Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam cổ súy về tầm quan trọng của cải cách kinh tế theo định hướng thị trường trong chuyến thăm nước đồng minh lâu năm Cuba kéo dài hai ngày. Đảo quốc vùng Caribê hiện đang phải vật lộn để tự do hoá nền kinh tế chỉ huy theo kiểu Xô viết khá yếu kém.
Việt Nam và Cuba nằm trong số những nước cộng sản cuối cùng trên thế giới nhưng Hà Nội đã mở cửa nền kinh tế tập trung vào những năm 1980, hai thập kỷ trước khi Havana bắt đầu làm như vậy.
"Nền kinh tế thị trường tự thân nó không thể phá hoại chủ nghĩa xã hội", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thuyết giảng tại Đại học Havana.
"Nhưng để xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công, cần phải phát triển một nền kinh tế thị trường một cách phù hợp và đúng đắn", ông nói.
Hà Nội đã đưa được khoảng 30 triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo sau hơn 20 năm, ông Trọng phát biểu.
Đảng Cộng sản Cuba tuần này thừa nhận có sự giảm tốc trong cải cách thị trường. Họ nói đó là do mức độ phức tạp của tiến trình, bộ máy quan liêu không tích cực tham gia và có những sai sót trong giám sát.
Trong tổng dân số 11,2 triệu người của đảo quốc Caribê, số lượng người tự làm ăn kinh doanh đã tăng hơn gấp ba lần, đạt con số khoảng 580.000 người kể từ khi bắt đầu cải cách.
Nhưng chính phủ Cuba năm ngoái đã tạm dừng việc cấp giấy phép cho một số ngành nghề vì lo ngại bất bình đẳng gia tăng và nhà nước mất kiểm soát. Nhà nước cũng rút lại một số cải cách trong những năm gần đây, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ông Trọng phát biểu rằng rõ ràng là Cuba, cũng giống như Việt Nam, cần tránh liệu pháp sốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Trọng, chính phủ Việt Nam đã xóa nợ cho chính phủ Cuba. Lãnh đạo Cuba Raul Castrol đã cảm ơn Việt Nam về việc làm này, theo tuyên bố chung của hai nước.
Hai nước không nói khoản nợ được xóa là bao nhiêu. Lần gần đây nhất Cuba công khai hóa số nợ nước ngoài của mình là năm 2014, với số tiền là gần 19 tỉ đôla. Trong khi đó, tính đến cuối năm 2015, chính phủ Việt Nam nợ nước ngoài 39,6 tỉ đôla.
Nhân chuyến thăm Cuba của TBT Nguyễn Phú Trọng, hai nước hôm 29/3 đã ký một số hiệp định hợp tác kinh tế nhằm tăng cường quan hệ thương mại, đồng thời báo hiệu về những khoản đầu tư lớn hơn từ đất nước ĐNÁ vào đảo quốc Caribê.
Tại một diễn đàn thương mại song phương, Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Cuba Rodrigo Malmierca thông báo việc phê duyệt hai dự án quan trọng với Tập đoàn Công nghiệp Tín Thành của Việt Nam, bao gồm một dự án xây dựng nhà máy điện sinh học và một dự án phát triển nông nghiệp kết hợp với sản xuất năng lượng tái tạo, cả hai đều ở tỉnh miền Camaguey.
Công ty Việt Nam ViMariel S.A. cũng được cấp giấy phép để phát triển một khu công nghiệp tại Đặc khu Phát triển Mariel, ở tây Havana. Công ty sẽ sản xuất đồ sứ vệ sinh, gạch lát và các vật liệu xây dựng khác.
Ngoài ra, công ty Cuba Gran Caribe S.A. và Chao-Viglacera của Việt Nam đã ký hợp đồng về quản lý và tiếp thị cho một khách sạn ở Havana.
Công ty du lịch Cubanacan và Hanel của Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ về phát triển một khách sạn 5 sao ở Havana.
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Cuba: "Chúng ta có cơ sở để tiếp tục thúc đẩy quan hệ giữa hai nước. Hiện nay, thương mại song phương được duy trì ở mức cao là 200 triệu đôla Mỹ".
Bộ trưởng Tuấn Anh nói rằng Hà Nội và Havana hy vọng sớm đạt được kim ngạch thương mại song phương khoảng 500 triệu đôla Mỹ một năm.
(Reuters, Xinhua, Lao Động)