Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng nói tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm khi chiến dịch ‘đốt lò’ với nguyên tắc xử lý “không có vùng cấm” của ông đang được đẩy mạnh.
Tổng bí thư Đảng ca ngợi những nỗ lực của ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng tại một cuộc họp ở Hà Nội hôm 16/8 trong năm qua với việc kết thúc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử 40 vụ án và 500 bị cáo. Theo ông Trọng, đã có 235 đảng viên vi phạm về tham nhũng bị kỷ luật trong 7 tháng đầu năm nay.
Tình hình tham nhũng hiện nay ở Việt Nam càng ngày càng tràn lan và càng kinh khủng. Chính vì thế nó là nguyên nhân tại sao dân oan ở Việt Nam ngày càng đông, ngày càng nhiều.Lê Hiền Đức, 'cụ bà chống tham nhũng'
Những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng đã “góp phần tăng cường, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân với Đảng, Nhà nước,” theo ông Trọng.
Tuy nhiên một người dân đã tham gia chống tham nhũng trong 30 năm qua cho VOA biết rằng tham nhũng ngày càng tràn lan chứ không thuyên giảm.
“Tình hình tham nhũng hiện nay ở Việt Nam càng ngày càng tràn lan và càng kinh khủng. Chính vì thế nó là nguyên nhân tại sao dân oan ở Việt Nam ngày càng đông, ngày càng nhiều,” theo bà Lê Hiền Đức, người được gọi là “cụ bà chống tham nhũng” do đã giúp đỡ nhiều người dân từ 63 tỉnh thành trong cả nước trong các vụ kiện đòi lại đất đai bị chính quyền thu hồi thông qua cưỡng chế.
Bà Đức, 87 tuổi, cho biết ngày nào bà cũng tiếp các đoàn dân oan từ khắp nơi trong nước tới gặp bà để được giúp đỡ trong việc gửi đơn tới các cấp có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại về đất đai.
Luật đất đai ở Việt Nam được cho là lạc hậu và gây ra nhiều tham nhũng trong chính quyền Việt Nam. Nói với VOA, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện cho rằng bộ luật này đã gây ra nhiều thảm cảnh ở trên cả nước.
“Luật đất đai hiện hành đẻ ra một tầng lớp dân oan ngày càng nhiều và không chỉ là nông dân mà còn cả những cán bộ đảng viên, thậm chí những quan chức cũng trở thành những dân oan,” theo Phó giám đốc Viện Hán Nôm Việt Nam.
Tiến sỹ Diện cho biết ông cùng nhiều người đã gửi kiến nghị và góp ý lên TBT Trọng và Trung ương Đảng về vấn đề này nhưng không bao giờ được trả lời hay phản hồi.
“Cụ bà chống tham nhũng” Lê Hiền Đức cũng cho biết những kiến nghị của bà về các trường hợp tham nhũng mà người dân cung cấp cho bà đều không được chính quyền giải quyết. Bà Đức là người giúp gia đình Đặng Văn Hiến gửi đơn lên Chủ tịch nước Trần Đại Quang xin hoãn án tử hình và vụ án đang được điều tra lại. Ông Hiến và gia đình bị cưỡng chế đất và trong quá trình phản đối việc cưỡng chế của chính quyền, ông Hiến đã bắn chết 3 người rồi sau đó bị kết án tử hình.
'Đốt lò'
Tại cuộc họp hôm 16/8, ông Trọng nhắc tới 5 vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng đã được đưa ra xét xử trong những tháng gần đây. Những vụ án này gồm vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, vụ đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên mạng, các vụ án của PetroVietnam, và vụ án Phan Văn Anh Vũ cùng đồng phạm.
Đây là những đại án trong chiến dịch ‘đốt lò’ chống tham nhũng của TBT Trọng. ‘Lò’ chống tham nhũng lần đầu tiên được ông Trọng nói tới tại phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức vào cuối tháng 7/2017.
Theo các chuyên gia thì cuộc chiến chống tham nhũng do Tổng Bí Thư Trọng lãnh đạo đã đụng đến “những nơi nhạy cảm” từng được coi là “vùng cấm” với các vụ đại án đánh vào các quan chức cấp cao và các nhóm lợi ích đầy quyền lực. Lần đầu tiên một ủy viên bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, bị kết án trong cuộc chiến chống tham nhũng mà ông Trọng ví von là “đốt lò.”
Tuy nhiên theo những nhà quan sát chính trường Việt Nam, cuộc chiến chống tham nhũng của ông Trọng, hiện đã lan sang cả ngành ngân hàng và công an, là một cuộc thanh trừng nội bộ và mang mục tiêu chính trị.
Reuters, trong một bài viết ra tháng 12/2017, nhận định rằng “những nỗ lực nhằm kiềm chế tham nhũng lớn” của ông Trọng cho phép lãnh đạo Đảng Cộng sản hiện nay tăng cường vai trò lãnh đạo dưới thời TBT Trọng sau khi thắng trong một cuộc đấu tranh quyền lực với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào năm 2016.