Người dân Pháp phản ứng với bất cứ điều gì ảnh hưởng đến quyền lợi của họ trong khi việc tăng tuổi hưu là cần thiết để đảm bảo an sinh cho các thế hệ sau này khi mà dân số già đi, một người dân Pháp gốc Việt ở Paris nói với VOA.
Trong lúc này, các cuộc biểu tình phản đối cải cách hưu trí của chính phủ Tổng thống Emmanuel Macron ở Pháp đã bước sang tháng thứ ba nhưng số lượng người tham gia đã ít hơn nhiều và các cuộc đình công cũng đã suy giảm trong những tuần gần đây, hãng tin AFP cho hay.
Có lúc có đến 1,2 triệu người được ghi nhận xuống đường trên toàn nước Pháp như hôm 7/3, theo AFP. Ở các thành phố lớn, người biểu tình còn chặn lưu thông, đập phá và phóng hỏa. Ở nhiều nơi đã xảy ra đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình mà cảnh sát Pháp cáo buộc là ‘cực đoan cánh tả’.
‘Nghĩ cho thế hệ tương lai’
Chính phủ Pháp hôm 16/3 đã viện dẫn một điều khoản trong Hiến pháp cho phép chính phủ thông qua dự luật cải cách hưu trí mà không cần bỏ phiếu ở Quốc hội. Hành động này ngay lập tức đã châm ngòi cho các cuộc biểu tình đầy bạo lực.
Sau đó, chính phủ của Thủ tướng Elisabeth Borne đã vượt qua được hai cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội. Hiện giờ, đạo luật này chỉ còn chờ tiếng nói cuối cùng của Hội đồng Bảo hiến vào ngày 17/4 trước khi được ký thành luật.
Bà Trần Thị Kim Hoa, 65 tuổi, vốn làm công ăn lương cho một nhà thầu tư nhân của quân đội được 43 năm, nói với VOA rằng bà khác với nhiều người dân Pháp khác, bà ‘ủng hộ hoàn toàn cải cách hưu trí’ của chính quyền Macron.
Hiện giờ bà vẫn đang đi làm dù đã đến tuổi về hưu cách nay ba năm, vì bà thấy mình ‘vẫn còn khoẻ, minh mẫn và vẫn còn tham công tiếc việc’, bà nói với VOA từ Chaville, một vùng ngoại ô của Paris. Do đó, bà vừa lãnh lương hưu vừa lãnh lương đi làm.
“Nghỉ hưu đâu được lãnh 100% tiền lương của mình đâu. Thành ra có thiếu hụt nên nhiều người nghỉ hưu rồi vẫn muốn kiếm thêm việc làm để bù đắp,” bà Hoa giải thích.
Bà Hoa đến tuổi nghỉ hưu trước khi luật mới có hiệu lực nên được phép nghỉ hưu ở tuổi 62, còn những người dân Pháp khác hiện còn đi làm phải đợi đến 64 tuổi mới được nghỉ hưu theo luật mới. Và kể từ năm 2027 trở đi, người lao động phải làm việc đủ 43 năm mới được nhận đầy đủ lương hưu thay vì 42 năm như hiện nay.
Bà nói thậm chí nếu phải làm đến 67 tuổi mới được nghỉ hưu thì bà vẫn chấp nhận. “Tuổi thọ của con người ngày càng cao. Nếu hưu trí sớm quá thì thế hệ con cháu sau này phải làm lụng để nuôi những người nghỉ hưu sớm thì thiệt thòi cho thế hệ sau này,” bà Hoa trình bày.
‘Biểu tình sẽ lắng xuống’
“Người Pháp cái gì họ cũng la làng, cho dù điều luật bất lợi hay có lợi cho họ,” bà giải thích về các cuộc biểu tình phản đối ròng rã mấy tháng nay.
Theo lời bà thì riêng công việc nặng nề thì chính phủ có những quy định riêng biệt như cho nghỉ sớm hơn hay đền bù nhiều hơn.
Bà nói bà ‘ủng hộ hoàn toàn việc cải cách của ông Macron’. “Tất cả các chính phủ trước đều nhượng bộ người biểu tình một cách vô lối nên không cải cách được,” bà cho biết.
Sở dĩ ông Macron dám đương đầu thách thức và chấp nhận sự phẫn nộ của người dân như vậy ‘là vì ông còn trẻ, đã hiểu những khó khăn của người trẻ nên muốn làm tới cùng khác với các tổng thống lớn tuổi trước đây đều buông xuôi’.
“Dù tỷ lệ ủng hộ ông có xuống thấp kỷ lục như hiện nay nhưng nếu ông dám cải cách hưu bổng, điều mà không ai trước ông dám làm, thì tên tuổi của ông sẽ lưu vào sử sách,” người công nhân này khẳng định.
Về các cuộc biểu tình rung chuyển nước Pháp hiện nay, bà Hoa nói ‘chỉ là một phần nhỏ của tổng số người dân Pháp mà thôi’.
Bà chỉ ra lực lượng đứng đằng sau biểu tình là các đảng cánh tả cực đoan, các công đoàn quá khích trong đó có Đảng Cộng sản.
“Nếu họ xuống đường một cách ôn hòa thì dân chúng còn ủng hộ. Đằng này họ xuống đường đập phá để giành quyền lợi cá nhân thì không ai chấp nhận cả,” bà nói thêm và chỉ ra giờ đây phong trào biểu tình ‘đã im ắng nhiều rồi, chỉ còn khoảng vài chục ngàn người.
Giới chủ lúc trước họ còn nhượng bộ nhân viên, nhưng bây giờ họ đã cứng rắn hơn, bà Hoa chỉ ra. Công nhân nào xuống đường biểu tình thì cứ việc nhưng sẽ bị trừ lương, bà nói.
“Nhưng cho dù họ có biểu tình gì đi nữa thì luật một khi đã ra rồi thì họ phải tuân theo.”
Pháp nằm trong số các nước có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất trong khối châu Âu. Tuổi nghỉ hưu ở Ý là 63 và ở Đức là 64 còn ở Hà Lan là 66.
Một ủy ban chuyên gia của chính phủ Pháp dự báo chi trả lương hưu của Pháp sẽ tăng lên đến 14,7 GDP% vào năm 2032, so với mức 13.8% như hiện nay, kênh truyền hình DW của Đức cho biết.
Đài này dẫn lời kinh tế gia Jean-Marc Daniel, giáo sư danh dự tại trường kinh doanh ESCP ở Paris cho biết vào năm 1950, bốn người đi làm ở Pháp nuôi một người về hưu. Đến năm 2000, tỷ lệ này là 2/1. Cho đến năm 2040, chưa tới 1.3 người đi làm nuôi một người nhận lượng hưu. “Gánh nặng kinh tế đối với người đi làm là không thể chịu nổi,” giáo sư Daniel nói.