Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cảnh báo chớ có tách rời khỏi Trung Quốc khi phát biểu tại Diễn đàn Vành đai và Con đường ở Bắc Kinh hôm thứ Tư 18/10, ông chỉ trích những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm sự lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc.
Ông Tập cũng ca ngợi đại kế hoạch của mình - Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) - được đưa ra cách đây 10 năm nhằm xây dựng mạng lưới năng lượng và cơ sở hạ tầng toàn cầu kết nối châu Á với châu Phi và châu Âu thông qua các tuyến đường bộ và đường biển, ông nói rằng "các bản thiết kế đã biến thành các công trình thực tế".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói với các phóng viên rằng các hợp đồng kinh doanh trị giá 97,2 tỷ đô la đã được ký kết tại diễn đàn, bế mạc hôm 18/10.
Đại diện của hơn 130 quốc gia, phần lớn từ nhóm nước được gọi là Phương Nam Toàn cầu, đã dự diễn đàn, trong đó có một số nguyên thủ quốc gia, kể cả ông Võ Văn Thưởng của Việt Nam. Nổi bật nhất trong số họ là “người bạn thân thiết” của ông Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin.
“Chúng tôi phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương, cưỡng ép kinh tế, tách rời và gián đoạn chuỗi cung ứng”, ông Tập phát biểu trước 1.000 đại biểu tập trung trong hội trường được trang trí công phu ở Đại lễ đường Nhân dân phía tây Quảng trường Thiên An Môn.
Ông Tập phản đối những nỗ lực của phương Tây nhằm giảm lệ thuộc vào nền kinh tế Trung Quốc, ông nói rằng “cuộc sống của chúng ta sẽ không tốt hơn và sự phát triển của chúng ta sẽ không nhanh hơn nếu chúng ta coi sự phát triển của các nước khác là mối đe dọa và sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế là một rủi ro”.
Các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh rằng mục tiêu của họ là "giảm thiểu rủi ro" chứ không phải "tách rời" khỏi Trung Quốc, đồng thời nói rằng họ muốn đa dạng hóa chuỗi cung ứng vốn đã trở nên phụ thuộc quá mức vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Những lời đe dọa của Trung Quốc đối với Đài Loan và tình trạng gián đoạn thương mại trong những năm đại dịch đã làm các nước phương Tây càng thêm mong muốn hạn chế sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Giới phân tích cho rằng mối hoài nghi của phương Tây về các đại kế hoạch của ông Tập bắt nguồn từ những nghi ngờ về cách thức mà chương trình này sẽ mở rộng tầm ảnh hưởng toàn cầu của Trung Quốc.
Giới phân tích cũng nói rằng một số khoản cho vay về cơ sở hạ tầng của Trung Quốc thông qua chương trình này đã khiến các nước nghèo phải chịu hậu quả từ những khoản vay mà họ không thể trả được.
Ông Tập đang điều chỉnh để Vành đai và Con đường có quy mô nhỏ hơn và tốt với môi trường hơn, chuyển từ các dự án tốn kém như xây đập sang các dự án công nghệ cao như nền tảng tài chính kỹ thuật số và thương mại điện tử.
Theo giới phân tích, mục đích là nhằm góp phần thúc đẩy trên bình diện rộng cho một trật tự thế giới đa cực và mang lại cho Phương Nam Toàn cầu thêm sự lựa chọn, thay vì một trật tự do Washington và các đồng minh thống trị.
Giới phân tích nhận xét rằng BRI cũng tập trung hơn vào các vấn đề như biến đổi khí hậu và trí tuệ nhân tạo, khi ông Tập tìm cách sử dụng BRI để xuất khẩu các ý tưởng của Trung Quốc về quản trị và xây dựng sự đồng thuận xung quanh các chuẩn mực cũng như mô hình phát triển của nước này.
Hôm 18/10, ông Tập đã củng cố những xu hướng đó, cam kết “tăng cường hợp tác về cơ sở hạ tầng xanh, năng lượng và giao thông” và “đưa ra sáng kiến toàn cầu về quản trị trí tuệ nhân tạo”.
Sau bài phát biểu của ông Tập, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ thúc đẩy việc thành lập một cơ quan của Liên Hiệp Quốc để quản lý AI, đồng thời nói thêm rằng Bắc Kinh phản đối “sự cản trở ác ý” đối với sự phát triển AI của các nước khác, có lẽ ám chỉ nỗ lực của chính quyền Biden nhằm ngăn chặn xuất khẩu công nghệ chip AI tiên tiến sang Trung Quốc.