Thính giả Đàm Thị Lan hỏi:
“Thưa Bác sĩ,
Bé nhà cháu khi 8 tháng tuổi bị bệnh não úng thủy, sau quá trình điều trị nằm viện có mắc thêm viêm phổi, viêm màng não nhưng đã được điều trị khỏi, riêng bệnh não úng thủy đã được phẫu thuật nội soi phá sàn não thất III thành công.
Đến nay bé được 4 tuổi và bệnh đã khỏi hoàn toàn, nhưng cách đây ít ngày cháu có đưa bé đi khám mắt thì bác sĩ kết luận mắt phải bị lác ngoài, cả 2 mắt bị viễn thị. Mắt trái thị lực còn 3/10. Mắt phải thị lực còn 1/10. Và gai thị bị teo trắng. Các bác sĩ có cho đeo kính và hẹn 1 tháng sau tái khám.
Theo cháu có tìm hiểu thì bệnh này hiện nay chưa có phương pháp nào chữa khỏi mà chỉ có thể uống thuốc để thị lực không bị kém đi so với thời điểm hiện tại. Cháu muốn xin tư vấn của bác, bây giờ cháu nên cho bé dùng thuốc gì là tốt nhất,và có nên dùng lâu dài, chế độ ăn, ngủ, nghỉ tốt nhất cho bé vì giờ bé đang tuổi nhận biết cần phải học hỏi nhiều mà mắt bé lại bị vậy.
Cháu rất mong nhận được lời tư vấn giải đáp sớm nhất từ phía Bác sĩ.
Cháu xin cảm ơn!”
Bác sĩ Hồ Văn Hiền trả lời:
Your browser doesn’t support HTML5
Não bộ của chúng ta nằm trong hộp sọ và tủy sống nằm trong xương sống được màng não (meninges) gồm 3 lớp bao bọc chung quanh, như một cái vỏ bọc gói ghém nằm giữa hệ thần kinh và xương bao chung quanh. Giữa 2 lớp bao bọc trong cùng (giữa màng nhện/arachnoid membrane và pia mater) khoảng không gian gọi là subarachnoid space (khoảng dưới màng nhện).Trong không gian này chứa một chất lỏng trong gọi là dịch não tủy (cerebrospinal fluid, CSF). Dịch CSF này được sản xuất trong hai não thất (ventricles I-II) nằm hai bên trái và phải (choroid plexus), lưu thông qua não thất 3-4 và vào khoảng trống dưới màng nhện, sau đó thì được hấp thụ bởi các mạch máu (arachnoid granulations), vào hệ tuần hoàn và thải qua thận.
Nếu vì một lý do nào đó, dịch não tuỷ không lưu thông bình thường, áp suất dịch sẽ quá cao.
Thần kinh thị giác (optic nerve, TK2) đi từ 2 tròng mắt ra phía sau , đến não bộ, và nối nhãn cầu với não bộ phía sau. TK2 đi ngang qua các lớp màng não nói trên, và nếu áp suất CSF quá cao, TK2 bị chèn ép, không được cung cấp oxy và dinh dưỡng đầy đủ, sẽ bị thoái hoá, teo lại (Optic Nerve Atrophy , ONA).
Lúc bác sĩ khám đáy mắt, nhìn vào võng mô, có một vùng tròn, hơi gồ lên, gọi là optic papilla hay optic disc (gai thị giác) nơi mà các sợi thần kinh thị giác rời khỏi mắt, bình thường màu hồng. Nếu dây thần kinh thị giác bị teo (optic nerve atrophy, ONA), papilla sẽ mất màu hồng và tái đi (pale optic disc). Bịnh nhân có thể mất khả năng nhìn thấy nhiều hay ít tùy trường hợp, một bên hoặc hai bên.
Ngoài ra, các dây thần kinh sọ 2, 4, 6 điều khiển các cử động của nhãn cầu cũng có thể hư hại, làm cho mắt bịnh nhân bị lé (lác)(strabismus). Người lớn có thể thấy một thành hai, trong lúc trẻ em thấy một thành hai sẽ thích ứng bằng cách chỉ chấp nhận tín hiệu từ một mắt, lơ là (ignore) tín hiệu từ mắt bị lé, mắt bên lé càng ngày càng kém đi và trở thành "mắt lười biếng" (lazy eye).
Như vị thính giả cho biết, không có thuốc hiện nay để chữa bệnh ONA.
Trẻ con vẫn thấy mờ dù có mang kính sửa khúc xạ, thị trường vẫn bị co hẹp (constricted visual field) ở ngoại biên (peripheral vision), làm như nhìn qua một đường hầm (tunnel vision), hay mất thị giác ở trung tâm thị trường (central vision) , ra nắng thấy khó chịu, loà, sợ ánh sáng (phophobia).
Các nhà giáo dục chuyên về trẻ khiếm thị có thể đánh giá:
- Functional Vision Assessment (FVA): đánh giá cơ năng thị giác : công việc cần nhìn gần, trung bình, xa; màu sắc; tương phản sáng tối (contrast) để dùng hình ảnh, ánh sáng, đèn thích hợp; thị trường (visual field), vd bé có thể chỉ thấy lọ màu nằm bên cạnh mà không để ý gam các màu khác nằm ngoài thị trường của mình.
- Orientation and mobility assessment : khả năng định hướng, di chuyển
- Assistive technology: dùng các kỹ thuật phụ trợ như máy tính giúp đỡ trẻ đọc, viết, hội hoạ, vv
- Visual efficiency skills: kỹ năng scan những chi tiết mà mình thấy được, như đứng trước một cảnh tượng trước mắt nhưng bị giới hạn bởi tầm nhìn của mình (visual field, trong ba chiều), làm thế nào để quan sát một cách có hệ thống, theo từng bước một.
Về vấn đề giờ giấc:
Một đứa trẻ 4 tuổi cần ngủ 10-13 giờ mỗi ngày; có thể ngủ trưa 1-2 tiếng hoặc không cũng được. Không nên quá 14 tiếng và ít hơn 9 tiếng.
Theo khuyến cáo hiện nay của Canada (The Canadian 24-Hour Movement Guidelines for Children and Youth) , trẻ em 8-11 tuổi
- chỉ nên được xem màn hình không quá 2 giờ/ngày (24 giờ),
- nên ngủ 9-11 giờ/ngày
- và phải hoạt động cơ thể 1 giờ/ngày.
Một nghiên cứu (1) theo dõi trong 10 năm 4520 trẻ em ở Mỹ cho thấy chỉ 51% trẻ em ngủ đủ giờ, 37% tôn trọng giới hạn xem màn hình, và tệ nhất là về vận động cơ thể, chỉ 17% đạt tiêu chuẩn 1 giờ/ngày. Chỉ có 5% theo đúng cả 3 tiêu chuẩn nói trên.
Những nhóm trẻ em theo đúng 3 tiêu chuẩn, hay chỉ xem màn hình dưới 2 giờ/ ngày; ngủ đủ giờ và xem màn hình ít đều có liên hệ với một mức trí tuệ tổng quát cao hơn (trí nhớ, khả năng chú ý, khả năng ngôn ngữ) .
Nói cách khác, nói chung trẻ theo đúng các hướng dẫn trên thường khôn hơn, học giỏi hơn, nhất là tiêu chuẩn giới hạn giờ xem TV, màn hình iPad, iPhone và ngủ đủ giờ ban đêm.
Chúc bịnh nhân và gia đình may mắn.
Bác sĩ Hồ Văn Hiền
Ngày 13 tháng 11, năm 2018
Quý vị có thể xem và nghe lại các bài giải đáp trên mạng Internet ở địa chỉ voatiengviet.com
Quý vị muốn được giải đáp các thắc mắc về những vấn đề y học thường thức, xin gọi đến số (202) 205-7890, hoặc E-mail đến địa chỉ <vietnamese@voanews.com>.