Vụ chìm tàu có thể khiến Nam Triều Tiên ngưng tiếp xúc với miền Bắc

  • Kurt Achin
Chính phủ Nam Triều Tiên cho tới nay vẫn chưa trực tiếp quy trách cho Bắc Triều Tiên về vụ một tàu hải quân miền Nam bị chìm hồi tháng Ba, gây nhiều tử vong. Mặc dù vậy, rất nhiều người dân Nam Triều Tiên tin rằng Bình Nhưỡng có liên quan trong vụ này. Nếu thực sự có chứng cớ về sự can dự của miền Bắc, Nam Triều Tiên không có bao nhiêu giải pháp ngắn hạn để đáp ứng trước tình huống này. Từ Seoul, thông tín viên Kurt Achin của Đài VOA gửi về bài tường thuật chi tiết sau đây. Mời quý vị theo dõi.

Đối với bất cứ hai nước nào khác trên thế giới, thì việc một tiềm thủy đĩnh đeo đuổi và phá hủy một tàu hải quân của đối phương, giết chết 46 thủy thủ, chắc chắn là cơ sở để đưa tới một cuộc chiến tranh công khai.

Đó là điều mà rất nhiều người Nam Triều Tiên tin đã xảy ra hồi tháng Ba, khi một tàu chiến Nam Triều Tiên bị vỡ làm đôi sau một vụ nổ, giữa lúc chiếc tàu đang tuần tiễu tại một vùng biên giới lãnh hải đang trong vòng tranh chấp với Bắc Triều Tiên.

Ông Dan Pinkston, một nhà phân tích các vấn đề Đông Bắc Á làm việc cho Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế, nói rằng nếu các nhà điều tra xác nhận là Bắc Triều Tiên có đóng một vai trò trong vụ đánh chìm chiếc tàu, thì miền Nam quả thực có quyền sử dụng vũ lực.

Ông Pinston nói thêm: “Nói như thế nhưng tôi tin rằng phản ứng ấy sẽ là một hành động điên rồ, bởi vì cái giá phải trả sẽ cao hơn nhiều, so với những lợi lộc mà hành động đó có thể mang lại.”

Trên nguyên tắc, Bắc và Nam Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh dọc theo một trong những lằn ranh biên giới vũ trang hùng hậu nhất thế giới. Mặc dù lực lượng hỗn hợp Mỹ-Nam Triều Tiên được coi là vượt trội so với lực lượng quân sự nghèo nàn của miền Bắc, bất cứ hành động vũ lực nào chống Bắc Triều Tiên đều có thể châm ngòi nổ cho hàng ngàn đạn rockét và đạn pháo dọc theo đường biên giới, mà đa số sẽ nhắm vào Seoul.

Các chuyên gia quân sự nói trong tình huống đó, hàng trăm ngàn người có thể bị giết chết tại thủ đô của Nam Triều Tiên trong vòng vài giờ đồng hồ.

Các nhà kinh tế nhận định rằng một thay đổi nghiêm trọng trong bối cảnh an ninh còn làm lung lay bộ mặt tài chính quốc tế của Nam Triều Tiên, tác động đến các hoạt động thương mại và đầu tư, là chỗ dựa của nền kinh tế miền Nam.

Một số quan sát viên khác cho rằng một phản ứng quân sự của Nam Triều Tiên sẽ có lợi cho công tác tuyên truyền của miền Bắc, và giúp cho nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên chiếm được sự ủng hộ của dân chúng.

Thay vì tấn công miền Bắc, ông Pinkston đề nghị Nam Triều Tiên nên tăng cường mức độ tham gia của họ vào nền an ninh khu vực.

“Họ nên ra đánh đi một tín hiệu rõ rệt đến Bắc Triều Tiên rằng nước Cộng hòa Triều Tiên sẽ thực thi tất cả mọi cam kết của mình trong tư cách là một thành viên toàn diện của Sáng kiến An ninh Chống Phổ biến Hạt nhân.”

Hơn 90 quốc gia đã hưởng ứng kế hoạch này, bắt đầu là Hoa Kỳ vào năm 2003. Hoa Kỳ đã phối hợp các thông tin tình báo và hoạt động hải quân để gây gián đoạn cho việc vận chuyển các vũ khí có sức hủy diệt hàng loạt. Nhưng Nam Triều Tiên tự giới hạn trong vai trò “quan sát viên” mà thôi, nhằn tránh gây căng thẳng với Bắc Triều Tiên.

Tổng thống Nam Triều Tiên Lee Myung-bak theo thời biểu ấn định, sẽ thảo luận nhiều biện pháp an ninh với các tướng lãnh của ông vào ngày thứ Ba. Ông Pinkston nói rằng vụ Cheonan có phần chắc sẽ giúp củng cố năng lực của quân đội miền Nam nhằm theo dõi và ngăn ngừa những vụ như vậy xảy ra nữa trong tương lai.

Ông nói tiếp: “Về lâu về dài, cách đáp ứng của Nam Triều Tiên và việc củng cố sức mạnh quân sự của họ sẽ làm cho tình hình an ninh tại Bắc Triều Tiên trong thực tế sẽ tệ hại hơn.”

Tuy nhiên, trước mắt, Nam Triều Tiên tỏ ý cho thấy họ sẽ giải quyết bằng đường lối ngoại giao, bằng cách đưa vụ Cheonan ra trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Hội đồng này đã từng trừng phạt nặng Bắc Triều Tiên về 2 vụ thử vũ khí hạt nhân, và có không ít người cho rằng sẽ khó có thể áp dụng thêm hình phạt nào nữa.

Tuy nhiên, chuyên viên Baek Seung-joo của Viện Phân tích Quốc phòng Nam Triều Tiên nói rằng cần phải nhắc nhở Trung Quốc nên thực thi nghiêm túc các biện pháp trừng phạt đang có.

Ông nói: "Vì Trung Quốc không thực thi hữu hiệu việc trừng phạt nên Bắc Triều Tiên cứ tưởng là nếu họ tiếp tục có thái độ đang có thì cộng đồng quốc tế cũng chẳng làm gì được đối với họ."

Chuyên viên Baek cũng đề nghị Nam Triều Tiên tích cực hơn để nhân dân Bắc Triều Tiên có nhiều thông tin.

Ông nói: "Cần phải cung cấp thêm thông tin trực tiếp cho người dân Bắc Triều Tiên về tình hình bên ngoài một cách có hệ thống bằng cách sử dụng các công nghệ như phát thanh, truyền hình."

Một số nhà nghiên cứu về Bắc Triều Tiên nói rằng mặc dù nhà chức trách Nam Triều Tiên trong giai đoạn này cảm thấy khó chịu trước việc điều hành khu công nghiệp Kaesong mà hai miền đang liên doanh, nhưng nếu nhìn dài hạn, Nam Triều Tiên nên tiếp tục hoạt động tại khu công nghiệp này, vì lợi ích thống nhất hai miền. Họ còn nói rằng Nam Triều Tiên và Hoa Kỳ nên thúc đẩy cuộc đàm phán 6 bên bởi vì nếu bỏ các cuộc đàm phán đó, Bắc Triều Tiên sẽ viện cớ để chế tạo thêm vũ khí hạt nhân.