Chủ tịch Tập Cận Bình nói rằng chuyến công du Việt Nam vừa rồi là “đỉnh cao thành công của nỗ lực ngoại giao” của Bắc Kinh trong năm 2023 và “ấn tượng” trước lời ca tụng “tình anh em” của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng.
“Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam là đỉnh cao thành công của những nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc trong năm nay và có tầm quan trọng to lớn”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói hôm 13/12 khi kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước hai ngày tới Việt Nam, theo truyền thông Trung Quốc.
Cổng thông tin Chính phủ Trung Quốc (State Council) hôm 14/12 dẫn lời ông Tập nói rằng trong chuyến thăm này, ông và Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tuyên bố xây dựng cộng đồng cùng chia sẻ tương lai Trung Quốc - Việt Nam với ý nghĩa chiến lược.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng định vị mới này đã đưa quan hệ Trung Quốc - Việt Nam đến “một điểm khởi đầu lịch sử mới và sẽ đẩy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam lên một tầm cao mới”.
Ông Tập nói rằng điều làm ông ấn tượng nhất là việc ông Trọng nhấn mạnh nhiều lần rằng mối quan hệ “tình hữu nghị và tình anh em” giữa Trung Quốc và Việt Nam là điểm khởi đầu và nền tảng của mối quan hệ Trung Quốc - Việt Nam.
Tương tự, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, người tháp tùng ông Tập trong chuyến đi này, nói rằng chuyến thăm “đã đạt được thành công to lớn, có ý nghĩa lịch sử quan trọng, trở thành cột mốc mới trong quan hệ hai đảng, hai nước Trung Quốc - Việt Nam”, đài CRI cho biết hôm 14/12, một ngày sau chuyến thăm Hà Nội của phái đoàn ông Tập.
Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng ca ngợi chuyến thăm của ông Tập, nói chuyến thăm này “góp phần quan trọng vào phát huy tình hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc; nâng tầm quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong thời kỳ mới, thúc đẩy hoà bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới”.
Các nhà bình luận nói rằng về mặt từ ngữ, định vị “cộng đồng chia sẻ tương lai” giữa hai nước được thiết lập hôm 12/12 “dễ chấp nhận hơn” so với định vị “cộng đồng chung vận mệnh” mà ông Tập đề xuất trước đó, mặc dù về bản chất trên thực tế hai định vị này khó có thể cho thấy sự khác biệt.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhà báo độc lập Hoàng Thụy Hưng, người thường bày tỏ phản đối sự bá quyền và tranh giành lãnh hải của Trung Quốc ở Biển Đông, nêu nhận định với VOA:
“Không biết vì lý do gì mà được chỉnh thành “cộng đồng chia sẻ tương lai” giữa Trung Quốc và Việt Nam, nghe có vẻ dễ chấp nhận hơn. Đúng là hai nước liền biên giới với nhau và có rất nhiều quan hệ mật thiết từ văn hóa cho đến kinh tế, chưa nói đến chế độ chính trị. Việt Nam không thể và không bao giờ có thể thoát ly được khỏi quan hệ gắn bó như thế.
“Chế độ chính trị có thể thay đổi, chứ không bất biến, nhưng văn hóa, kinh tế, xã hội giữa hai nước chắc chắn là luôn luôn sẽ chia sẻ với nhau, trong lịch sử cũng như trong tương lai”.
Ông Nguyễn Khắc Giang, một học giả thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, nêu nhận định với AP hôm 13/12 rằng sự nhượng bộ khoa trương từ Hà Nội “không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc dẫn đầu, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt là sau khi nâng cấp với Hoa Kỳ và Nhật Bản gần đây”.
Giới học giả và các nhà quan sát phương Tây nói rằng chuyến thăm của ông Tập đến Việt Nam là nhằm thắt chặt hơn nữa với Hà Nội sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 9, và chuyến thăm Nhật vào tháng trước của Chủ tịch Võ Văn Thưởng, nâng Mỹ, Nhật ngang tầm với Trung Quốc.
Mặc dù tránh không đề cập trực tiếp đến Washington trong các bài phát biểu tại Việt Nam, nhưng ông Tập Cận Bình hôm 13/12 kêu gọi Hà Nội cùng Bắc Kinh hãy ngăn chặn “các thế lực bên ngoài muốn gây rối ở châu Á-Thái Bình Dương”, ám chỉ Hoa Kỳ.
Trong tuyên bố chung hôm 13/12, Trung Quốc và Việt Nam nhất trí nâng quan hệ lên một giai đoạn mới với “sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị lớn hơn, hợp tác an ninh thực chất hơn, nền tảng xã hội vững chắc hơn, phối hợp đa phương chặt chẽ hơn và quản lý tốt hơn các khác biệt”.
Hai bên cũng nói sẽ tăng cường hợp tác an ninh và chia sẻ thông tin tình báo, chú ý đến những rủi ro của cái gọi là “cách mạng màu” do “các thế lực thù địch, phản động” gây ra. Về “những bất đồng trên biển”, hai nước cho biết sẽ “tích cực tìm kiếm các biện pháp giải quyết cơ bản, lâu dài mà hai bên có thể chấp nhận được”.