Đúng như thông tin rò rỉ từ vài tháng trước đây, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được bầu chọn làm chủ tịch nước, chức vụ mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng kiêm nhiệm trước đó, trong một cuộc bỏ phiếu kín hôm 5/4.
Ông Phúc, 67 tuổi, là thủ tướng Việt Nam trong 5 năm qua, một giai đoạn mà quốc tế đánh giá là thời kỳ bùng nổ của nền kinh tế tại quốc gia Đông Nam Á, trong đó chính phủ – dưới sự dẫn dắt của ông – đã giành được nhiều lời khen ngợi vì thành tích chống đại dịch COVID-19 giúp quốc gia có được tăng trưởng dương trong khi thế giới hầu hết rơi vào khủng hoảng.
Trong cuộc bỏ phiếu kín tại một phiên họp của kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá 14 hôm 5/4, ông Phúc nhận được tỷ lệ tán thành 97,5% của các đại biểu của quốc hội Việt Nam, thường bị truyền thông quốc tế gọi là “nghị gật” – ám chỉ việc bầu chọn theo chỉ đạo của Đảng.
Ông Phúc, cùng ông Phạm Minh Chính và Vương Đình Huệ, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – người được bầu chọn tiếp tục lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3 liên tiếp chưa có tiền lệ tại Đại hội 13 vừa qua – và Bộ Chính trị giới thiệu ứng cử lần lượt chức chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ và chủ tịch quốc hội. Trước khi Đại hội Đảng 13 khai mạc hồi cuối tháng 1, các chức danh trong ‘tứ trụ’ đều đã được rò rỉ ra công chúng cùng nhận định của các chuyên gia quan sát chính trường Việt Nam.
Quốc hội hôm 2/4 đã miễn nhiệm Chủ tịch nước với Tổng bí thư Trọng – người được bầu chọn kiêm nhiệm chức này sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời hồi tháng 9/2018.
Tại Đại hội 13, ông Phúc và ông Trọng, 77 tuổi, là hai trường hợp ngoại lệ quá giới hạn tuổi theo quy định là 65 để tái cử vào Bộ Chính trị.
Với việc được bầu chọn vào ghế chủ tịch nước, một chức danh được cho là mang tính lễ nghi và biểu tượng nhiều hơn các chức danh khác trong ‘tứ trụ’, ông Phúc trở thành thủ tướng đầu tiên được Quốc hội bầu giữ chức chủ tịch nước tính từ năm 1945.
Trong lời tuyên thệ đọc khi nhậm chức ngay sau khi được bầu chọn hôm 5/4, ông Phúc nói: “Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước, tôi - Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ra sức công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.”
Ông Phúc, xuất thân từ Quảng Nam, từng là chủ tịch UBND tỉnh này trước khi kinh qua các chức vụ cao hơn tại chính phủ – bao gồm phó tổng thanh tra Chính phủ, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, phó Thủ tướng và Thủ tướng, theo tóm tắt tiểu sử về ông Phúc mà VOV đăng tải.
Theo nhận định của ĐBQH Dương Trung Quốc được VnExpress trích dẫn, ông Phúc, qua hai nhiệm kỳ làm phó thủ tướng và thủ tướng chính phủ, sẽ có nhiều thuận lợi khi đảm nhiệm cương vị thay mặt cho Nhà nước về đối nội và đối ngoại. Bên cạnh việc ca ngợi thành công nổi bật của Việt Nam về đối ngoại trong nhiệm kỳ của ông Phúc, ông Quốc còn bày tỏ hy vọng rằng ông Phúc sẽ “thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” để “xoá đi cách hiểu có thể chưa hoàn toàn đúng trong nhiều người dân là Chủ tịch nước ở vị trí rất cao nhưng các hoạt động còn mang tính biểu tượng, lễ nghi.”
Trong khi đó ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng kiến nghị tân Chủ tịch nước trong thẩm quyền của mình “quan tâm đến việc tăng ngân sách cho hoạt động tư pháp, thêm biên chế vì số lượng án đang tăng rất nhanh,” theo VnExpress. Cùng ý kiến đó, ông Quốc nói trọng trách của Chủ tịch nước không chỉ ở các vấn đề lớn của quốc gia mà còn ở quyết định sự sống chết của phạm nhân xin ân giảm án tử hình.
Tiến sỹ Mạc Văn Trang, một người thường có các bài viết phản biện trên mạng xã hội, hôm 5/4 đưa ra một bức thư ngỏ gửi tân Chủ tịch nước qua trang Facebook cá nhân, trong đó đề nghị ông Phúc “hãy dùng quyền lực của mình sửa sai vụ án Hồ Duy Hải và vụ án Đồng Tâm” vì ông cho rằng hai vụ án đó “trái pháp luật, trái đạo lý, lòng dân rất bức xúc.”
Ông Phúc từng nói trong một buổi tiếp xúc cử tri ở Hải Phòng rằng vụ án Đồng Tâm “là do chính quyền giải quyết sai quy định của pháp luật." Trong vụ án này, thủ lĩnh tinh thần làng Đồng Tâm, ông Lê Đình Kình bị giết hại trong khi 3 công an thiệt mạng, và 29 người dân làng bị kết án với 2 bản án tử hình. Còn trong vụ án Hồ Duy Hải, tử tù luôn kêu oan này từng được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh dừng thi hành án tử hình nhưng một hội đồng xét xử giám đốc thẩm vụ án hồi tháng 5 năm ngoái đã giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Sau khi tuyên thệ nhậm chức hôm 5/4, ông Phúc nói ông thấy “may mắn và vinh dự” được giữ trọng trách chủ tịch nước, mà theo thứ tự trong danh sách giữ chức vụ tối cao thì chỉ đứng sau Tổng bí thư Trọng.
Cũng trong ngày 5/4, ông Chính nhậm chức thủ tướng chính phủ mà trước đó do ông Phúc đảm nhiệm. Ông Chính được 462 trong tổng số 466 phiếu bầu cũng trong một cuộc bỏ phiếu kín trong ngày hôm đó.
Tuần trước, một vị trí khác trong ‘tứ trụ’ của Việt Nam đã được bầu chọn khi ông Huệ, trước đó là phó thủ tướng, nhậm chức chủ tịch Quốc hội thay bà Nguyễn Thị Kim Ngân, người giữ chức vụ này trong nhiệm kỳ 2016-2021.