Các hoàng đế Trung Hoa thường lo không biết mình sẽ được lịch sử ghi tên như thế nào. Cái tật này do ông cụ Khổng gây ra. Khổng Tử viết bộ Xuân Thu với chủ ý khen chê những vua, quan trước và trong thời ông sống. Cuốn sách sau được dùng để dạy học hơn hai ngàn năm. Mao Trạch Đông luôn luôn mang bên mình bộ “Nhị thập tứ Sử” (Sử 24 Triều đại). Ông nghĩ đã có công thống nhất Trung Quốc (như Tần Thủy Hoàng) và khai sáng một thời đại huy hoàng (như Hán Vũ Đế). Trong bài thơ mang tựa đề “Tuyết” Mao đã nhắc đến “Tần Hoàng, Hán Vũ,” nhưng chê cả hai đều “thiếu vẻ văn hoa,” ngầm nói họ còn thua mình. Giờ đến lượt Tập Cận Bình.
Trong mấy tháng vừa qua, nhật báo Nhân Dân (ở Bắc Kinh) và Tân Hoa Xã đăng rất nhiều bài ca ngợi Tập Cận Bình như một “chính khách, nhà lý luận và chiến lược gia mác xít” xứng đáng lãnh đạo Trung Quốc và thế giới! Họ đã chuẩn bị cho cuộc họp Trung Ương Đảng tuần trước, tấn phong Tập Cận Bình lên ngôi “đại đế” bằng một “nghị quyết lịch sử.”
Tập Cận Bình đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng đề nắm độc quyền cai trị trong tương lai, không giới hạn. Sau khi Tập lên ngôi năm 2012, đảng Cộng sản Trung Quốc đã sửa cương lĩnh, thay đổi hiến pháp để người cầm đầu đảng và đứng đầu cả nước có thể được tái cử không giới hạn. Donald Trump và Joe Biden đều có thể bị thất cử; Tập Cận Bình muốn được như Vladimir Putin, đã cầm quyền 21 năm mặc cho dân phản đối.
Trong 100 năm, đảng Cộng sản Trung Quốc mới hai lần biểu quyết các “nghị quyết lịch sử.” Lần đầu, năm 1945, Mao Trạch Đông nhắm lên án các lãnh tụ cộng sản trước mình đi lạc đường, tự tôn vinh rồi nắm độc quyền lãnh đạo cho đến chết. Năm 1981, Đặng Tiểu Bình dùng hai phần ba một bản “nghị quyết lịch sử” để công kích cuộc “Cách Mạng Văn Hóa” của Mao. Năm 2021, Tập Cận Bình không bài xích ai mà dành phần lớn bản nghị quyết lịch sử mới để kể các thành tích của chính mình; củng cố địa vị “lãnh tụ hạch tâm” lèo lái con thuyền Trung Quốc mãi mãi.
Bản “nghị quyết lịch sử” mới được công bố ngày Thứ Hai tuần này, viết tên Mao Trạch Đông 18 lần, chứng tỏ Tập Cận Bình vẫn muốn thừa kế Mao. Tên Đặng Tiểu Bình chỉ được nhắc đến 6 lần. Bản văn đả kích những Lâm Bưu và Giang Thanh và vẫn coi Cách Mạng Văn Hóa là một “lầm lẫn lý thuyết và thực tế,” như đã Đặng kết tội Mao năm 1981. Nhưng Đặng Tiểu Bình còn chỉ trích nạn “sùng bái cá nhân” dưới triều đại Mao, thì không thấy nói. Chính Tập Cận Bình cũng đang chơi trò tự “sùng bái.”
Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào chỉ được nêu tên mỗi người một lần, nhưng bị gián tiếp chỉ trích. Hai người tiền nhiệm đã thả lỏng cho tham nhũng hoành hành; giảm bớt vòng kiềm tỏa xã hội; và không kiểm soát các tập đoàn tư bản cũng như dư luận trên mạng internet để cho chúng ngoi lên quá mạnh. Tập Cận Bình xuất hiện để cứu Đảng!
Vụ Thiên An Môn năm 1989 được nêu ra nhưng không nhắc đến cuộc tàn sát hàng ngàn công nhân và sinh viên, mà đổ tội các thế lực chống cộng ở trong và ngoài nước gây ra. Bản “nghị quyết lịch sử” so sánh thể chế chính trị độc tài và dân chủ, nhấn mạnh Trung Quốc phải “ngăn chặn những ảnh hưởng tai hại của tư tưởng chính trị Phương Tây” như phân chia ba quyền Hành pháp, Lập pháp và Tư pháp; kết luận rằng “Phương Đông đang lên, Phương Tây đang xuống!” Đó là một ý kiến được Tập Cận Bình hô hào lâu nay!
Nói Trung Cộng đang lên có đúng sự thật không?
Về ngoại giao, các nước lớn đang liên kết với nhau để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh. Các nước nhỏ trên thế giới, từ châu Phi đến hâu Mỹ La Tinh, bắt đầu thất vọng về các món tiền Trung Cộng cho vay, lo có ngày sẽ bị ép phá sản. Quân lực Trung Cộng lớn mạnh rất nhanh nhưng cũng chỉ xưng hùng xưng bá ở một góc của Á châu và Thái Bình Dương. Bên trong Hoa Lục, kinh tế bắt đầu giảm bớt tốc độ tăng trưởng, không phải chỉ vì bệnh dịch Covid-19 mà còn vì sức phát triển đã đụng tới giới hạn.
Khi kinh tế Trung Cộng tiến lên đến hàng lớn thứ nhì, sau kinh tế Mỹ, thì cũng xuất hiện các vấn đề mà các nước tiểu bang Tây phương đã trải qua: Phát triển chậm lại, lợi tức bình quân không tăng, những người nghèo nhất càng bị bỏ rớt lại. Kinh tế tăng trưởng gây chênh lệch giàu nghèo: Người giàu tiếp tục giàu hơn còn người nghèo cứ nghèo mãi mãi. Các nước Tây phương phát triển một nửa thế kỷ hay trăm năm mới thấy hiện tượng này. Ở Trung Quốc, chỉ mới 30 năm đã thành trầm trọng.
Năm ngoái, Trung Quốc có hơn 1,000 tỷ phú đô la, chiếm một nửa thế giới, theo Hurun Report, một công ty nghiên cứu ở Thượng Hải. Ông Tập Cận Bình có thể hãnh diện đem khoe con số này. Nhưng, cùng lúc đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường công nhận có 40% dân lục địa sống mỗi tháng với số tiền tương đương $140 mỹ kim hay thấp hơn. Theo Ngân hàng Thế giới thì vào năm 2020 mỗi người dân quê Trung Quốc cần lợi tức $180 đô la mới đủ sống– 40% dân Trung Quốc tức là 560 triệu người.
Hai lớp người ở Trung Quốc, lớp trên thuộc 10% lợi tức cao nhất và lớp dưới, gồm 50% kiếm ít tiền nhất trong cả nước, vào năm 1978 họ kiếm được như nhau, mỗi lớp chiếm một phần tư lợi tức quốc gia. Sau 40 năm, Ngân hàng Thế giới, năm 2018, lớp trên (10% cao nhất) chiếm 40% lợi tức toàn dân, trong khi lớp dưới (một nửa nghèo nhất) chỉ được hưởng 15% lợi tức chung. Năm 2000, 1% những người giầu nhất Trung Quốc làm chủ 10% tài sản quốc gia, năm 2020 họ đã chiếm lãnh 30%, tăng gấp ba lần, theo Stella Yifan Xie trên báo Wall Street Journal ngày 14 tháng 11, 2021.
Yifan Xie kể chuyện một thanh niên 23 tuổi, quê ở Quế Châu, một tỉnh nghèo nhất. Cha mẹ dành dụm nuôi cho đứa con đầu tiên tốt nghiệp đại học. Bây giờ anh ở Ninh Phố, lãnh lương khoảng $1,080 đô la, nhưng không đủ tiền mua một căn hộ và cũng không biết bao giờ đủ tiền để cưới vợ. Nhiều thanh niên Trung Quốc cũng lâm tình trạng đó. Giá một căn hộ ở Bắc Kinh cao gấp 25 lần lợi bình quân tức một gia đình; ở Thượng Hải lớn gấp 20 lần. Để so sánh, ở New York, London giá chỉ cao gấp 7, 8 lần lợi tức.
Bất công xã hội biểu hiện rõ nhất trong việc giáo dục. Những gia đình giàu có thường chi tiêu một phần tư lợi tức cho con cái đi học thêm, chiếm các ghế trong đại học. Năm 1990 trong sinh viên Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) có 22% gốc từ nông thôn, đến năm 2016 tỷ số tụt xuống còn hơn 10%.
Năm 2017, sinh viên Hùng Hiên Ngang (Xiong Xuan’ang, 熊轩昂) nổi tiếng vì được số điểm cao nhất nước trong kỳ thi tuyển vào đại học. Nhưng anh bị cả chế độ chỉ trích khi thú nhận rằng số anh may mắn có bố mẹ đều là nhân viên ngoại giao khá giàu, lại được sống ở Bắc Kinh nơi có nhiều trường luyện thi tốt nhất. “Con nhà nghèo ở nhà quê hoặc ngoài Bắc Kinh không bao giờ được như vậy,” anh nói thật tình.
Tập Cận Bình sẽ phải đối phó với hàng trăm triệu người Trung Hoa, nhất là những thanh niên đang sống trong một xã hội ngày càng bất công, sẽ gia tăng kiểm soát và đàn áp. Tập Cận Bình đã ra lệnh giới trẻ chỉ được vào internet một số giờ giới hạn, chỉ được chơi “trò điện tử” ba giờ một tuần. Hệ thống kiểm soát ngặt nghèo đến nỗi cả nước vừa mới xôn xao về câu chuyện “chơi game lúc 3 giờ sáng!”
Một đêm, có người tự nhận là 60 tuổi chơi một trò điện tử rất nổi tiếng và đã thắng lớn. Nhưng người này có thật là 60 tuổi không? Nếu là một thiếu niên khai tuổi giả để chơi trái lệnh Đại Lãnh Tụ thì sao? Công ty sản xuất trò chơi Tencent phải mở cuộc điều tra, dùng Trí khôn Nhân tạo, AI, để tìm “thủ phạm.” May mắn, đó là một ông 60 tuổi thật!
Câu chuyện trên cho thấy Cộng sản Trung Quốc đang kiểm soát dân chúng chi li như thế nào. Càng kiểm soát mạnh càng chứng tỏ mình đang lo sợ. Sang năm Tập Cận Bình sẽ lên “ngôi cửu ngũ” theo gót Tần Thủy Hoàng, Hán Vũ Đế, và Mao Trạch Đông. Nhưng liệu 1,400 triệu dân Trung Hoa có tiếp tục cúi đầu thần phục mãi hay không?