Sri Lanka hôm 29/11 ký hai hợp đồng trị giá nhiều triệu đôla với các công ty Trung Quốc để thực hiện dự án nâng cấp cảng giữa tình huống rối loạn chính trị đã làm dấy lên những nghi vấn về tính chính danh của chính phủ, cũng như tính hợp pháp của các thỏa thuận.
Theo Reuters, hòn đảo đầy dẫy nợ nần này từ lâu đã là mục tiêu của dự án đầy tham vọng “Vành đai, Con đường” của Bắc Kinh, một kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm kết nối Trung Quốc với các nước khắp Châu Á và xa hơn nữa, trong khi cường quốc khu vực là Ấn Độ cũng đang cạnh tranh để chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc.
Nhưng cuộc khủng hoảng chính trị nổ ra vì Tổng thống Maithripala Sirisena quyết định thay thế Thủ tướng Ranil Wickremesinghe với ông Mahinda Rajapaksa, người đã bị Quốc hội bãi nhiệm, đã làm dấy lên những nghi vấn về ai là người có thẩm quyền chính đáng để làm quyết định tại nước này.
Các nước khác vẫn chưa công nhận chính phủ mới, và đảng của ông Wickremesinghe đã tuyên bố rằng bất kỳ quyết định nào đưa ra bởi nội các của ông Rajapaksa đều là bất hợp pháp.
Một quan chức của Cơ quan cảng nhà nước Sri Lanka nói với Reuters rằng Sri Lanka đã ký hai hợp đồng với các công ty Trung Quốc trị giá trên 50 triệu đôla vào ngày 29/11 sau khi các thỏa thuận được phê chuẩn bởi nội các gây tranh cãi của ông Rajapaksa hồi tuần trước.
Một trong những bộ trưởng trong nội các của ông Rajapaksa xin giấu tên xác nhận với Reuters rằng các thỏa thuận đã được nội các Sri Lanka phê chuẩn, trong khi các tài liệu mà hãng thông tấn này đọc được cho thấy các thỏa thuận đã được dàn xếp để được thông qua một cách chiếu lệ tại cuộc họp.
Các hợp đồng liên hệ gồm một dự án trị giá 32 triệu đôla nhằm nâng cao năng lực bến cảng Jaya Container Terminal (JCT) ở Colombo với công ty Kỹ thuật Cảng Trung Quốc, và một hợp đồng trị giá 25,7 triệu đôla để mua ba cần cẩu từ công ty JCT Shanghai Zhenhua Heavy Industries cho cùng dự án đó, theo lời giới chức cảng.
Khi được hỏi về thỏa thuận này, cựu phát ngôn viên nội các của chính quyền Wickremesinghe, Rajitha Senaratne, nói với Reuters: “Chắc chắn cúng tôi sẽ phải kiểm tra lại. Họ không có quyền về mặt pháp lý để làm quyết định”.
Giới chức cảng cho biết những lời gọi thầu dẫn đến các thỏa thuận đó đã được quảng cáo trên các tờ báo nhà nước, như thông lệ ở Sri Lanka, và sau đó được gửi một hội đồng do nội các bổ nhiệm cách đây nhiều tháng.
Ấn Độ, quốc gia chiếm khoảng 80% hoạt động kinh doanh vận tải của Colombo, nêu quan ngại về sự gia tăng các dự án Trung Quốc tại Colombo.
New Delhi đã hối thúc Sri Lanka trao hợp đồng trị giá khoảng 1 tỷ đôla cho một công ty điều hành một bến cảng nước ngoài thứ nhì ở Colombo.
Nhưng thỏa thuận đó đã trở thành tâm điểm của một cuộc tranh cãi giữa Tổng thống Sirisena và Thủ Tướng Wickremesinghe ngay trước khi ông này bị cách chức. Trong cuộc tranh cãi, ông Sirisena quả quyết rằng Sri Lanka không thể giao thêm bất cứ tài sản nào khác cho người nước ngoài.
Bất ổn định chính trị và nền kinh tế èo uột đang đặt ra những câu hỏi về khả năng Sri Lanka có thể thanh toán những món nợ lớn bên ngoài đã được dùng để tài trợ cho công cuộc tái thiết đất nước sau khi kết thúc cuộc nội chiến năm 2009. Các số liệu chính thức cho thấy Sri Lanka đang nợ Trung Quốc khoảng 8 tỷ đôla, trong đó có các công ty và ngân hàng có liên hệ với nhà nước Trung Quốc.