Tại Ai Cập, quân đội được ông Hosni Mubarak tin tưởng từ lâu đã giúp lật đổ ông. Tại Libya, các viên chức hàng đầu vội vã xa lánh ông Moammar Gadhafi hầu như ngay từ đầu. Ông Zine el-Abidine Ben Ali trốn khỏi Tunisia trong vòng vài tuần lễ, trong khi tại Yemen, ông Ali Abdullah Saleh, chần chừ kéo dài thời gian, nhưng rồi do áp lực của các nước láng giềng hiện nay ông ta cũng đành phải lưu vong.
Trái lại, chẳng có mấy dấu hiệu là Tổng thống Syria sẽ ra đi. Vào lúc quân đội của ông đánh tan tác các lực lượng nổi dậy tại Homs và Idlib, các điện thư bị xâm nhập dường như cho thấy là vợ ông đi mua đồ đạc trang bị nội thất cho tư gia của ông bà tại Damacus.
Tổng thống Bashar al-Assad có thể đặt tin tưởng vào một hệ thống do cha ông là ông Hafez al-Assad dựng nên, đã giúp cho gia đình ông nắm quyền trong 40 năm qua. Ông Paul Salem là giám đốc của Trung tâm Carnegie Trung Đông.
Ông Salem nói: “Chế độ này được dựng nên do kết quả của cuộc đảo chánh năm 1970 và được thành lập ngay từ lúc đầu để chống nổi loạn, chống đảo chánh.”
Ông Assad Bố thành lập một mạng lưới phức tạp các cơ quan tình báo chồng chéo lên nhau, gồm những thực thể tách biệt với dụng ý là ngay cả những người theo dõi cũng bị theo dõi.
Cũng như con ông, ông bổ nhiệm vào những chức vụ chính yếu bằng người thuộc sắc tộc thiểu số Alawite của ông, cảnh báo những người này, cũng như những người theo Cơ Đốc Giáo và Druze, là họ sẽ gặp nguy hiểm do đa số người Sunni không bị kìm chế gây ra.
Cho tới nay, kết quả là có một trung tâm liên kết chặt chẽ với nhau, và trong tháng này nhân viên dân sự cao cấp nhất đào ngũ là thứ trưởng dầu mỏ, gần một năm sau cuộc nổi dậy.
Ông Salem nói: “Cơ quan tình báo quốc nội của Syria theo dõi các sĩ quan và các viên chức có thể đào thoát và yim cách phòng ngừa hay ngăn chặn chuyện này xảy ra. Do đó, những người đào thoát vẫn chỉ là thiểu số.”
Những vụ đào thoát chỉ xảy ra trong số các nhân viên cấp thấp trong quân đội, thường là những người bị buộc thi hành nghĩa vụ quân sự không muốn bắn vào thường dân tại các làng mạc và thành phố như nơi họ cư trú.
Những người đào thoát này tạo nên một lực lượng chính yếu của Quân đội Tự do Syria của phe nổi dậy, một tổ chức mà một thành viên trong nhóm lãnh đạo đối lập, ông Haitham al-Maleh nói, đây là tổ chức duy nhất có khả năng lật đổ chính phủ.
Ông al-MaLeh nói: “Những người này muốn tự vệ và chế độ này không thể chấm dứt bằng chính trị, bằng những biện pháp ôn hòa. Chế độ này phải lật đổ bằng bạo lực.”
Với việc công đồng quốc tế không đồng ý với nhau ngay cả đối với việc lên án chính trị chế độ Assad, cơ may một sự can thiệp được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ như tại Libya dường như rất mong manh. Ông Al-Maleh cho rằng chuyện tối thiểu cộng đồng quốc tế có thể làm là trao cho Quân đội Tự do Syria vũ khí.
Ông Abdul Aziz Saqr, người đứng đầu Hội đồng Nghiên cứu vùng Vịnh, nói vũ khí quan trọng nhưng chỉ là một phần của phương trình này mà thôi.
Ông Saqr nói: “Bạn không thể nào chiến đấu chống lại một quân đội có tổ chức với một khẩu súng trường Kalashnikov hay một khẩu súng ngắn. Bạn cần phải có tên lửa chống xe tăng, bạn cần phải có trinh sát thực sự và thu thập tin tình báo. Nếu vệ tinh thám sát của Nga cung cấp cho quân đội Syria nhiều tin tình báo, Quân đội Tự do Syria cần có những tin tình báo thực sự có khả năng giúp tổ chức các hoạt động của họ.”
Vai trò của Nga, một quốc gia cung cấp vũ khí chính cho chính phủ Syria, làm nổi bật một trong những khác biệt lớn nhất trong cuộc nổi dậy tại Syria-rủi ro cao của các bên liên hệ trong vùng và toàn cầu. Syria là một trong những đồng minh cuối cùng của Nga trong vùng này, và Nga không muốn để Hoa Kỳ hay các cường quốc phương Tây điều khiển như họ đã làm tại Libya.
Ông Saqr nói: “Đối với chúng tôi trong vùng này, chúng tôi tin việc Nga thắng tại Syria có nghĩa là Nga thắng Mỹ tại Syria.”
Và Washington, trong khi ủng hộ phe đối lập bằng lời nói, nhưng chậm chạp trong hành động, cảnh báo là những phức tạp trong can thiệp bao gồm cả việc thiếu những mặt trận tiền phương.
Tranh chấp cũng xảy ra vào lúc Hoa Kỳ nỗ lực đối phó với vấn đề hạt nhân và những vấn đề khác với Iran, quốc gia hỗ trợ Syria như là một cái chốt trong ảnh hưởng phi Sunni trong vùng và là cửa ngõ cho Hezbollah, đại diện của Iran.
Các quốc gia khác trong vùng cũng có thể có những quyền lợi trong việc duy trì nguyên trạng, gồm cả Israel, lo ngại những phần tử Hồi giáo chính thống sẽ lên cầm quyền tại Syria một khi ông Assad ra đi.
Ông Saqr thuộc Hội đồng Nghiên cứu vùng Vịnh nói:
“Syria là một chế độ có lực lượng an ninh quân sự nội địa mạnh và những nước láng giềng không muốn có một lập trường chống lại, như Jordan, Lebanon, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Do đó về mặt địa lý chính trị và những mối liên hệ với các nước trong khu vực cũng đóng một vai trò đáng kể khiến không dễ dàng gì mà can thiệp bằng quân sự hay nỗ lực nào khác từ bên ngoài .”
Năm ngoái, người ta đều đưa ra những tiên đoán chung là chính phủ Assad sẽ theo con đường của các chính phủ như Ai Cập và những nước khác là điều: “không thể nào tránh được” và “sắp xảy đến”. Đây là những lời lẽ được bàn tán rất nhiều. Giờ đây thì “Không thể tránh được” vẫn còn được nhiều người sử dụng, nhưng “sắp xảy đến” là những từ đã hoàn toàn biến mất.
Chính phủ Syria và cơ cấu an ninh đã có thể đứng vững trước những áp lực đã lật đổ các chính phủ Ả Rập khác trong năm qua. Nhân kỷ niệm một năm ngày nổi dậy của Syria, Thông tín viên Đài VOA Elizabeth Arrott tường trình về những gì khiến chính phủ của ông Bashar al-Assad trong tư thế khác hẳn.