Tháng Mười Hai ở Tahiti

Nhà thờ Đức Bà ở Pape’ete. (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Cuối năm ngoái vợ chồng tôi đi Úc, trên đường về lại California có ghé chơi Nouvelle Calédonie và Tahiti là những thuộc địa của Pháp ở Nam Thái Bình Dương.

Sau 5 giờ bay từ Nouméa, phi cơ của hãng Air Tahiti-Nui đáp xuống phi trường Faa’a lúc trời vừa tối. Bước ra thang phi cơ đã gặp gió biển lồng lộng nên không cảm thấy cái nóng hải đảo đang vào giữa mùa hè.

Trước cửa vào phòng khách sân bay có mấy nghệ sĩ trình diễn những ca khúc với nốt nhạc du dương chào đón du khách đến Tahiti.

Từ phi trường về khách sạn Intercontinental mất 10 phút taxi. Đứng làm thủ tục nhận phòng, những cơn gió biển thổi qua hành lang làm tôi nhận ra sau hồ bơi với ánh đèn là hàng dừa đong đưa và biển lờ mờ trong bóng đêm.

Sạp bán cá trong chợ ở trung tâm Pape’ete. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Qua đêm đầu tiên trên hải đảo, sáng thức dậy, Tahiti chào đón chúng tôi bằng trời xanh, biển xanh, cây lá xanh và màu phượng đỏ cùng nhiều loại hoa nhiệt đới.

Như ở Nouméa mấy ngày trước, ở đây cũng đang vào mùa hoa phượng. Tôi yêu loại hoa này vì mình có quá khứ lớn lên trên quê hương cũ với biết bao kỉ niệm học trò, nhất là mỗi khi hè về nhìn phượng nở đỏ mà lòng xao xuyến, bồi hồi vì sắp phải chia tay bạn bè, trường lớp, thày cô.

Qua nhiều chuyến du hành, tôi đã thấy phượng ở nam Florida, ở Togo bên châu Phi, rồi Hong Kong, Bangkok, Nouméa và giờ đây trên đảo Tahiti vào cuối tháng Mười Hai, khi tiết trời là giữa mùa hè nên phượng đang rực nở. Với tôi ở đâu phượng cũng là loại hoa đẹp và có hồn.

Cùng với phượng đỏ, quanh khu khách sạn còn có bông sứ trắng, sứ hồng, có hoa giấy, hoa trang.

Ăn sáng xong chúng tôi du ngoạn thủ phủ Pape’ete theo chương trình đã đặt trước với một công ty du lịch.

Điểm dừng đầu tiên mà hướng dẫn viên đưa chúng tôi đến là lên núi, để nhìn thấy toàn cảnh Pape’ete bé nhỏ, với số cư dân chừng 30 nghìn.

Thức ăn châu Á ở Tahiti. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Trên cao nhìn xuống, nắng gắt mùa hè làm nước trong xanh hơn. Cả một vùng biển xanh mầu ngọc bích với vài con thuyền qua lại. Xa xa là đảo Moorea. Anh hướng dẫn nói hôm nay là ngày vọng Giáng Sinh nên giao thông trên phố, trên biển không tấp nập như bình thường vì hầu hết người dân đã về nhà để chuẩn bị đón Nô-en.

Từ khách sạn vào trung tâm thành phố chừng dăm cây số. Trên đường nhiều xe ôtô, có xe buýt vào trạm đưa đón khách và cũng có xe gắn máy. Nhà cửa hai bên hay trên núi là nhà gạch mái tôn. Anh hướng dẫn cho biết giá nhà trên núi đắt nhất ở đây, rẻ cũng gần một triệu Mỹ kim một căn với bốn hay năm phòng ngủ. Nhà bên đường giá cũng nửa triệu.

Xe rẽ vào một con đường nhiều cây xanh rũ bóng mát mà anh gọi là Champs Élysee của Pape’ete, nơi đó có dinh tổng thống và trụ sở của nhiều cơ quan chính quyền.

Anh kể nhiều người dân Tahiti cũng muốn độc lập nhưng đa số vẫn không muốn tách rời khỏi nước Pháp vì nếu là một quốc gia riêng họ sợ Tahiti không thể tự túc về kinh tế vì ở đây không có tài nguyên gì ngoài kỹ nghệ du lịch.

Tôi mới chỉ nghe biết đến Tahiti chừng hai thập niên trở lại, khi có dịp qua Hawaii chơi, đi thăm trung tâm văn hoá Polynesian Cultural Center và được xem múa hát, xem trưng bày những nét văn hoá của Tonga, Samoa, Fiji, Tahiti nên có hiểu biết hơn về đời sống nơi những hải đảo ở Nam Thái Bình Dương.

Bảo tàng ngọc trai của Robert Wan. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Người Samoa biểu diễn leo cây hái dừa và chặt dừa không cần dao mà chỉ bằng tay. Tahiti nổi tiếng với những thiếu nữ có làn da bánh mật, tóc đen dài, đầu đội vòng nguyệt quế đan bằng hoa với lá dừa, hoa sứ bên tai, váy cũng bằng lá dừa, áo ngực vỏ dừa, lắc mông theo tiếng trống rộn vui, trông rất xinh và hấp dẫn.

Nghe kể lịch sử xa xưa của Hawaii có nhiều di dân đến đây bằng thuyền buồm là dân Polysenia ở cách Hawaii cả năm nghìn cây số.

Dân ở các đảo Nam Thái Bình Dương rất mạo hiểm, từ nhiều thế kỷ trước họ đã tìm đường đến Hawaii bằng thuyển buồm và trước đó nhiều nghìn năm những người đã đến được vùng quần đảo Polynesia là từ các quốc gia Đông Nam Á mà ngày nay dấu tích nhiễm thể đã được những nhà khoa học tìm thấy trong con người của họ.

Những nhà thám hiểm Âu châu sau này đặt chân đến các vùng hải đảo và đã chiếm làm thuộc địa. Rồi qua các cuộc Chiến tranh Thế giới Thứ Nhất và Thứ Nhì, Hoa Kỳ và Pháp chia nhau chiếm và kiểm soát hầu hết các đảo trong Thái Bình Dương từ Guam, Midway, Micronesia, Hawaii là của Hoa Kỳ, xuống Nouvelle Calédonie, Tahiti do Pháp kiểm soát.

Bora-Bora yên tĩnh và lãng mạn. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Địa hình của Tahiti-nui, tức đảo lớn, là mấy ngọn núi lửa còn non trẻ vì có đỉnh cao nhọn. Tahiti với 118 đảo lớn nhỏ, với chưa đến 300 nghìn dân, trải dài 2 nghìn cây số trong một vùng biển rộng đến hàng triệu cây số vuông.

Trước đây để phục vụ chiến tranh, đồng minh xây nhiều phi đạo trên các đảo cho mục tiêu quân sự và ngày nay dùng cho dân sự và nhu cầu phát triển du lịch.

Từ thập niên 1960 Pháp dùng Tahiti làm nơi thử bom nguyên tử. Năm 1995 Pháp thử bom trên đảo Mururoa cách Tahiti nghìn cây số và đã gây lên một làn sóng phản đối dữ dội từ dân địa phương, đưa đến bạo động làm xấu đi hình ảnh đẹp của kỹ nghệ du lịch cho vùng hải đảo này.

Trước phản ứng mãnh liệt của dân, Pháp quyết định chấm dứt thử bom cùng lúc phong trào đòi độc lập dưới sự lãnh đạo của Oscar Temaru nổi lên. Nhưng qua nhiều lần bầu cử, quốc hội Tahiti vẫn không muốn hoàn toàn tách rời khỏi Pháp vì nước Pháp vẫn là nguồn trợ giúp kinh tế chính cho Tahiti, cả tỉ đôla mỗi năm.

Phong bì và tem thư Polynesia phát hành ngày đầu tiên. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Ngoài kỹ nghệ du lịch, Tahiti sản xuất nước nhàu (noni), vanila thơm ngon và nổi tiếng nhất là ngọc trai đen. Còn lại các thứ đều phải nhập cảng nên đời sống đắt đỏ. Ăn sáng với bánh croissant hay paté-chaud và cà-phê cũng hơn một nghìn XPF, trên 10 đôla (1 US đôla = 100 XPF).

Chúng tôi đến thăm bảo tàng ngọc trai của Robert Wan, là món đồ trang sức nổi tiếng. Có đủ tiển mua hay không thì chưa biết, nhưng chúng tôi muốn tận mắt xem ngọc trai đen ở chính nơi sản xuất.

Ngọc trai đen từ Tahiti là sản phẩm của Robert Wan, một người Hoa được sinh ra tại Tahiti và đã làm nhiều nghề khác nhau từ kế toán đến bán xe ôtô. Nhân một chuyến đi Nhật năm 1974 ông được học nghề nuôi trai lấy ngọc. Sau nhiều thất bại cùng cải tiến và tiếp tục đầu tư vào công ty Tahiti Perles do ông sáng lập, ông Wan đã mua vùng đảo Tuamotu-Gambier để làm nơi nuôi trai trong cù lao và miệng núi lửa và sản xuất ra những hạt ngọc to, tròn và đen bóng được thế giới công nhận là món nữ trang quí giá. Một chuỗi ngọc đeo cổ, bình thường thôi, ở đây giá ít nhất cũng 7, 8 nghìn đôla Mỹ. Ngày nay ngọc trai đen Tahiti chiếm đến một nửa thị trường thế giới.

Dưới phố chính của Pape’ete cũng có một tiệm bán ngọc trai, chúng tôi ghé xem và giá cũng không khác ở bảo tàng là bao. Bên đường, quanh khu chợ nhiều chỗ cũng bán ngọc trai, giá rất thấp nhưng không có gì bảo đảm chất lượng.

Tháng Mười Hai ở Tahiti có phượng nở đỏ. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Anh hướng dẫn đưa chúng tôi vào chợ chính của thành phố, giới thiệu với vài bạn hàng bán đồ kỷ niệm, đồ ăn rồi từ giã để chúng tôi tự khám phá trung tâm thành phố. Trước khi chia tay, chúng tôi hỏi cách đi xe buýt về khách sạn và tặng anh năm nghìn XPF làm quà Giáng Sinh.

Bên ngoài chợ có nhiều hàng bán hoa tươi, hoa đội đầu, hoa choàng cổ, hoa đeo tay, hoa cài lên tóc, với mầu sắc rực rỡ. Bên trong chợ thưa khách vì đã là trưa ngày 24/12. Chỉ những gian hàng bán thức ăn nhanh vẫn đông. Ngoài bánh mì Pháp, Ý còn nhiều thức ăn Á Đông như nem rán, cơm các loại giống như ở cửa hàng thức ăn nhanh của người Việt ở Mỹ.

Theo số liệu thì có 12% cư dân Tahiti là gốc châu Á, đa số là người Hoa. Khi chúng tôi ghé thăm Nhà thờ Chính tòa Notre Dame, trong chương trình đón Giáng Sinh tối 24/12 lúc 7 giờ có thánh lễ dành cho người Hoa và có lễ nửa đêm cho mọi người.

Con đường chính ở Bora-Bora. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Dưới phố Pape’ete cũng có cửa hàng McDonald, đang dịp kỉ niệm 20 năm mở cửa ở Tahiti nên có xổ số dành cho khách hàng, với lô độc đắc là chiếc xe Ford Ranger.

Về lại khách sạn tôi tìm điện thoại nhà thờ gần nơi mình ở, sáng xe có chạy ngang. Hỏi thăm và được biết 7 giờ chiều cũng có thánh lễ đón Giáng Sinh.

Nhà thờ Thánh Giuse lớn gấp đôi nhà thờ Đức Bà dưới phố. Gần nghìn giáo dân dự lễ được nhiều linh mục cử hành bằng hai ngôn ngữ, tiếng Pháp và tiếng địa phương. Những bài thánh ca được cất lên và nhạc khúc “Đêm Thánh vô cùng” lại vang lên bằng một ngôn ngữ xa lạ, nhưng âm điệu tôi đã thuộc lòng.

Tối về khách sạn, có tiệc nửa đêm nhưng vì không đặt chỗ trước nên chúng tôi không tham dự được. Qua bên nhà hàng ăn tối, tôi gọi món hải sản trộn nước dừa, ghi trên tờ thực đơn là đặc sản Tahiti. Thử rồi mới biết không hợp khẩu vị của mình, thật khó ăn. Ba bốn loại cá sống trong nước dừa tươi, với rượu vang trắng cũng làm bớt đi vị lạ trong miệng.

Đi thuyền máy từ sân bay Bora-Bora về khách sạn. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Sau Pape’ete chúng tôi bay đến Bora-Bora, nơi nhiều người cho là thiên đường của lãng mạn và yên tịnh.

Bora-bora là miệng của núi lửa đang chìm xuống. Trên miệng núi nhiều nơi có khách sạn và khu nghỉ dưỡng là những căn phòng kiểu nhà tranh dựng cọc trên mặt nước để có thể nhìn qua nước thấy cát và những đàn cá tung tăng bơi.

Ra phố Bora-Bora phải đi thuyền máy qua đảo khác, chừng 15 phút, thêm 15 phút xe nữa. Mỗi chuyến đi về 32 đô.

Dưới phố Bora-Bora có siêu thị Chin Lee bán đủ loại thức ăn trong đó có nước mắm, mắm tôm, bánh tráng, mì gói đủ loại.

Tôi ghé vào bưu điện mua ít phong bì tem thư phát hành ngày đầu tiên làm kỉ niệm. Ngày xưa ở quê nhà thích sưu tầm tem nên tôi đã biết tem Polynesia rất đẹp. Tại đây tìm niên giám điện thoại xem có người Việt không và thấy họ Nguyễn được 9 người, Trần 3, Phan 2 và Bùi 1. Đa số là cư dân Pape’ete.

Vào một quán bên đường ăn trưa. Từng cơn gió thoảng qua, bỗng dưng nghe bài hát quen thuộc “Hotel California” từ xa vang lại và lớn dần, cho đến khi chiếc xe van vụt qua làm bỗng dưng nhớ nhà dù mới xa California hai tuần.

Ngoài này đời sống rất đắt đỏ. Thực đơn của khu nghỉ dưỡng Pearl Beach Resort, ăn sáng continental buffet 40 đôla một người. Khi tôi đặt vé máy bay và khách sạn đã có bao gồm ăn sáng nên không phải lo. Ăn trưa ít gì cũng 25 đôla một người vì một cái burger là 2100 XPF, nước ngọt 360. Nhìn trong tờ thực đơn có món Salade Vietnamienne giá 2000, là bắp cải trộn, nhưng không muốn thử vì biết chắc không thể ngon bằng gỏi gà nhà tôi làm.

Một con phố ở trung tâm Pape’ete. (Ảnh: Bùi Văn Phú)


Đêm về nghe sóng biển nhẹ vỗ dưới sàn. Trong bờ vọng ra tiếng trống ca hát ở nhà hàng. Tôi mở laptop, lên mạng tìm nghe nhạc Trịnh.

Giọng Trịnh Vĩnh Trinh, có bài “Muôn trùng biển ơi” mà chúng tôi thích: “Biển ơi có người im lặng, có người vui đùa / Là tại sao là tại sao / Biển ơi gió mùa đang về mang nặng câu thề / Sóng đùa suốt mùa sóng đùa biển khơi / à à ơi em đùa đùa chơi …”

Ở đây hoàng hôn với ráng hồng thật đẹp. Có cát trắng biển xanh. Quá lãng mạn. Nhưng quá yên tịnh. Không biết mình đang ở đâu giữa chốn mênh mông biển cả.