Ngày 14/12, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết một nhóm sinh viên của Việt Nam đã đoạt giải ba trong kỳ thi Zoohackathon 2020 toàn cầu, dùng công nghệ thông tin để chống buôn bán động vật hoang dã.
“Đội Zootopia đến từ Việt Nam đã giành vị trí thứ ba trong cuộc thi Zoohackathon toàn cầu năm nay cho ứng dụng “DangerZoone” của họ,” thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết.
Thông cáo cho biết cuộc thi năm nay thu hút gần 700 người đến từ 53 quốc gia tham gia, với hơn 60 giải pháp công nghệ sáng tạo có thể giúp thúc đẩy các nỗ lực trên thực địa nhằm chống lại nạn buôn bán động vật hoang dã.
Nạn buôn bán động vật hoang dã đe dọa an ninh quốc gia, phá hoại pháp quyền, cướp đi sinh kế kinh tế hợp pháp của cộng đồng và đẩy các loài động vật này đến bờ vực tuyệt chủng. Công nghệ và đổi mới là chìa khóa để giải quyết tội phạm này.
Ứng dụng đoạt giải của nhóm sinh viên Zootopia thuộc CLB Sáng tạo Sinh viên (SOICT Innovation Club) của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách Khoa Hà Nội, có tên là “DangerZoone.”
“DangerZoone là một ứng dụng web truy cập cơ sở dữ liệu số hóa về động vật hoang dã và luật bảo tồn ở Việt Nam để giúp các quan chức thực thi pháp luật áp dụng các hình phạt,” Bộ Ngoại Mỹ cho biết.
Từ Hà Nội, sinh viên Bùi Ngọc Phương, thành viên của nhóm Zootopia, chia sẻ với VOA về ứng dụng này:
“Ứng dụng này bao gồm một cơ sở dữ liệu hoạt động trên một trang web, có chatbox để truy xuất dữ liệu và cũng là một diễn đàn. Khi người dùng đặt câu hỏi trên chatbox thì sẽ có câu trả lời trong phạm trù đó.
“Trang web còn tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để tìm ra bài báo liên quan đến câu hỏi của người dùng.”
Tuy nhiên, do còn hạn hẹp về kinh phí nên nhóm chưa thể thuê một tên miền riêng cho ứng dụng này và hiện ứng dụng chỉ chạy trên cụm máy chủ địa phương, anh Phương cho biết thêm.
Zoohackathon được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tổ chức hàng năm từ năm 2016 và đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia.
Anh Hoàng Đặng Tuấn Đạt, Phó Chủ tịch CLB SOICT Innovation Club, cho VOA biết rằng nhóm Zootopia, thành viên CLB, là các sinh viên đang theo học chương trình Kỹ sư chất lượng cao - Hệ thống thông tin K61 của Viện CNTT&TT, Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Anh Đạt nói:
“Rất tự hào vì đây là lần đầu tiên một nhóm sinh viên được CLB hỗ trợ đã đoạt giải trong kỳ thi mang tính toàn cầu như thế.
“Sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội cũng như sinh viên Việt Nam nói chung đủ có tiềm năng cũng như tài năng, ý tưởng để mang đến cho bạn bè trên thế giới biết, và góp phần nhỏ của mình để bảo vệ được những loài động vật đang tuyệt chủng.”
Vào tháng trước, đội Zootopia đã xuất sắc trở thành một trong 3 đội của Đông Nam Á vượt qua vòng khu vực của ZooHackathon 2020 để đến với vòng thi toàn cầu.
Hôm 15/12, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam gửi lời chúc mừng nhóm sinh viên Zootopia trên trang Facebook.
“Đội sẽ nhận được tài khoản điện toán đám mây Microsoft Azure trị giá 5.000 đôla để giúp họ phát triển hơn nữa ứng dụng của mình- ứng dụng này sẽ cung cấp quyền truy cập vào cơ sở dữ liệu số hóa về luật bảo tồn và động vật hoang dã của Việt Nam, đồng thời sử dụng công cụ tự động tìm kiếm và trò chuyện trên nền tảng trí tuệ nhân tạo nhằm giúp các cán bộ thực thi pháp luật đánh giá tốt hơn các hình phạt đối với tội phạm về động vật hoang dã,” Đại sứ quán Mỹ viết.
Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức chuỗi cuộc thi Zoohackathon từ năm 2016 để phát triển các công cụ công nghệ sáng tạo mới, góp phần chống lại buôn bán động vật hoang dã.
Zoohackathon là một cuộc thi có quy mô toàn cầu dựa trên nền tảng công nghệ để các sinh viên và các cá nhân tham gia thể hiện năng lực của mình trong việc giải quyết tình trạng tội phạm trục lợi từ hoạt động buôn bán động vật hoang dã thông qua việc phát triển các giải pháp công nghệ mới và sáng tạo.
Cuộc thi này tập hợp các lập trình viên, sinh viên đại học, chuyên gia bảo tồn động vật hoang dã, ban quản lý vườn thú, các tổ chức học thuật và tổ chức phi chính phủ khác nhằm phát triển các ý tưởng giải pháp công nghệ thử nghiệm/khung xương (wireframe/demo) trong 2,5 ngày diễn ra cuộc thi.
Ban giám khảo tại thủ đô Washington bao gồm các thành viên từ Chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức động vật hoang dã và các công ty công nghệ.
Năm nay ban giám khảo trao giải nhất cho nhóm BioUp của Brazil, giải nhì cho nhóm ARTEMIS của Philippines.