Số tử vong toàn cầu do dịch Covid-19 đã vượt mức 1 triệu ca hôm thứ Ba 29/9, theo các số liệu của Reuters, một mốc điểm đen tối trong đại dịch đã tàn phá nền kinh tế toàn cầu, làm các hệ thống y tế bị quá tải và thay đổi lối sống của người dân.
Các con số tử vong do virus corona chủng mới gây ra trong năm nay giờ cao gấp đôi so với số người chết vì bệnh sốt rét hàng năm trên toàn cầu, và tỷ lệ tử vong đã tăng trong mấy tuần gần đây giữa lúc số ca nhiễm tăng vọt tại nhiều nước.
Reuters dẫn lời Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres nói trong một tuyên bố:
“Thế giới của chúng ta đã đi qua một mốc điểm đau đớn. Đây là một con số kinh hoàng. Dù vậy, chúng ta không bao giờ nên quên rằng mỗi cái chết là một con người, là những người cha, người mẹ, người vợ hay chồng, anh hay chị, em, những người bạn hay đồng nghiệp.”
Số tử vong đã tăng gấp đôi trong vỏn vẹn 3 tháng, từ 500.000 lên tới 1 triệu, tỷ lệ tử vong tăng nhanh kể từ cái chết đầu tiên được ghi nhận ở Trung Quốc vào đầu năm nay.
Cứ mỗi 24 giờ là có hơn 5.400 người chết trên khắp thế giới, theo tính toán của Reuters dựa trên số trung bình trong tháng 9, khiến cho các nhà tang lễ và các nghĩa địa bị quá tải.
Tính cách khác thì cứ mỗi giờ đồng hồ có 226 người chết vì dịch Covid-19 trên toàn cầu, hoặc mỗi 16 giây thì có 1 người chết. Trong thời gian chúng ta xem xong một trận bóng đá, trung bình có 340 người chết.
Số các ca nhiễm tăng
Các chuyên gia lo ngại rằng con số chính thức các ca tử vong và ca nhiễm trên toàn cầu thấp hơn trên thực tế vì tình trạng thiếu xét nghiệm, không ghi chép đầy đủ, và hành động dấu giếm tại một số nước.
Cách đáp ứng trước đại dịch cũng gây xung đột giữa một bên là những người chủ trương phải có biện pháp y tế gắt gao hơn như phong tỏa hay đóng cửa, và một đàng là những người chủ trương duy trì phát triển kinh tế, vì lý do chính trị nhạy cảm, trong khi cách tiếp cận ở mỗi nước đều khác.
Tại Hoa Kỳ, Brazil và Ấn Độ, 3 nước cộng lại chiếm tới gần 45% các ca tử vong vì Covid-19 trên toàn thế giới, đã tháo gỡ mọi biện pháp giãn cách xã hội trong mấy tuần gần đây.
“Dân chúng Mỹ phải biết rằng các ca nhiễm sẽ tăng trong những ngày tới,” Phó Tổng thống Mike Pence cảnh báo hôm 28/9. Các ca tử vong tại Hoa Kỳ hiện ở mức 205,132 trong khi các ca nhiễm lên tới 7,18 triệu vào chiều tối ngày 28/9.
Ấn Độ ghi nhận tỷ lệ tăng cao nhất trong một ngày trên thế giới, với trung bình 87.500 ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ đầu tháng 9.
Theo xu hướng hiện tại, trước cuối năm nay Ấn Độ sẽ qua mặt Hoa Kỳ trong tư cách là nước có nhiều ca nhiễm được xác nhận nhất thế giới.
Nhưng bất chấp các ca nhiễm tăng vọt, số tử vong tại Ấn Độ hiện nay là 96,318 ca, và tỷ lệ tăng trong các ca tử vong vẫn ở mức thấp hơn so với Hoa Kỳ, Anh quốc và Brazil, gây thắc mắc cho các chuyên gia.
Tại Châu Âu, vốn chiếm gần 25% các ca tử vong trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo xu hướng lây nhiễm đáng lo ở Tây Âu, trong khi chỉ còn vài tuần lễ nữa là tới mùa cúm hàng năm vào mùa Đông.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo rằng đại dịch vẫn cần được kiềm chế bằng các biện pháp triệt để giữa lúc các ca nhiễm tăng tại Châu Mỹ La tinh, nơi mà nhiều nước đang sinh hoạt bình thường trở lại.
Phần lớn Châu Á, khu vực nơi dịch xuất phát đầu tiên, đang tương đối yên ổn sau đợt Covid-19 thứ nhì. Hàn quốc kêu gọi dân chúng hãy ở nhà trong mùa nghỉ hè với lễ Tạ ơn Chuseok khởi sự vào ngày thứ Tư 30/9, nhưng dự kiến vẫn có hàng triệu người du hành trên khắp nước vào dịp này.