Sức mạnh của lá phiếu Người Mỹ gốc Á trong cuộc bầu cử 2020

Tư liệu: Khảo sát của APIA và AAPI Data 2018: 64% người gốc Việt ủng hộ TT Donald Trump. Photo APIA.

Chưa bao giờ tiếng nói của người Mỹ gốc Á và Dân đảo Thái Bình Dương (AAPI) lại có trọng lượng như trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, vì sự lớn mạnh của các cộng đồng này tại các bang chiến trường trải dài từ vùng Trung-Tây, miền Nam và Tây-Nam nước Mỹ, nơi kết quả bầu cử sít sao năm 2016 khiến cho lá phiếu của thành phần cử tri này, dù là một thiểu số, nhưng có ảnh hưởng bất cân xứng đối với kết quả bầu cử năm nay.

Cộng đồng người Mỹ gốc Á-Thái Bình Dương đã tăng trưởng đáng kể trong 20 năm qua, theo phúc trình của Pew Research 2020 thì hiện nay tổng cộng có hơn 2 triệu cử tri thuộc thành phần này.

Cuộc khảo sát do Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) bảo trợ được thực hiện từ tháng 7 tới tháng 9, phỏng vấn 875 người gốc Á, để tìm hiểu thêm về một thành phần cử tri mà trong các cuộc bầu cử trước ít khi được ngó ngàng tới.

Phúc trình nêu bật sự kiện gần 1/3 cử tri gốc Á và Thái Bình Dương (AAPI) đăng ký đi bầu sinh sống ở các bang Arizona, Florida, Georgia, Michigan, Minnesota, Nevada, North Carolina, Pennsylvania, Texas và Wisconsin.

Giám đốc chính trị của NEA Carrie Pugh lưu ý rằng nói tới các cuộc thăm dò về cộng đồng AAPI, các bang lớn như California, Texas, New York và New Jersey thường được chú trọng quá đáng trong khi các cộng đồng AAPI lớn nhất không cư ngụ tại các bang chiến trường. Bà nói các dữ liệu toàn quốc về bầu cử không có cái nhìn chính xác về các cộng đồng ít được chú ý, như cộng đồng người Việt ở bang Pennsylvania, chẳng hạn.

Cuộc khảo sát này là một trong các cuộc thăm dò đầu tiên để tìm hiểu các vấn đề chính trị nơi người Mỹ gốc Á cư ngụ tại các khu vực trọng điểm trong cuộc “chạy đua để đành 270 phiếu đại cử tri đoàn”, bà Pugh nói. Nếu tỷ lệ cử tri AAPI đi bầu đông đảo hơn vào năm 2016, thì ứng cử viên Hillary Clinton có thể đã chiến thắng tại nhiều bang chiến trường.

Tại Michigan, bà Clinton thua với cách biệt chỉ có 10.000 phiếu, trong khi hơn 50.000 cử tri AAPI hội đủ điều kiện, lại không đi bầu. Tại Pennsylvania, nơi khoảng cách biệt là 44.000 phiếu, gần 100.000 cử tri AAPI không đi đầu phiếu.

Ý thức chính trị trong cộng đổng AAPI

Năm nay có nhiều thay đổi. Một tỷ lệ giới trẻ gốc Á từ 18-29 tuổi đi bầu tăng vọt 400% so với năm 2016.

Hơn 50% cử tri tại các bang chiến trường nói họ “nhiệt tình hơn” với nghĩa vụ công dân, cho thấy người Mỹ gốc Á có thể có ảnh hưởng lớn trong ngày bầu cử.

Nhóm AAPI đã gửi đi hơn nửa triệu phiếu khiếm diện và đi bầu sớm so với cách đây 4 năm, theo các số liệu của công ty tham vấn dữ liệu Catalist.

Trong số 1,8 triệu người đã bỏ phiếu, 1 phần 3 không đi bầu vào năm 2016. Tỷ lệ tăng trưởng này rõ rệt nhất trong thành phần millenials, từ 18 tới 29 tuổi, vốn đã bỏ 330.000 lá phiếu, tăng 400% so với năm 2016.

Người Mỹ gốc Á tại 10 bang chiến trường coi việc làm và y tế là ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề bầu cử. Di trú, học phí đại học và vấn đề cử tri bị cản trở đi bầu, thông thường là những vấn đề ưu tiên hàng đầu, nay bị dịch Covid-19 lấn át. Các đối tượng phỏng vấn coi những khái niệm trừu tượng như bổn phận công dân, trách nhiệm, đạo đức và niềm tin vào dân chủ, là những động lực mạnh mẽ thúc hối họ đi bầu, chứ không phải chỉ vì họ bất bình với Tổng thống Donald Trump và những thất bại về mặt chính sách quy cho ông.

“Rõ ràng cử tri AAPI không thích ông Trump,” theo Fred Yang, một nhà thăm dò theo Đảng Dân Chủ, và là đối tác trong nhóm Nghiên cứu Garin-Hart-Yang, công ty thực hiện cuộc khảo sát. “Nhưng việc họ không thích ông Trump không đủ mạnh để hối thúc họ đi bầu.”

Nói chung, các đối tượng thăm dò thích cựu Phó Tổng thống Joe Biden hơn ông Trump, nhưng bà Pugh và ông Yang nói huy động giới trẻ đi bầu, là “chìa khóa để biến các bang Đỏ (theo Đảng Cộng hòa) thành Xanh (Đảng Dân Chủ) bởi vì gần 70% cử tri trẻ gốc Á ủng hộ ông Biden, so với 49% trong thành phần AAPI lớn tuổi hơn.

Giám đốc chính trị của Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) khen ngợi chiến dịch của ông Biden là đã có cố gắng tiếp cận các cộng đồng AAPI bằng chính ngôn ngữ của họ, kêu gọi họ tham gia bầu cử. Trên khắp nước, chiến dịch tranh cử của ông Biden đã đầu tư và đề ra nhiều sáng kiến, đồng thời tỏ ra nhạy cảm đối với văn hóa Á đông, đặt quảng cáo trên truyền thông sắc tộc, mướn nhân viên song ngữ đi vận động…

Bà Pugh nói:

“Tôi đã sinh hoạt chính trị trong 3 thập niên, tôi chưa từng thấy cử tri tham gia bầu cử tới mức này.”

Thu thập dữ liệu về cử tri AAPI, theo bà, đặc biệt tại các khu vực có cộng đồng gốc Á nhỏ hơn, là một nỗ lực nên tiếp tục để bảo đảm mỗi cộng đồng cảm thấy họ được chú ý.

NEA đang thu thập dữ liệu cho một cuộc thăm dò toàn quốc hậu bầu cử, dự kiến sẽ công bố vào tháng tới. Cùng với tổng số người đi bầu, cuộc thăm dò nêu bật những vấn đề và tình huống đã động viên đa số đi đầu phiếu.

“Các cộng đồng ấy đã bị làm ngơ từ quá lâu. Thu thập những dữ kiện là một phần quan trọng để tổ chức các chương trình phù hợp, theo đà gia tăng dân số của các cộng đồng ấy”.

Một cộng đồng chia rẽ trong một xã hội chia rẽ

USA Today cũng đặc biệt chú ý tới sự hiện diện của cộng đồng gốc Á tại bang North Carolina, một trong các bang chiến trường, trong bối cảnh tỷ lệ người đi bầu trong cộng đồng AAPI năm nay tăng vọt so với những kỳ bầu cử trước.

Tình trạng phân hóa, chia rẽ chính trị sâu sắc cũng thể hiện rõ trong các cộng đồng AAPI giữa các nhóm ủng hộ liên danh Trump-Pence và các nhóm ủng hộ liên danh Biden-Harris, như các nhóm “NC Chinese Americans for Biden”, và “Chinese Americans for Trump 2020.” Và cũng như trên khắp nước Mỹ, cộng đồng AAPI ở North Carolina cũng kéo nhau đi bầu sớm với tỷ lệ cao kỷ lục.

APIAVote tổ chức họp báo về cử tri gốc Á-Thái Bình Dương ở Philadelphia


Người Mỹ gốc Á là cộng đồng sắc tộc phát triển nhanh nhất tại North Carolina, đặc biệt là cộng đồng gốc Hoa, gốc Ấn, gốc Việt, gốc Hàn và Philippines tập trung quanh Greensboro, Charlotte và khu Triangle.

Dữ liệu của Hội đồng Bầu cử tiểu bang cho thấy có 103.000 cử tri đăng ký đi bầu tự nhận diện là thuộc cộng đồng AAPI, tuy nhiên một số người tin rằng con số này con cao hơn nhiều vì một số cử tri có thể ghi nhầm, chẳng hạn như ghi “American Indian” – người Mỹ bản địa, thay vì “Asian American Indian”- người Mỹ gốc Ấn.

Bà Ya Liu, một người Mỹ gốc Hoa làm việc cho Hội đồng Thành phố Cary, đã hợp tác với một chuyên gia về dữ kiện và một luật sư để kiểm chứng dữ liệu dựa trên tên của cử tri. Theo mô hình của họ, thì có tất cả 180.000 cử tri gốc AAPI ở North Carolina, trong số này 92.549 người đã đi bỏ phiếu sớm, tượng trưng cho tỷ lệ 51,4%, cao hơn tỷ lệ đi bầu sớm của toàn tiểu bang, tính cho tới ngày 28/10.

Tổ chức North Carolina Asian Americans Together (NCAAT), tuần này công bố kết quả của một trong các cuộc thăm dò đầu tiên của họ về thái độ của cử tri AAPI ở North Carolina.

Cuộc thăm dò kết luận 64% cử tri AAPI quyết tâm đi bầu sớm năm nay. Trong 5 người thì hơn 1 người nói họ hoặc gia đình của họ đã đối mặt với hành động kỳ thị trong dịch Covid-19. Một số tin rằng việc Tổng Thống Trump gọi virus Covid là “virus Trung Quốc” hay là “Kung Flu” là một trong nhiều yếu tố khiến nhiều người gốc Á đi bỏ phiếu để phản đối.

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số dân Mỹ gốc Á nghiêng về phía liên danh Biden, mặc dù khoảng cách biệt không xa như so với các cộng đồng khác.

Dân biểu liên bang Stephanie Murphy phát biểu ở phiên thảo thuận AAPI Caucus của Đại hội Dân chủ, ngày 17/8/2020. Photo DNC


Theo cuộc thăm dò toàn quốc về Cử tri Mỹ gốc Á 2020, 54% đối tượng trả lời phỏng vấn nói họ sẽ bầu cho ông Biden trong khi 30% nói họ bầu cho ông Trump. Người Mỹ gốc Ấn, nhóm lớn nhất trong thành phần cử tri AAPI ở North Carolina, là nhóm ủng hộ ông Biden nhiều nhất (66%), trong khi người Mỹ gốc Việt là nhóm gốc Á duy nhất ủng hộ ông Trump (48%) so với ủng hộ ông Biden (36%). Theo cuộc thăm dò sở dĩ cộng đồng Mỹ gốc Việt ủng hộ ông Trump là vì nhiều người tin rằng ông chống cộng sản mạnh mẽ hơn.

USA Today trích lời cô Amy Nguyễn, Chủ tịch Cộng đồng người Việt tại Charlotte, nói: “Người Việt từng là những người tỵ nạn tới đây để trốn chạy cộng sản. Cho nên họ không muốn thấy lịch sử tại Việt Nam tái diễn.”

Riêng cộng đồng Mỹ gốc Ấn Độ, vốn không mấy mặn mà với chính trị trước đây, năm nay chăm chú theo dõi bầu cử. Một yếu tố quan trọng có lẽ là vì bà Kamala Harris, con gái của một người Mỹ gốc Ấn, được chọn làm ứng cử viên Phó Tổng thống, đứng chung liên danh với ông Joe Biden.

Chiến dịch ve vãn cử tri AAPI

Chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump đã tổ chức 100 sự kiện nhắm vào cộng đồng AAPI trên khắp North Carolina, một số được tổ chức bằng tiếng Quan thoại và tiếng Việt.

USA Today dẫn lời người phát ngôn của chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói:

“Người Mỹ gốc Á và Thái Bình Dương ủng hộ Tổng Thống Trump cảm thấy được tăng năng lực, và lấy cảm hứng từ các chính sách mà Tổng Thống Trump đã sắp đặt để giúp các cộng đồng của họ.”

Về phía chiến dịch vận động của ông Biden, cử tri AAPI cũng được xếp hạng là một trong 22 thành phần cử tri được đánh giá là thiết yếu để chiến thắng ở North Carolina. Trong khi chiến dịch của ông Biden hạn chế các cuộc tập họp đông đảo do đại dịch Covid-19, nhiều sự kiện đã được tổ chức trên mạng với sự góp sức của các chính khách AAPI và những nhân vật nổi tiếng.

Năm 2016, ứng cử viên Donald Trump lúc đó đã thắng thế tại bang North Carolina một cách sát nút, với chỉ có 10.000 phiếu bầu.

Kết quả bầu cử tại bang chiến địa này sẽ cho biết sức thuyết phục của chiến dịch vận động tranh cử của bên nào, Tổng Thống Trump hay cựu Phó Tổng thống Biden, sẽ thắng thế.