Ông Trần Mai Sơn, tức Facebooker Sonnie Tran được nhiều người biết tiếng, phải chạy trốn khỏi Việt Nam và xin tị nạn sau khi gặp rắc rối với công an từ các bài phân tích về hãng xe VinFast và tập đoàn Vingroup. Liên quan đến việc này, VinFast nói với VOA rằng họ tuân thủ pháp luật và không can thiệp vào công việc của nhà chức trách.
Như VOA đã đưa tin, trong nửa cuối tháng 12/2023, đầu năm 2024, ông Sơn “phải làm việc” với công an nhiều lần ở thành phố Hồ Chí Minh với tổng thời gian lên đến hàng chục tiếng đồng hồ, vì ông bị VinFast cáo buộc là các bài viết của ông trên mạng có nội dung tiêu cực gây tác động xấu đến hãng, vi phạm vào Điều 331 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Điều luật này viết rằng những ai “lợi dụng các quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí” và một loạt các quyền tự do dân chủ khác “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” sẽ bị phạt các mức từ cảnh cáo cho đến ngồi tù từ 6 tới 7 năm, tùy mức độ vi phạm.
Đến tháng 4/2024, từ một nơi ở bên ngoài Việt Nam nhưng không được tiết lộ, ông Sơn, 38 tuổi, chia sẻ về trường hợp của mình với VOA: “Hồi trước tôi hay có những bài nói về sai phạm, những thông tin không chính xác của Vingroup và VinFast. Vin tố cáo tôi về Điều 331 lên công an để họ bắt tôi”.
Hồi năm 2023, trên trang Facebook mang tên Sonnie Tran, nay không còn tồn tại, ông Sơn đăng nhiều bài về các vấn đề, khiếm khuyết, nhược điểm trong hoạt động cũng như trong các sản phẩm của VinFast.
Ông viết rằng ông chỉ tổng hợp, chắt lọc các thông tin từ chính các báo cáo của VinFast, bên cạnh đó là các tài liệu công khai của các hãng nước ngoài như Tata, LongChuan, v.v…
Một số bài viết nổi bật của ông Sơn đã được chia sẻ rộng rãi trên Facebook thu hút hàng chục nghìn lượt tương tác gồm các phản ứng yêu thích, chia sẻ và nhiều lời bình luận.
Do các bài viết đó, theo lời kể lại mới đây của ông Sơn, ông đã bị công an đưa về trụ sở của họ theo kiểu “bắt cóc”, tại đó công an nói ông bị “Vingroup tố cáo”. Tổng cộng, ông “phải làm việc” với họ 6 lần trước và sau Tết. Công an đã thu giữ máy tính xách tay và điện thoại của ông, đến nay chưa trả lại. Ông Sơn nói thêm:
“Sau này, tôi đề nghị họ phải ghi rõ trong giấy triệu tập là Vingroup tố cáo tôi, tôi mới lên làm việc, thì họ có gửi 2 giấy triệu tập ghi rõ nội dung là Vingroup tố cáo”.
Vào ngày 8/4, công an thực hiện lệnh khám xét nhà ông Sơn nhưng không thu giữ gì. Lúc đó, ông Sơn đã chạy trốn trước những sức ép từ công an. Ông cho biết:
“Họ có hăm dọa. Trước Tết, họ gọi điện cho gia đình tôi, yêu cầu tôi xóa các bài viết về Vin trên Facebook. Ban đầu, tôi nhượng bộ. Tôi có hai trang Facebook thì tôi xóa một Facebook. Còn một Facebook tôi kiểm soát được thì tôi ẩn bài đi”.
“Sau này, tôi cứ viết cái gì liên quan đến Vin là họ [công an] đều gọi, đe dọa là phải xóa Facebook nếu không sẽ có biện pháp xử lý cao hơn. ‘Nếu anh không làm, tôi sẽ bắt anh’, kiểu như vậy đấy”.
Nhưng không chỉ vì bị hăm dọa, ông Sơn cho rằng đã xuất hiện những dấu hiệu là ông thực sự có thể bị bắt:
“Họ đã cấm xuất cảnh tới ngày 10/3. Tầm đầu tháng 3, người nhà của tôi liên hệ kêu là có ông công an khu vực đi kiếm tôi, chắc là để xác minh tôi có ở nhà hay không. Tôi cảm thấy họ đang kiểm tra, truy lùng mình rồi nên là tôi đã ‘mất tích’ ở thời điểm đó”.
VOA liên lạc qua điện thoại với đơn vị phía Nam của Cục An ninh Điều tra (A09), Bộ Công an Việt Nam, để kiểm chứng những lời kể của ông Trần Mai Sơn và được một người trực điện thoại trả lời: “Em không làm vụ này, em không biết, có gì em kiểm tra lại nhé”.
Vẫn nhân viên công an này nói rằng phóng viên của VOA cần đến gặp trực tiếp hoặc liên lạc bằng văn bản, có thể hiểu là qua đường bưu điện, vì theo lời của nhân viên này, đơn vị công an đó không sử dụng email.
Phóng viên VOA cũng cố gắng liên lạc với sĩ quan công an có tên là Trần Hoàng Sơn, thuộc A09, người đã trực tiếp triệu tập, “làm việc” với Facebooker Trần Mai Sơn, nhưng viên sĩ quan không nhấc máy.
Về phía hãng VinFast và tập đoàn mẹ Vingroup, khi VOA đề nghị họ cho biết có phản ứng thế nào về những lời lẽ của ông Trần Mai Sơn và vì sao họ không đối thoại hoặc kiện ông ra tòa dân sự mà lại làm việc với công an theo hướng hình sự hóa, họ trả lời hôm 26/4 rằng:
“VinFast hoạt động theo các tiêu chuẩn đạo đức cao nhất, luôn tuân thủ pháp luật cũng như quy định tại các thị trường mà Công ty đang hiện diện. Đối với các nghiệp vụ thuộc thẩm quyền của cơ quan chức năng, Vingroup/VinFast hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào cũng không có quyền can thiệp. Chúng tôi không có bình luận về việc này”.
Như tin VOA đã đưa, việc công an tìm cách trấn áp ông Sơn về các bài viết mổ xẻ các vấn đề của VinFast và Vingroup cũng đã được một loạt các hãng tin Mỹ và nước ngoài đưa tin trong thời gian qua, trong đó có các trang InsideEVs, Carscoops, Jalopnik, Team-BHP…
Đây không phải là vụ việc đầu tiên có tính chất như vậy liên quan đến hãng. Hồi năm 2021, ông Trần Văn Hoàng, một người mua xe VinFast đã đăng video lên YouTube phàn nàn về xe và đã bị hãng “báo” công an “xử lý”, gây nhiều tranh cãi trong dư luận về cách tiếp cận của hãng.