Một chuyên gia kinh tế cho rằng người Việt Nam tiết kiệm quanh năm nhưng tiêu xài quá nhiều vào dịp Tết và kêu gọi mọi người thay đổi thói quen không tốt cho nền kinh tế này.
Nguyên phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Chi Lan đưa ra nhận định trên dựa vào những con số thống kê chi tiêu trong dịp Tết và quan sát trong thực tế cuộc sống.
“Quanh năm, họ tiết kiệm ghê ghớm nhưng vào dịp Tết họ tiêu xài rất nhiều. Tôi nghĩ cần phải điều chỉnh cách thức tiêu dùng của người Việt Nam một cách hợp lý hơn.”
Người tiêu dùng Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tiết kiệm tiền mặt, theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Nielsen vào giữa năm ngoái. Tuy nhiên khảo sát này cũng nói rằng 50% người Việt sẵn sàng chi tiêu nhiều trong dịp lễ Tết.
Bà Lan cho biết cả những người thu nhập trung bình hoặc thấp vẫn dồn nhiều tiền vào dịp Tết để mua sắm nhiều những thứ mà chuyên gia kinh tế này cho là không cần thiết. Bà đưa ra ví dụ về xu hướng người dân Việt thường mua ô tô, xe máy cũng như những vật dụng điện tử hay đồ trang trí mới vào dịp Tết.
Báo Nhân Dân trong một bài viết cho biết trước Tết 2018, trên thị trường xuất hiện cuộc đua săn hàng độc, lạ, giá đắt đỏ, như một cách để các gia đình có điều kiện thể hiện đẳng cấp, thương hiệu. Tờ báo này trích dẫn một số ví dụ như có gia đình chi 1,8 tỷ đồng để mua được 1kg trứng cá tầm hay 400-650 triệu đồng để được sở hữu 1kg nhụy hoa nghệ tây.
Một khảo sát khác của Nielsen vào tháng 1/2016 cho thấy người Việt chi tiêu trung bình là 14,2 triệu đồng (khoảng 640 USD) vào dịp Tết. Thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam năm 2016 ước tính đạt khoảng 2.170 USD (hơn 50 triệu đồng).
Tạp chí Tài chính nhận định rằng người dân trong nước sẽ “mạnh tay chi tiêu hơn” trong dịp Tết Kỷ Hợi do kết quả tích cực của tăng trưởng kinh tế trong năm 2018 và trích lời Tiến sỹ kinh tế Lê Đăng Doanh nói rằng “người dân có thể tiêu dùng ở mức cao hơn so với năm ngoái.”
Giải thích về nguyên nhân tại sao người Việt Nam lại có xu hướng chi tiêu mua sắm nhiều trong dịp Tết, bà Lan cho rằng nó một phần xuất phát từ thời gian khó khăn trong “chiến tranh và thời bao cấp” khi nền kinh tế khó khăn và đời sống của mọi gia đình cũng hết sức khó khăn và thiếu thốn. Do đó “khi có điều kiện hơn một chút” họ muốn chi tiêu nhiều hơn, đặc biệt vào dịp Tết, “như cách để bù đắp lại.”
Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng thói quen này còn xuất phát từ thói “khoe khoang” của người Việt.
“Dường như ở Việt Nam vẫn có một tâm lý hay một văn hóa không hay là thích phô trương, thích khoe khoang nhiều quá. Thành ra ngay cả tâm lý mua sắm nhiều hay cái mua những cái mới vào dịp Tết cũng nằm trong một phần tâm lý khoe khoang đó dù không có điều kiện hoặc thậm chí vay mượn.”
Infonet trích lời một công nhân làm thuê ở Cà Mau nhưng quê ở Ninh Bình cho biết anh tích cóp lương tháng 4 triệu đồng trong cả năm nhưng vì “bệnh sĩ” nên Tết năm nào cũng phải sắm sửa cho thật tươm tất cho “xứng tầm” một người đi làm ăn xa trở về.
Một khảo sát gần đây của Decision Lab, có trụ sở ở TP HCM, cho biết gần 40% người được hỏi về cảm tưởng khi mua sắm Tết nói rằng đó là một sự lãng phí tiền bạc.
Bà Lan cho rằng việc chi tiêu quá nhiều và lãng phí vào dịp Tết không giúp ích cho nền kinh tế cũng như xã hội.
Theo Nhân Dân, trong bối cảnh kinh tế đất nước vẫn còn phải đối diện với nhiều thách thức, khó khăn cần tập trung nguồn lực để hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh thì sự lãng phí của một bộ phận xã hội sẽ có tác động tiêu cực đến sự phát triển chung, ảnh hưởng tới môi trường, làm gia tăng chênh lệch giàu nghèo, đe dọa an ninh lương thực.
Truyền thông Việt Nam đã có nhiều bài viết kêu gọi mọi người chi tiêu tiết kiệm trong dịp Tết cổ truyền trong khi lãnh đạo nhà nước tuyên bố cấm biếu xén quà cáp cấp trên trong dịp lễ Tết. Trong những năm gần đây cũng đã xuất hiện những lời kêu gọi nên bỏ Tết Nguyên Đán và gộp vào dịp Tết Tây từ một số chuyên gia vì họ cho rằng làm như vậy sẽ tránh được lãng phí.