ quyền ở biển Nam Trung Hoa và không đứng về phía nào trong vụ tranh chấp giữa Trung Quốc và 5 nước khác.
Tuy nhiên, họ nói rằng là một quốc gia thương mại lớn, Singapore đặc biệt quan tâm đến việc duy trì tự do hàng hải ở các làn vận chuyển trên biển trên toàn thế giới, trong đó có Biển Đông.
Hôm 19/6, 7 nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Lào, Philippines và Singapore đã cùng kêu gọi việc tìm ra giải pháp hòa bình và sử dụng Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) để giải quyết tranh chấp tại Biển Đông.
http://www.youtube.com/embed/0mP9-t5zDvc
http://www.youtube.com/embed/p_--ZoSQWks
Nguồn: CN1052518, Reuters