Phiến quân Syria giao tranh với lực lượng của chính phủ để giành quyền kiểm soát thành phố Homs then chốt vào ngày thứ Bảy và tiến về phía thủ đô Damascus khi các tiền tuyến trên khắp đất nước sụp đổ, đẩy nền cai trị 24 năm của Tổng thống Bashar al-Assad vào thế chênh vênh.
Kể từ khi phiến quân tràn vào Aleppo một tuần trước, hàng phòng thủ của chính phủ đã sụp đổ với tốc độ chóng mặt khi phiến quân chiếm giữ một loạt các thành phố lớn và nổi dậy ở những nơi mà cuộc nổi loạn dường như đã kết thúc từ lâu.
Hai mối đe dọa song song đối với Homs, thành phố có vị trí chiến lược hệ trọng, và thủ đô Damascus giờ đang là mối đe dọa sống còn đối với nhiều thập niên cai trị của ông Assad ở Syria và ảnh hưởng liên tục của Iran, nước hậu thuẫn chính của ông trong khu vực.
Một cư dân Homs, và các nguồn tin quân đội và phiến quân cho biết phiến quân đã xuyên thủng hàng phòng thủ của chính phủ từ phía bắc và phía đông thành phố. Một chỉ huy phiến quân cho biết họ đã kiểm soát một trại lính và những ngôi làng bên ngoài thành phố.
Đài truyền hình nhà nước đưa tin quân nổi dậy chưa xâm nhập được Homs dù họ nói rằng họ đang ở ngoại ô thành phố, nơi quân đội đang tấn công họ bằng pháo binh và máy bay không người lái.
Quân nổi dậy đã chiếm gần như toàn bộ phía tây nam trong vòng 24 giờ và họ đã tiến đến cách Damascus 30 km khi lực lượng chính phủ rút lui, quân nổi dậy cho biết.
Tại thủ đô, những người biểu tình ở vùng ngoại ô Damascus đã giật đổ bức tượng cha của ông Assad và phá nát thành từng mảnh. Ở những vùng ngoại ô khác, binh lính đã thay quần áo thường dân và đào ngũ, người dân cho biết.
Ông Assad vẫn ở Damascus, hãng thông tấn nhà nước Syria cho biết.
Tốc độ của các sự kiện đã gây kinh ngạc các thủ đô ở khắp vùng Ả-rập và làm dấy lên lo ngại về một làn sóng bất ổn mới trong khu vực.
Cuộc nội chiến Syria, nổ ra vào năm 2011 như một cuộc nổi dậy chống lại chế độ cai trị của ông Assad, đã lôi kéo các thế lực lớn bên ngoài vào, tạo không gian cho các phần tử thánh chiến lập mưu tấn công trên khắp thế giới và khiến hàng triệu người tị nạn đổ xô đến các nước lân cận.
Ông Assad từ lâu đã dựa vào các đồng minh để chế ngự quân nổi dậy, với máy bay chiến đấu của Nga ném bom trong khi Iran cử lực lượng liê minh bao gồm nhóm Hezbollah của Lebanon và dân quân Iraq đến để hỗ trợ quân đội Syria và tấn công các thành trì của quân nổi dậy.
Nhưng Nga đã tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine kể từ năm 2022 và Hezbollah đã chịu tổn thất lớn trong cuộc chiến khốc liệt của chính họ với Israel, hạn chế đáng kể khả năng của họ hoặc của Iran trong việc hỗ trợ ông Assad.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói Mỹ không nên can dự vào cuộc xung đột và nên "để nó diễn ra."
Các bộ trưởng ngoại giao của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ, nước hậu thuẫn chính quân nổi dậy, đã hội họp vào ngày thứ Bảy và nhất trí về tầm quan trọng của sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và về việc khởi động lại một tiến trình chính trị, họ cho biết.
Nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ đã nhất trí về bất cứ bước đi cụ thể nào, với tình hình bên trong Syria thay đổi từng giờ.
Nga có một căn cứ hải quân và không quân ở Syria không chỉ quan trọng đối với việc yểm trợ ông Assad mà còn đối với khả năng vươn tầm ảnh hưởng của nước này ở Địa Trung Hải và Châu Phi.
Moscow đã yểm trợ lực lượng của chính phủ bằng các cuộc không kích dữ dội nhưng không rõ liệu họ có thể dễ dàng tang cường chiến dịch này hay không.
Iran đã tuyên bố sẽ cân nhắc gửi lực lượng đến Syria, nhưng bất kì sự hỗ trợ bổ sung ngay lập tức nào cũng có thể phụ thuộc vào Hezbollah và lực lượng dân quân Iraq.
Hezbollah đã gửi một số "lực lượng giám sát" đến Homs vào ngày thứ Sáu nhưng bất cứ sự điều động đáng kể nào cũng có nguy cơ bị Israel không kích, các quan chức phương Tây cho biết.
Lực lượng dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn đang trong tình trạng báo động cao, với hàng ngàn chiến binh được trang bị vũ khí hạng nặng sẵn sàng triển khai đến Syria, nhiều người trong số họ tập trung gần biên giới. Một phát ngôn viên của chính phủ ngày thứ Sáu nói Iraq không tìm cách can thiệp quân sự vào Syria
Anh cảnh báo ông Assad rằng bất cứ việc sử dụng vũ khí hóa học nào cũng là một lằn ranh đỏ và sẽ phải đối mặt với "hành động thích đáng."