Bộ trưởng Công an Tô Lâm vào sáng ngày 22/5 đã tuyên thệ để trở thành Chủ tịch nước mới của Việt Nam trong một buổi lễ tại Quốc hội có sự tham dự của đầy đủ các lãnh đạo hàng đầu của Việt Nam nhưng lại vắng mặt Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Lâm đã được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước với số phiếu gần như tuyệt đối là 472/473 đại biểu có mặt tán thành bằng hình thức bỏ phiếu kín, tờ Tuổi Trẻ và Công an Nhân dân cho biết.
Tân Chủ tịch nước Tô Lâm đã đặt tay lên Hiến pháp tuyên thệ ‘tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó’.
Sau lễ tuyên thệ và diễn văn nhậm chức của Tô Lâm, tân Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Thủ tướng Phạm Minh Chính, tân Thường trực Ban bí thư Lương Cường và phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được nhìn thấy tặng hoa chúc mừng ông Tô Lâm.
Đáng chú ý, buổi lễ nhậm chức của ông Tô Lâm không có sự hiện diện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, vốn theo thông lệ của Đảng phải có mặt, và cũng không có sự hiện diện của cựu Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng để chúc mừng người kế nhiệm.
Sau khi bầu ông Lâm làm nguyên thủ, Quốc hội sẽ xúc tiến quy trình miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an cũng trong buổi sáng ngày 22/5.
Trước đó, trong phiên họp vào chiều ngày 21/5, Quốc hội đã phải thêm vào nội dung miễn nhiệm bộ trưởng công an đối với ông Lâm sau khi bị dư luận phản ứng về việc ông Lâm sẽ lên làm chủ tịch nước nhưng vẫn nắm quyền ở Bộ Công an và sau khi 'có ý kiến của cấp có thẩm quyền và đề nghị của Thủ tướng Phạm Minh Chính', Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, được Tuổi Trẻ dẫn lời cho biết.
Với việc ông Lâm lên chức, cái ghế bộ trưởng Công an hiện đang bỏ trống và hiện vẫn chưa rõ ai sẽ là người lên thay ông Lâm. Bộ Công an dưới quyền ông Tô Lâm đã mở các cuộc điều tra vào các tập đoàn mà sau đó dẫn đến sự từ chức liên tiếp của các ông Võ Văn Thưởng, người mà ông Lâm lên thay, và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Khác vị vị trí đứng đầu Bộ Công an đầy quyền lực nắm quyền một bộ máy an ninh rộng khắp của Đảng, chức Chủ tịch nước dù là một trong ‘tứ trụ triều đình’ ở Việt Nam nhưng chủ yếu chỉ mang tính nghi lễ.
Ông Lâm, năm nay 67 tuổi, sẽ phục vụ cho hết nhiệm kỳ chủ tịch nước còn lại cho đến năm 2026, một nhiệm kỳ chỉ có 5 năm mà cho đến nay đã có đến ba chủ tịch nước lần lượt là Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và giờ là ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê quán Hưng Yên, được cho là có bằng Tiến sỹ Luật và bằng Cử nhân An ninh. Cả sự nghiệp chính trị của ông cho đến nay là ở Bộ Công an. Ông trở thành Bộ trưởng Công an từ năm 2016 và được Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phong hàm Đại tướng hồi năm 2019.
Với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được dự đoán sẽ về hưu tại Đại hội Đảng lần thứ 14 vào năm 2026, ông Tô Lâm và Thủ tướng Phạm Minh Chính là hai Ủy viên Bộ Chính trị đã phục vụ qua hai khóa và được cho là ứng cử viên tiềm năng để thay thế ông Trọng để trở thành người lãnh đạo tối cao của Việt Nam.
Sau các cuộc điều tra của Bộ Công an của ông Tô Lâm khiến cho các ông Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ bị mất chức, Giáo sư Abuza Zachary, chuyên nghiên cứu chính trị Việt Nam tại Đại học Quốc phòng Mỹ ở thủ đô Washington, từng nhận định với VOA rằng ông Tô Lâm ‘đã vũ khí hóa chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa các đối thủ chính trị của mình’ và trong công cuộc đốt lò ở Việt Nam, ông Tô Lâm ‘là người chiến thắng’.
Your browser doesn’t support HTML5