Gần một tuần nay, dư luận xã hội Việt Nam rúng động và có nhiều thảo luận về vụ nữ cư sĩ tại một ngôi chùa thu những khoản tiền lớn để “thỉnh vong”, “giải oán” cho những người đi chùa. Từ vụ việc do báo chí trong nước đưa ra ánh sáng, nhiều người đặt câu hỏi phải chăng có sự biến tướng, tha hóa tại những ngôi chủa thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Vụ bê bối được báo Lao Động đưa tin trước tiên vào ngày 20/3 trong một loạt phóng sự dài kỳ, và sau đó tiếp tục được tường thuật trên nhiều báo đài khác như Soha, Pháp Luật Việt Nam, VTV, VTC.
Các bài phóng sự viết rằng bà Phạm Thị Yến, nữ cư sĩ tại chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh, thường “rao giảng những chuyện hoang đường” cho rằng những tai họa mà nhiều người gánh chịu hiện này là do lối sống ở “tiền kiếp” và “các vong linh báo oán gây ra”.
Bất chấp nhiều điều phi lý trong các lời rao giảng của nữ cư sĩ 49 tuổi, vẫn có hàng chục ngàn người đến gặp bà Yến mỗi năm để “thỉnh vong”, “giải oán”, theo các bản tin. Bà Yến thu của mỗi người từ vài triệu cho đến hàng tỉ đồng để đổi lại việc bà “giúp” họ thoát khỏi những xui xẻo, bệnh tật, tin cho hay.
Qua tìm hiểu, VOA được biết việc làm của nữ cư sĩ Phạm Thị Yến nhận được sự đồng tình từ vị sư trụ trì chùa Ba Vàng, có pháp danh là Thích Trúc Thái Minh.
Theo các nguồn thông tin công khai, Đại đức Thích Trúc Thái Minh, 52 tuổi, trở thành trụ trì chùa Ba Vàng hồi năm 2007. Ông đã kêu gọi phật tử đóng góp cho việc xây dựng lại và mở rộng chùa gấp nhiều lần từ năm 2011. Sau đó 3 năm, chùa Ba Vàng từ một ngôi chùa gỗ nhỏ đã lập kỷ lục là “ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam (4.500 m2)”.
Trong đạo Phật không cho phép người ta làm cúng vong với cả cầu siêu ... Càng ngày mê tín dị đoan ở Việt Nam càng gây nên cho dân những cái mê muội, còn đối với Phật giáo thì làm uế tạp những người đang tu hành theo bát chính đạo.Nhà sư Huyền Không
Các bản tin trong nước nói vị hòa thượng Thái Minh từng phát biểu rằng "có vong linh, ma quỷ đi theo người, gây bệnh tật...". Trong khi đó, nhiều nhà tu hành khẳng định là thuyết "vong báo oán" không có trong giáo lý nhà Phật.
Nhà sư có pháp danh Huyền Không hiện tu tại một ngôi chùa ở Ba Vì, Hà Nội, nói với VOA:
“Trong đạo Phật không cho phép người ta làm cúng vong với cả cầu siêu. 20 năm trước tôi đã lên án việc này. Càng ngày mê tín dị đoan ở Việt Nam càng gây nên cho dân những cái mê muội, còn đối với Phật giáo thì làm uế tạp những người đang tu hành theo bát chính đạo”.
VOA quan sát thấy nhiều người Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội họ rằng “bàng hoàng”, “phẫn nộ” về những gì diễn ra tại chủa Ba Vàng. Báo chí trong nước nói hoạt động của bà Phạm Thị Yến mang lại “nguồn thu cả trăm tỉ đồng” cho ngôi chùa.
Viết trên trang cá nhân, nhà báo Hoàng Hải Vân gọi sự việc ở chùa Ba Vàng là “sự biến dị trơ tráo của tình trạng buôn tăng bán phật” không chỉ có ở riêng ngôi chùa đó mà theo ông còn “đang diễn ra khắp nơi”.
Facebooker có hơn 92.000 người theo dõi này đặt ra các câu hỏi “Cơ quan nào cấp phép xây chùa? Ai bảo kê cho các hoạt động lừa đảo phi pháp của ngôi chùa này?” và nhấn mạnh “Đó là các câu hỏi cần được các cơ quan bảo vệ pháp luật trả lời, nếu các cơ quan này muốn bảo vệ sự minh bạch của luật pháp, của chính sách tôn giáo và bảo vệ đồng bào Phật tử”.
Trong khi đó, một nhà báo kỳ cựu khác, ông Chu Vĩnh Hải, nêu quan điểm cá nhân rằng sự việc tại chùa Ba Vàng nói riêng, và ở nhiều chùa chiền khác trên đất nước Việt Nam nói chung, có nguyên nhân từ việc chính quyền “chính trị hóa” Phật giáo.
“Phương châm Đạo Pháp-Dân Tộc-Chủ Nghĩa Xã Hội của Phật giáo là nguồn cơn của sự tha hóa và biến tướng trong Phật giáo”, ông Hải viết trên trang Facebook cá nhân.
Lâu nay, có những thông tin truyền miệng cho rằng nhiều nhà sư là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, sĩ quan quân đội hoặc sĩ quan công an.
Những người tu họ chỉ tu theo Phật chứ không dính đến những chuyện chính trị hoặc những cái kinh tế đi theo. Nếu mà tu còn mang màu sắc chính trị, hoặc cho một đảng phái nào thì đấy là những người tu giả.Nhà sư Huyền Không
VOA không có điều kiện để kiểm chứng các thông tin đó một cách độc lập. Tuy nhiên, hồi tháng 3/2018, khi Hòa thượng Thích Thanh Sam viên tịch, báo Nhân Dân của đảng đăng tiểu sử của vị hòa thượng có đoạn cho hay ông có huy hiệu 50 năm tuổi đảng.
Nhà báo Chu Vĩnh Hải điểm lại lịch sử rằng trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam trước năm 1975, “những người cộng sản đã tiến hành lôi kéo Phật giáo miền Nam đứng về phe mình, và họ phần nào đã thành công”. Tiếp đến, ông Hải nhận định là “giờ đây chính quyền Hà Nội đang thành công trong việc thao túng Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.
Ông Hải nêu quan điểm rằng một khi bị thao túng như vậy, “sự tha hóa, biến tướng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam diễn ra là điều tất yếu”. Và theo nhà báo kỳ cựu này, sự tha hóa, biến tướng đó “sẽ không bao giờ dừng lại”.
Các bài viết, quan điểm do ông Hoàng Hải Vân và Chu Vĩnh Hải đưa ra được hàng trăm người khác chia sẻ tiếp thông qua mạng xã hội, với hàng nghìn phản ứng “yêu, thích”.
Bình luận về mối liên quan giữa hoạt động chính trị và nhà tu hành Phật giáo, nhà sư Huyền Không nói với VOA:
“Những người tu họ chỉ tu theo Phật chứ không dính đến những chuyện chính trị hoặc những cái kinh tế đi theo. Nếu mà tu còn mang màu sắc chính trị, hoặc cho một đảng phái nào thì đấy là những người tu giả. Phải đi theo Phật là Phật của đại chúng, chứ không phải là Phật của một đất nước nào hết”.
Nhà sư nói thêm rằng “Phật ở trong tâm” và những người xây chùa to “chỉ làm tổn phước của những phật tử”.
Trước những bài báo và ý kiến ồn ào của dư luận về vụ bê bối ở chùa Ba Vàng, tại một buổi họp báo hôm 25/3, trung tướng Lương Tam Quang, người phát ngôn của Bộ Công an cho biết chính quyền tỉnh Quảng Ninh, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, và Ban Tôn giáo Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra về vụ việc. Trung tướng Quang nói thêm rằng “trong quá trình kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ xử lý theo đúng quy định”.
Việt Nam có chưa đến 10% dân số là Phật tử, theo cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009. Tuy nhiên, cũng có một số ước tính khác cho rằng khoảng 45-50 triệu người ở Việt Nam “có tín ngưỡng Phật giáo”.