Đại sứ Sudan tại Kenya, ông Kamal Ismail Saeed, đã nói với các các nhà báo tại Nairobi rằng binh sĩ chính phủ miền Bắc sẽ rút khỏi Abyei một khi mà những vấn đề còn tồn đọng được giải quyết.
Ông nói: “Vâng, chúng tôi đã nhận được nhiều đề nghị và kêu gọi từ tất cả mọi nơi trên thế giới về vấn đề rút quân. Chúng tôi đã nói rằng, 'được, chúng tôi sẵn sàng mở cửa cho bất cứ cuộc thương thuyết nào,'chúng tôi muốn ngồi vào bàn hội nghị và thỏa thuận. Khi đã thỏa thuận thì chúng tôi sẽ tôn trọng hiệp định đó.”
TEXT: Ông Saeed không xác định cụ thể đề tài của các cuộc thương thuyết đó sẽ là gì. Nhưng trong lúc đưa ra tuyên bố ông đã nêu lên nhiều vấn đề mà chính phủ Khartoum quan tâm.
Ông Saeed nói rằng vụ chiếm đóng khu vực tranh chấp này hôm 21 tháng Giêng của Quân Đội Sudan là hệ quả của điều ông gọi là 24 vụ “khiêu khích” của Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Sudan.
Ông nói rằng vụ cuối cùng, một giọt nước làm tràn ly, là cuộc tấn công hôm 19 tháng Năm nhắm vào một đoàn xe của Quân Đội Sudan, bị cáo buộc là do Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Sudan gây ra.
Ông Saeed nói: “Tôi nghĩ rằng đó là một đòn nghiêm trọng, đã chấm dứt sự kiên nhẫn và tự kiềm chế liên tục của Quân Đội Sudan, nên họ phải phản ứng để tự vệ, và kết quả là những kẻ gây hấn trong khu vực này đã bị đánh bại.”
Ông cũng chỉ trích việc trì hoãn cuộc trưng cầu dân ý mà lẽ ra đã phải được tổ chức vào tháng Giêng, trong đó nhân dân khu vực này đã có thể bỏ phiếu về vấn đề gia nhập miền Bắc hay miền Nam Sudan. Ông Saeed cáo buộc chính phủ Nam Sudan là hạn chế con số cử tri có thể bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý này.
Thông tín viên VOA đã không thể tiếp xúc được với phát ngôn viên chính phủ Nam Sudan, ông Barnaba Marial Benjamin, để biết nhận định của ông mặc dầu đã cố gắng nhiều lần.
Nhưng tin tức báo chí trích thuật lời phát ngôn viên vừa kể nói rằng cáo buộc đó là “hoàn toàn bịa đặt” và Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Sudan đang tìm cách xác định sự hiện diện của họ tại Abyei.
Ông nói với hãng tin Pháp rằng cuộc tấn công hôm Thứ Bảy tuần trước “là một cuộc xâm lăng bất hợp pháp và làm tan vỡ mọi hòa ước, gây nguy hiểm tới tính mạng của hằng ngàn thường dân.”
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi chính phủ Bắc Sudan rút binh sĩ của họ ra khỏi Abyei ngay lập tức.
Bắc và Nam Sudan đã giao chiến trong hơn hai thập niên, và cuộc chiến tranh này đã chấm dứt với Hòa Ước Toàn Diện năm 2005 mà cả hai phía đã ký kết.
Nhân dân Nam Sudan đã bỏ phiếu với đa số áp đảo để tách ra khỏi miền Bắc trong cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng Giêng năm 2011 là một phần của Hòa Ước Toàn Diện.
Nam Sudan sẽ trở thành một nước độc lập vào ngày mùng 9 tháng Bảy, nhưng nhiều người e rằng chuyện đó có thể sẽ không xảy ra vì vụ tranh chấp ở Abyei.
Ông Fouad Hikmat là Cố Vấn Đặc Biệt về Sudan và Liên Hiệp Châu Phi cho Tổ Chức Khủng Hoảng Quốc Tế. Ông Hikmat nói rằng ông nghĩ là hai phía có thể đạt được một hiệp định về vấn đề Abyei trước ngày độc lập mùng 9 tháng Bảy.
Ông Hikmat nói: ”Hiện nay có một đặc điểm của các chính trị gia Sudan là mọi chuyện luôn luôn được giải quyết vào phút chót. Vậy thì điều quan trọng vào lúc này là giữ cho tình hình không leo thang thành bạo động.”
Ông Hikmat nói rằng cả hai phía có thể sử dụng Nghị Định Thư Abyei được soạn thảo theo qui định của Hòa Ước Toàn Diện năm 2005 để giải quyết vấn đề này cả trong trường hợp ngày độc lập mùng 9 tháng Bảy có trôi qua chăng nữa.
Binh sĩ Sudan tiếp tục chiếm Abyei, một khu vực cả Bắc lẫn Nam Sudan đều nhận là của mình. Một giới chức Sudan đã phác họa điều ông gọi là những trở ngại cuối cùng cho hòa bình tại khu vực này.