Tấn công bằng lựu đạn giữa ban ngày trong thủ đô Bangkok

Cảnh sát Thái Lan kiểm tra nơi xảy ra vụ nổ gần khu trại của người biểu tình chống chính phủ tại tượng đài Chiến thắng trong trung tâm thủ đô Bangkok, 19/1/2014.

Tại Thái Lan một vụ tấn công bằng lựu đạn giữa ban ngày nhắm vào một địa điểm biểu tình chống chính phủ làm mấy chục người bị thương, đã cho thấy tình trạng leo thang bạo động giữa lúc căng thẳng chính trị gia tăng. Thông tín viên đài VOA Ron Corben tường thuật từ Bankok rằng vụ tấn công đẫm máu khiến các chỉ huy quân đội cao cấp kêu gọi mở các cuộc thương thảo trong bối cảnh có nhiều e ngại các nhóm võ trang sẽ còn mở thêm các cuộc tấn công.

Vụ tấn công hôm Chủ nhật xảy ra tại một địa điểm biểu tình chống chính phủ trong trung tâm thủ đô Bangkok vào buổi trưa. Sáu người đàn ông đã ném lựu đạn làm bị thương ít nhất 28 người; những người bị thương được đưa đến các bệnh viện gần đó.

Vụ bạo động này xảy ra tiếp theo sau một vụ tấn công hôm thứ Sáu nhắm vào đoàn người tuần hành, dẫn đầu bởi ông Suthep Thaugsuban, người lãnh đạo cuộc biểu tình, làm 3 người bị thương. Một người đàn ông đã qua đời sau đó trong bệnh viện vì các vết thương.

Ông Panitan Wattanayagorn, nhà khoa học chính trị và cũng là một phân tích gia về an ninh thuộc Đại học Chulalongkorn, nói rằng các vụ tấn công phản ánh tình hình căng thẳng tăng cao sau hơn 2 tháng các vụ biểu tình chống chính phủ diễn ra. Ông nhận định:

“Tình hình càng lúc càng căng thẳng. Đây là lần thứ nhì, tôi nghĩ, tấn công xảy ra giữa ban ngày và quý vị thấy một số tin tức nói rằng trong 6 nghi can người ta có thể nhận dạng ít nhất 2 người – có nhiều nhân chứng vì vậy cảnh sát cần làm việc rất nhanh chóng trong vụ này.”

Ông Panitan nói rằng vụ tấn công cho thấy các nỗ lực của các nhóm cứng rằn đe dọa người biểu tình phản đối tại các cuộc tập hợp phần lớn diễn ra trong ôn hòa. Các nguồn tin tình báo nói rằng quân đội và cảnh sát Thái Lan đang truy tìm mấy trăm người đàn ông có khả năng mở các cuộc tấn công.

Hôm Chủ nhật, tư lệnh tối cao quân đội Thái Lan, Tướng Tanasak Patimapragon, yêu cầu cả 2 phía mở đàm phán nhằm ngăn chận bạo động leo thang thêm nữa.

Vụ tấn công mới nhất xảy ra gần một tuần sau khi ông Suthep và Ủy ban Cải cách Dân Chủ Nhân dân, PDRC, của ông phát động chiến dịch “Đóng cửa” Bangkok và gây thêm áp lực để Thủ tướng Yinluck Shinawatra từ chức và hoãn cuộc bầu cử được ấn định vào ngày 2 tháng 2.

Ủy ban này tố cáo chính phủ của bà Yingluck nằm dưới sự kiểm soát của anh bà là cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Tối thứ Bảy, tại các địa điểm biểu tình, hàng ngàn người quy tụ cầu nguyện cho người đàn ông 46 tuổi chết sau vụ tấn công bằng lựu đạn hôm thứ Sáu. Tuy nhiên, người biểu tình dường như càng can trường.

Ông Preechapol Sereeviriyakul, một thương gia, nói rằng mặc dù lo ngại, chiến dịch chống chính phủ nên tiếp tục dấn bước:

“Tôi cảm thấy buồn về cái chết đó nhưng chúng ta cần đấu tranh với tham nhũng và chính phủ, chúng ta cần loại trừ gia đình Shinawatra đầy quyền lực ở Thái Lan vì có nhiều dự án bất lợi cho Thái Lan.”

Ông Thaksin bị lật đổ trong một vụ đảo chính năm 2006, và đã sống lưu vong từ năm 2008 để tránh một án tù vì tội tham nhũng. Các cuộc biểu tình hiện này đã bắt đầu sau khi đảng cầm quyền Pheu Thai đưa một dự luật ân xá tập thể ra quốc hội hồi tháng 10, được xem như thiên vị anh của bà Yingluck. Dự luật này sau đó đã bị Thượng viện bác bỏ.

Thái Lan chìm đắm trong bạo động chính trị từ 8 năm nay, phần lớn là giữa phe ủng hộ và phe chống ông Thaksin. Ông Thaksin được sự ủng hộ rộng rãi của khu vực nông thôn nghèo và giai cấp công nhân thành thị, với cơ sở bầu cử được hậu thuẫn bởi phong trào Áo Đỏ.

Những người phe Áo Đỏ đã mở các cuộc biểu tình hồi năm 2010 trong trung tâm thủ đô Bangkok chống lại chính phủ do Đảng Dân Chủ lãnh đạo. Nhiều vụ đung độ xảy ra và một cuộc trấn áp của quân đội sau 2 tháng biểu tình diễn ra đã dẫn đến cái chết của trên 90 người, phần lớn là thường dân, và hàng trăm người bị thương.

Lần này quân đội Thái Lan không muốn can thiệp, e rằng sẽ xảy ra đổ máu thêm nữa.